Cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số đối với ngân hàng Việt Nam

13/02/2022 - 16:34
(Bankviet.com) Chuyển đổi số là cơ hội để hệ thống ngân hàng Việt Nam nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh, gia tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế. Bên cạnh những cơ hội, ngành Ngân hàng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức.

Tóm tắt: Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã tác động làm thay đổi mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, trong đó có ngành Ngân hàng. Chuyển đổi số là cơ hội để hệ thống ngân hàng Việt Nam nâng cao chất lượng dịch vụ, năng lực cạnh tranh, gia tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế. Bên cạnh những cơ hội, ngành Ngân hàng cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Để giải quyết được vấn đề này thì các cá nhân, tổ chức trong lĩnh vực ngân hàng cần nắm chắc được xu thế phát triển, cơ hội và thách thức đặt ra đối với ngành trong kỷ nguyên số, từ đó, đưa ra các giải pháp vận dụng vào thực tiễn. Bài viết nghiên cứu khái quát xu hướng phát triển của lĩnh vực ngân hàng, nhận diện những cơ hội, thách thức và đưa ra kiến nghị.

Opportunities and challenges of digital transformation for Vietnamese banks

Abstract: The rapid development of the information technology  and the 4.0 industrial revolution have changed all aspects of socio-economic life, including banking industry. Digital transformation is an opportunity for the Vietnamese banking system to improve service quality, competitiveness, and increase access to international markets. Besides opportunities, the banking industry also faces many difficulties and challenges. To solve this problem, individuals and organizations in the banking sector need to firmly grasp the development trends, opportunities and challenges emerged in the digital era, thereby, offering solutions. application in practice. On this basis, the study outlines development trend of the banking sector, identifies opportunities, challenges and makes several recommendations.

1. CHUYỂN ĐỔI SỐ VÀ VAI TRÒ CỦA CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐỐI VỚI NGÀNH NGÂN HÀNG

Theo Công ty Nghiên cứu và Tư vấn công nghệ thông tin Gartner (2017) định nghĩa: Chuyển đổi số là việc ứng dụng công nghệ trong thay đổi mô hình kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó tạo thêm nhiều cơ hội và giá trị mới, giúp doanh nghiệp gia tăng tốc độ tăng trưởng và đạt doanh số tốt hơn. Mô hình kinh doanh mô-đun này cho phép các tổ chức chuyển từ lập kế hoạch cứng nhắc, truyền thống sang trạng thái linh hoạt, tích cực. Từ đó, doanh nghiệp có thể giảm chi phí, mở rộng quan hệ với khách hàng, quan hệ đối tác, mở rộng mạng lưới kinh doanh, kênh phân phối cũng như đa dạng hóa thu nhập.

Theo Microsoft (2017): Chuyển đổi số chính là tái cấu trúc tư duy trong phối hợp giữa dữ liệu, quy trình và con người nhằm tạo ra nhiều giá trị mới.

Tại Việt Nam, một trong những công ty dẫn đầu trong lĩnh vực công nghệ thông tin - FPT cũng đã có định nghĩa khái quát về chuyển đổi số: Chuyển đổi số trong doanh nghiệp, tổ chức là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như sử dụng dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud),… nhằm thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc và văn hóa công ty.

Tóm lại, “chuyển đổi số” là việc sử dụng dữ liệu và công nghệ số để thay đổi một cách tổng thể và toàn diện tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế - xã hội, tái định hình cách chúng ta sống, làm việc và liên hệ với nhau.

Phân biệt chuyển đổi số và số hóa

Chúng ta đã nghe rất nhiều về thuật ngữ “số hóa”, “chuyển đổi số”, tầm quan trọng của “số hóa”, “chuyển đổi số” đối với doanh nghiệp trong những năm gần đây và đặc biệt sau khi đại dịch COVID - 19 bùng phát, thì những thuật ngữ này ngày càng xuất hiện dày đặc trên báo chí. Số hóa là một trong những bước đầu của quá trình chuyển đổi số. Đó là quá trình chuyển thể dữ liệu ở dạng giấy truyền thống thành những dữ liệu mềm trên máy tính. Khác với số hóa, chuyển đổi số không đơn giản chỉ đòi hỏi doanh nghiệp áp dụng thật nhiều công nghệ tiên tiến vào quy trình vận hành mà bản thân quy trình làm việc và toàn bộ đội ngũ nhân lực từ bậc lãnh đạo đến các cấp nhân viên phải được “cải tạo” lại để trở nên linh hoạt hơn, thành thục về công nghệ hơn.

Vai trò của chuyển đổi số đối với phát triển ngành Ngân hàng

Chuyển đổi số trong ngân hàng là việc tích hợp số hóa và công nghệ số vào mọi lĩnh vực ngân hàng. Việc tích hợp này sẽ đem lại những ý nghĩa vô cùng to lớn cho sự phát triển của ngành Ngân hàng không chỉ trong sửa đổi, nâng cấp quy trình kinh doanh mà còn tối ưu hóa được nhu cầu của khách hàng trong việc sử dụng các dịch vụ ngân hàng. Cụ thể,  chuyển đổi số giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí và hợp lý hóa các quy trình hoạt động. Sự tích hợp này cũng giúp mang lại trải nghiệm khách hàng dễ dàng và hấp dẫn hơn. Hơn nữa, chuyển đổi số giúp đẩy mạnh thanh toán điện tử, cơ hội thúc đẩy sự phát triển ngân hàng số tại Việt Nam. Ngoài ra, chuyển đổi số cũng mang lại cho khách hàng những giá trị mới, tiết kiệm thời gian, chi phí, tiện lợi, thực hiện mọi lúc mọi nơi, nhanh chóng và hiệu quả.

2. THỰC TRẠNG CHUYỂN ĐỔI SỐ NGÀNH NGÂN HÀNG TẠI VIỆT NAM

Theo khảo sát của Ngân hàng Nhà nước vào tháng 9/2020, 95% ngân hàng đã và đang xây dựng chiến lược thực hiện chuyển đổi số hoặc dự tính sẽ xây dựng và thực hiện kế hoạch này trong thời gian tới. Trong đó, 39% ngân hàng đã phê duyệt chiến lược chuyển đổi số để phát triển kinh doanh cũng như công nghệ thông tin và 42% đang xây dựng chiến lược chuyển đổi số cho mình.

Do có sự khác nhau nhiều mặt từ khả năng tài chính, phương thức hoạt động mà mỗi ngân hàng sẽ lựa chọn cho mình một mô hình chuyển đổi số thích hợp.

Có thể thấy, đa số các ngân hàng (88%) đều lựa chọn chuyển đổi số cả kênh giao tiếp khách hàng (front-end) và nghiệp vụ nội bộ (back-end) hoặc số hóa toàn bộ; số ít ngân hàng (6%) dự kiến chỉ số hóa kênh giao tiếp khách hàng (front-end only). Các giải pháp kỹ thuật công nghệ mới như điện toán đám mây, phân tích dữ liệu (Big data) hay tự động hóa quy trình bằng robot, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI)… đang được ứng dụng tại hầu hết các ngân hàng. Trong đó, Big data và AI được các ngân hàng sử dụng nhiều nhất để thông qua đó phân tích được hành vi và nhu cầu của khách hàng giúp nâng cao chất lượng sản phẩm và tối ưu hóa nhu cầu của người dùng.

Ngoài ra, dưới sự phát triển của khoa học kĩ thuật, vấn đề về an ninh, bảo mật trong thanh toán cũng như thông tin khách hàng cũng được các ngân hàng đặt lên hàng đầu, để nâng cao sự yên tâm của khách hàng trong việc sử dụng các dịch vụ điện tử như: thanh toán qua internet banking, ví điện tử…

Bên cạnh đó, nhằm mang tới cho khách hàng những dịch vụ trải nghiệm một cách liền mạch được cá nhân hóa cũng như tạo ra sự gắn kết hơn giữa ngân hàng và khách hàng, các ngân hàng cũng hợp tác với các công ty Fintech và kết nối với các hệ sinh thái số của các đơn vị thuộc các ngành, lĩnh vực khác (các công ty Fintech, các tổ chức cung ứng hàng hóa, dịch vụ (Vingroup, Grab,...), các công ty thương mại điện tử (Lazada, Shopee,...), các công ty viễn thông (Viettel, VNPT…).

Với tốc độ tăng trưởng nhanh qua các năm và xu hướng dịch chuyển dịch vụ của khách hàng sang kênh số thì nhiều ngân hàng đã không ngại đầu tư chi phí để xây dựng kho dữ liệu, hạ tầng số tập trung, chuẩn hóa, tạo hệ sinh thái trải rộng nhiều ngành như hệ sinh thái mobile banking… Điều này ngoài việc giúp ngân hàng tiết kiệm chi phí còn tăng nhiều tiện ích hơn so với giao dịch trực tiếp tại ngân hàng, tạo thuận tiện cho khách hàng. Từ đó, số lượng cũng như giá trị giao dịch thông qua ngân hàng trên các kênh trực tuyến cũng tăng lên đáng kể. Đơn cử như báo cáo kết quả hoạt động của VPBank ngày 30/6/2019 cho biết, số lượng người dùng đã hơn 500.000 người tăng hơn 300.000 người so với thời điểm ngày 31/12/2018, đạt tăng trưởng 15%. Giá trị giao dịch hơn 4.000 tỷ đồng với hơn 1 triệu giao dịch được thực hiện. Trong khi đó, năm 2018 giá trị giao dịch chỉ ở mức hơn 300 tỷ đồng với hơn 471.000 giao dịch (Bảng 3)

Bảng: Kết quả tăng trưởng trong sử dụng ngân hàng số

Nguồn: Báo cáo kết quả hoạt động VPBank tháng 6 năm 2019

Một số ngân hàng khác như TPBank, MB đã ghi nhận tỷ lệ hơn 80% giao dịch được thực hiện trên nền tảng số. Hàng chục triệu khách hàng đang sử dụng các ứng dụng: ứng dụng ngân hàng số VCB Digibank, VietinBank iPay, BIDV Smart Banking, eBank X của TPBank; Omni-Channel của OCB;... để thực hiện các giao dịch và thanh toán thường ngày. Thông qua những số liệu đang có, có thể kỳ vọng trong 3-5 năm tới, số lượng khách hàng sử dụng kênh số sẽ đạt đến 60%.  

6 tháng đầu năm 2020, trong khi nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 thì giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua ngân hàng vẫn tăng trưởng ấn tượng với mức tăng 48,3% về số lượng và 13,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.

Tháng 8/2020, HDBank đã triển khai Ekyc, chỉ qua vài tháng đưa vào sử dụng số lượng khách hàng đăng ký mới mỗi tháng trên app HDBank đã tăng 30%, 40% khách hàng thực hiện các giao dịch cũng như thanh toán online trên nền tảng ngân hàng số và tăng trưởng 25% so với các tháng trước khi triển khai eKYC.

3. CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC TRONG CHUYỂN ĐỔI SỐ ĐỐI VỚI NGÀNH NGÂN HÀNG Ở VIỆT NAM

Cơ hội

Việc tiếp cận và nắm bắt kịp thời quá trình chuyển đổi số sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho toàn ngành Ngân hàng, cụ thể:

Mở rộng phạm vi làm việc và cung cấp dịch vụ: Thành tựu của việc chuyển đổi số đã rút ngắn thời gian và chi phí trong việc cung cấp các dịch vụ ngân hàng. Thêm vào đó, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, các ngân hàng lại càng phải nhanh chóng áp dụng chuyển đổi số nhằm tối ưu chi phí, sẵn sàng làm việc từ xa để tiếp tục duy trì quá trình sản xuất kinh doanh cũng như tạo điều kiện để khách hàng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ tài chính.

Tiếp cận với công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực ngân hàng: Chuyển đổi số tạo điều kiện cho việc khai thác dữ liệu và thu thập thông tin. Các phần mềm và hệ thống thông minh sẽ thay thế công việc thủ công, tự động hóa các quy trình phức tạp, hỗ trợ các xu hướng dịch vụ thuê ngoài và tái sử dụng nội bộ một số dịch vụ khác. Việc phát triển hệ thống, vạn vật kết nối trên toàn thế giới sẽ mở ra cơ hội để ngành Ngân hàng tiếp cận những phần mềm tiện ích với chi phí phù hợp. Ví dụ, vào tháng 4/2016, MasterCard đã cho ra đời ứng dụng Groceries sử dụng trên tủ lạnh thông minh Samsung, cho phép người dùng sau khi cài ứng dụng Groceries trên tủ lạnh Samsung có thể lựa chọn các thực phẩm mình cần tại FreshDirect và ShopRite và thanh toán ngay tại chiếc tủ lạnh của mình. Cách thức giao dịch và thanh toán mới này sẽ giúp các ngân hàng tiếp cận được với nhu cầu thanh toán của khách hàng một cách nhanh chóng theo thời gian thực.

Mở rộng mạng lưới và cơ sở khách hàng: Với việc áp dụng các kĩ thuật công nghệ tiên tiến, các ngân hàng đã xây dựng được các mô hình ngân hàng vô cùng tối ưu. Mô hình ngân hàng số này cho phép nhanh chóng mở rộng mạng lưới và cơ sở khách hàng, nhất là đối tượng khách hàng trẻ, có tiềm năng trở thành khách hàng cao cấp trong tương lai; đồng thời gia tăng năng suất vận hành và kiểm soát chi phí hiệu quả. Áp dụng AI cũng sẽ giúp khách hàng có những trải nghiệm dịch vụ giống như được cung cấp bởi con người. Với sự phát triển nhanh chóng của AI trong công nghệ máy bay không người lái, xe tự lái, các trợ lý ảo trong điện thoại thông minh như Bixby của Samsung, Siri của Iphone, tương lai các ngân hàng với phần mềm nhận diện giọng nói sử dụng AI cùng với những sáng tạo Fintech không những giúp ngân hàng mở rộng cơ sở khách hàng mà còn làm sẽ giúp thay đổi bộ mặt của ngành Ngân hàng trong thời gian tới.

Đa dạng hóa sản phẩm: Chuyển đổi số đã giúp ngân hàng đưa ra được các sản phẩm sáng tạo đột phá mới để mở rộng những mô hình kinh doanh phù hợp hơn với thời đại công nghệ. Các sản phẩm dịch vụ mới được các ngân hàng cung ứng ra thị trường được khách hàng sử dụng nhiều thể hiện tiện ích của các sản phẩm đó và đồng nghĩa với sự hài lòng của khách hàng với dịch vụ mà ngân hàng thương mại cung cấp. Hiện nay, đa số các ngân hàng bắt đầu thực hiện chuyển đổi số cũng đã tiến hành và hướng tới phát triển ngân hàng số. Theo báo cáo của Vietnam Report (2019), có tới 93% ngân hàng đã triển khai đổi mới công nghệ và đang đẩy mạnh các kênh bán hàng thông qua công nghệ số (Internet Banking, Mobile Banking,…), một số các dịch vụ ngân hàng như dịch vụ tư vấn hoàn toàn tự động 24/7 thông qua các hộp hội thoại tự động trên website ngân hàng hoặc các kênh mạng xã hội (Techcombank, MB, …).

Hợp tác cùng các công ty cung cấp giải pháp công nghệ và các doanh nghiệp bán hàng và cung cấp dịch vụ: Chuyển đổi số phát triển là cơ hội để thúc đẩy sự cạnh tranh cũng như thu hút các công ty cung cấp giải pháp công nghệ hay các doanh nghiệp bán hàng cung cấp hàng hóa, dịch vụ hợp tác, liên kết với ngân hàng thực hiện các giao dịch thông qua thanh toán ví điện tử hay thẻ ngân hàng, đáp ứng nhu cầu các sản phẩm tiện ích ngày càng cao cho khách hàng, từ đó có thể tối đa hóa lợi nhuận của ngân hàng. Hiện nay, có nhiều ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank, TPBank, Sacombank, VIB, OCB, VPBank, ACB... đã liên kết với ví MoMo để phát triển ví điện tử, VPBank hợp tác với Fintech thành lập không gian làm việc chung cao cấp UP@VPbank. VietinBank đang lập Fintech lab - không gian trao đổi giữa VietinBank và công ty Fintech, nơi gặp gỡ, trao đổi ý tưởng công nghệ và kinh doanh. 

Thách thức

Dù có nhiều cơ hội song việc phát triển ngành Ngân hàng trong kỷ nguyên chuyển đổi số vẫn còn tồn tại nhiều thách thức, cụ thể:

Đầu tiên là khuôn khổ pháp lý, đây là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc phát triển của ngân hàng trong kỷ nguyên số, đơn cử như những vướng mắc trong luật giao dịch điện tử, chứng thực chữ ký điện tử, chữ ký số, hợp đồng điện tử trong giao dịch ngân hàng….

Những hạn chế về cơ sở hạ tầng, liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầngsố đồng bộ, tập trung, chuẩn kỹ thuật kết nối, chuẩn dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung, hạ tầng an ninh, bảo mật….

Sự tham gia của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) trong hợp tác với ngân hàng, đặt ra các vấn đề như: an ninh an toàn, bảo mật thông tin... Xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với nhiều thủ đoạn mới và ngày càng tinh vi. Cụ thể, rủi ro lộ SMS OTP, rủi ro từ người thân, rủi ro từ tài khoản giả mạo, mua bán dùng chứng minh thư giả để mở tài khoản. Khi khách hàng bị lừa tiền, tiền chuyển rất nhanh qua các tài khoản giả mạo. Điều này dẫn đến không định danh được người thực hiện giao dịch, khó khăn trong điều tra thu hồi tiền cho khách.

Để có thể giải quyết vấn đề này nhiều ngân hàng đã tích hợp các công nghệ mới vào hoạt động thanh toán như sử dụng công nghệ giao tiếp tầm ngắn Near Field Communications (NFC) trên điện thoại để thay thế thẻ ngân hàng như National Australia Bank, Commonwealth Bank of Australia, Westpac Banking Corp, ICICI Bank, Lloyds Bank đã triển khai. Hay sử dụng công nghệ thẻ thanh toán không tiếp xúc (contactless card) giúp giảm thời gian giao dịch như Barclays, Lloyds Bank, Halifax, HSBC đã triển khai.

Xu hướng Fintech cũng đặt ra cho ngân hàng những thách thức không hề nhỏ bởi các công ty Fintech cũng nhờ sự hợp tác này mà thu hút thêm được khách hàng, mở rộng thị trường đặc biệt là cung cấp các dịch vụ như cho vay trực tuyến hay quản lý tài chính, vốn là những “sân chơi riêng” của các ngân hàng. Tốc độ giải ngân nhanh (các khoản cho vay ngang hàng P2P), thuận tiện trong quản lý tài chính cá nhân, khả năng tiếp cận các khoản vay (tài trợ cộng đồng, crowdfunding) là những đặc điểm nổi trội trong hoạt động của các công ty Fintech, nơi chuyên thiết kế các ứng dụng chuyên sâu về các dịch vụ tài chính. Nhờ các ứng dụng này mà chi phí của người sử dụng được giảm mạnh. Nếu các ngân hàng không chủ động ứng dụng công nghệ hay mạnh dạn trong việc đầu tư đổi mới các trang thiết bị thì trong tương lai không xa sẽ mất thị phần, mất khách hàng.

Sự phát triển của khoa học kĩ thuật đặt ra cho ngân hàng một vấn đề lớn, để đầu tư vào các công nghệ kĩ thuật mới cần phải có nguồn vốn đầu tư lớn, về nguồn nhân lực ngân hàng cần phải có đầy đủ kiến thức và năng lực để nắm bắt các công nghệ mới và các kỹ năng này.

4. KHUYẾN NGHỊ

Đối với Chính phủ

Thứ nhất, tập trung, rà soát, hoàn thiện các văn bản pháp lý trong lĩnh vực ngân hàng; sớm xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia để tạo điều kiện kết nối mở cho các ngân hàng truy xuất theo thẩm quyền được duyệt và có hành lang pháp lý đầy đủ về chia sẻ dữ liệu với bên thứ ba.

Thứ hai, chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ, khoa học kỹ thuật, tạo ra môi trường kỹ thuật công nghệ hiện đại; tăng cường học hỏi và chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến tạo tiền đề vững chắc để ngành ngân hàng phát triển những ứng dụng công nghệ mới.

Thứ ba, có các quy định pháp lý giúp ngân hàng nhận diện và xác thực được khách hàng, từ đó các ngân hàng sẽ tự tin, an tâm hơn khi triển khai các dịch vụ  ngân hàng gắn liền với công nghệ số và có cơ sở để xử lý khi có tranh chấp với khách hàng.

Đối với Ngân hàng Nhà nước

Thứ nhất, đẩy mạnh áp dụng khoa học công nghệ trong hoạt động của ngân hàng. Cần chỉ đạo đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực công nghệ hơn bởi vì lĩnh vực này ở Việt Nam còn chưa thực sự phát triển mạnh. Đầu tư vào công nghệ sẽ giúp cho các ngân hàng tự tin hơn để phát triển các dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Đặc biệt hoàn thiện và áp dụng khung thử nghiệm pháp lý đối với phát triển công nghệ tài chính.

Thứ hai, nắm bắt các cơ hội trong quan hệ hợp tác quốc tế nhằm phát triển các quan hệ ngân hàng để thu hút và tận dụng các nguồn vốn đầu tư, công nghệ thông tin từ các nước phát triển, trao đổi và chuyển giao công nghệ ngân hàng. Có các chính sách cụ thể nhằm khuyến khích, đẩy mạnh hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển như: thu phí rút tiền, giảm thuế tiêu thụ đối với các hàng hóa có giá trị lớn, xa xỉ phẩm,... nếu giao dịch qua POS.

Thứ ba, tăng cường tổ chức các khóa học hoặc cuộc hội thảo cho các cán bộ lãnh đạo, quản lý và các bộ phận có liên quan trong hệ thống ngân hàng để cung cấp các kiến thức về lý thuyết và kinh nghiệm quốc tế, kinh nghiệm trong nước liên quan đến tổ chức hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh số.

Đối với ngân hàng thương mại

Thứ nhất, tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ nhằm nâng cao quy trình xử lý nghiệp vụ, giao dịch, tiết kiệm thời gian và chi phí hơn nhằm đáp ứng nhu cầu nhanh gọn cho khách hàng.

Thứ hai, tăng cường quy định cũng như các biện pháp nhằm bảo mật thông tin của khách hàng; các ngân hàng cần phải có đội ngũ nhân viên am hiểu về công nghệ thông tin hoặc phải liên kết với các công nghệ thông tin để xây dựng một hệ thống bảo mật dữ liệu.

Thứ ba, số hóa các công cụ làm việc: áp dụng các công cụ kỹ thuật số để giúp thông tin dễ tiếp cận hơn trong toàn tổ chức, triển khai các công nghệ kỹ thuật số tự phục vụ cho nhân viên, đối tác kinh doanh hoặc cả hai nhóm, tập trung vào công nghệ trong hoạt động của ngân hàng.

Thứ tư, nghiên cứu và xây dựng lộ trình chuyển đổi ngân hàng số, phân bổ nguồn lực phù hợp cho đầu tư công nghệ mới. Đẩy mạnh quá trình số hóa ngân hàng và phát triển ngân hàng số thuần túy.

Thứ năm, cần có chính sách tuyển dụng, đãi ngộ, sử dụng thu hút nhân tài phục vụ cho sự phát triển lâu dài của ngân hàng. Đồng thời, tăng cường đào tạo và đào tạo lại cán bộ đảm bảo đội ngũ cán bộ có đủ trình độ để vận hành và làm chủ công nghệ. Để làm được điều này, các ngân hàng có thể phối hợp với các trường đại học, các tổ chức hoặc trung tâm đào tạo chuyên nghiệp nhằm cải thiện kỹ năng chuyên nghiệp của nhân viên ngay cả khi họ đang làm việc cũng như trong quá trình tuyển dụng.

5. KẾT LUẬN

Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và tự do hóa thương mại, chuyển đổi số sẽ mở ra nhiều cơ hội, triển vọng nhưng cũng không ít khó khăn và thách thức đối với mỗi ngân hàng. Để có thể tận dụng những cơ hội và vượt lên những thách thức đối trong phát triển ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số, đòi hỏi nỗ lực nội tại của ngân hàng; sự quan tâm, chỉ đạo đầu tư của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức kinh tế và quan trọng hơn cả là sự ủng hộ từ phía khách hàng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Châu An (2019), “ Chuyển đổi số là gì? ”, Báo điện tử VnExpress.

 [2] Nguyễn Thị Phương Dung (2020), “Chuyển đổi số và tác động của chuyển đổi số trong giai đoạn hiện nay”, Tạp chí công thương.

 [3] Abivin (2020), “ Sự Khác Biệt Giữa Số Hóa Và Chuyển Đổi Số Trong Chuỗi Cung Ứng”.

 [4] Minh Hoàng ( 2020), “Chuyển đổi số tạo cơ hội cho ngân hàng bứt phá”, Tạp chí tài chính Thị trường tiền tệ.

[5] Lê Phương( 2021), “Chuyển đổi số trong ngân hàng: Mở ra một “cánh cửa” mới”, Cổng tin tức thành phố Hải Phòng

[6] Anh Minh(2021), “Chuyển đổi số ngân hàng gặp nhiều thách thức”, Báo điện tử Chính Phủ nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

[7] PGS., TS. Nguyễn Hồng Nga (2020), “Ngân hàng và công ty Fintech: Đối thủ và đối tác”, Tạp chí Ngân hàng.

Bài đăng trên Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ số 12 năm 2021

TS. PHAN THỊ HOÀNG YẾN - NGUYỄN THÚY HẰNG

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ 

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ