Cổ phiếu dầu khí tăng nhờ sự phục hồi giá dầu

25/02/2021 - 17:44
(Bankviet.com) Sau Tết Âm lịch, một số mã cổ phiếu ngành dầu khí có mức tăng mạnh. Nguyên nhân được cho là đến từ sự phục hồi của giá dầu.

Hao mòn lợi nhuận vì COVID-19

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2020, tác động kép từ dịch COVID-19 và giá dầu giảm sâu đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư của các doanh nghiệp ngành dầu khí. Các lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí; chế biến dầu khí và phân phối sản phẩm xăng dầu; dịch vụ dầu khí, chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất.

Trong năm 2020, giá dầu WTI của Mỹ có lúc rơi xuống mức âm 35 – 40 USD/thùng, người bán thậm chí phải trả tiền cho người mua để tránh phải chịu chi phí lưu kho và thiệt hại do hư hại máy móc nếu ngừng sản xuất. Giá dầu Brent có lúc xuống dưới 20 USD/thùng, mức giá thấp nhất trong 18 năm gần đây.

Giá dầu giảm sâu đã ảnh hưởng đến lợi nhuận các doanh nghiệp dầu khí. Một loạt doanh nghiệp dầu khí lớn có kết quả kinh doanh sụt giảm. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2020, Tổng công ty Khí Việt Nam PV Gas (mã GAS) đạt doanh thu 15.524 tỷ đồng bằng 89%, lợi nhuận sau thuế 1.681 tỷ đồng, bằng 54% so với cùng kỳ. Lũy kế năm 2020, Công ty đạt doanh thu 64.150 tỷ đồng bằng 85%, lợi nhuận sau thuế đạt 7.927 tỷ đồng, chỉ bằng 65,5% của năm 2019.

Quý IV/2020, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex (mã PLX) đạt lợi nhuận sau thuế hợp nhất là hơn 1.000 tỷ đồng, giảm 11,5%, luỹ kế cả năm đạt 1,235 tỷ đồng, giảm 73,6% năm 2019. Trong khi đó, quý I, Tập đoàn này lỗ gần 1.900 tỷ đồng do giãn cách xã hội vì COVID-19. Lũy kế cả năm 2020, Petrolimex đạt doanh thu 124.000 tỷ đồng, chỉ bằng 65%, lợi nhuận sau thuế đạt 1.235 tỷ đồng, chỉ bằng 35% so với năm 2019.

Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã PVS) công bố doanh thu hợp nhất năm 2020 đạt 18.000 tỷ đồng, tăng 2% so với thực hiện năm 2019; lợi nhuận hợp nhất trước thuế hơn 1.000 tỷ đồng, giảm 9%.

Giá dầu hỗ trợ giá cổ phiếu

Tuy nhiên, vào giữa năm 2020 giá dầu chậm rãi phục hồi và tăng tốc kể từ tháng 11/2020. Vào đầu tháng 2/2021, giá dầu Brent đã vượt ngưỡng 60 USD/thùng trong suốt 1 năm nay. Sau đó, giá dầu Tây Texas Mỹ (WTI) cũng vượt mốc 60 USD/thùng lần đầu tiên kể từ đầu năm 2020.

Cùng với đó, thời tiết giá lạnh bất thường khiến các giàn khoan, giếng dầu và nhà máy lọc dầu ở Texas (Mỹ), phải ngừng hoạt động. Canada, Bắc Dakota, Oklahoma và nhiều nơi khác rơi vào hoàn cảnh tương tự. Các cơ sở sản xuất tổng cộng hơn 4 triệu thùng dầu/ngày, gần 40% sản lượng dầu thô tại Mỹ, buộc phải tạm ngưng hoạt động. Nguồn cung giảm đã đẩy giá dầu phục hồi nhanh hơn.

Những yếu tố này đã hỗ trợ cho giá cổ phiếu các doanh nghiệp dầu khí với mức tăng đáng kể. Trong những phiên giao dịch đầu Xuân Tân Sửu, hàng loạt mã cổ phiếu dầu khí đều có sắc xanh. Tính riêng từ đầu tháng 2/2021 đến nay, cổ phiếu PVD tăng 38% đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/2 ở mức 22.900 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu PVS của Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam tăng 39%, đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/2 ở mức 21.700 đồng/cổ phiếu. Cổ phiếu BSR của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng 38%, đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/2 ở mức 12.500 đồng/cổ phiếu. Nhiều mã cổ phiếu khác như GAS, PLX, PVT, OIL… đều tăng giá.

Theo đánh giá của Trung tâm phân tích của Công ty chứng khoán SSI, mặc dù nhu cầu dầu đang phải đối mặt với áp lực đáng kể nhưng các tin tức tích cực về tiến triển của vắc xin và các tin tức cắt giảm sản lượng từ OPEC có thể hỗ trợ mạnh cho sự phục hồi của giá dầu. SSI đánh giá rủi ro giá dầu giảm thấp hơn so với khả năng tăng giá.  

Giá dầu tăng sẽ thúc đẩy hoạt động thăm dò và khai thác (E&P) nhộn nhịp hơn trong khi phát triển cơ sở hạ tầng điện khí LNG tiếp tục là trọng điểm. SSI Research kỳ vọng các dự án lớn khác sẽ khởi động trong giai đoạn 2021-2022 , bao gồm Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 (tổng giá trị hợp đồng EPC: 500 triệu USD) và phát triển khí ngoài khơi ở Block B (vốn đầu tư: 9,7 tỷ USD) và đường ống (chi phí đầu tư: 1,3 tỷ USD). Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở hạ tầng cho LNG là trọng tâm hàng đầu của Việt Nam. Một số khu liên hợp LNG đã được chính phủ phê duyệt nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn cung khí và nhu cầu điện ngày càng tăng.

SSI ước tính lợi nhuận của ngành dầu khí sẽ phục hồi 35,7% trong năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận của ngành trong năm 2021 vẫn sẽ giảm -17% so với năm 2019. “Nước lên thuyền lên là câu mô tả đúng nhất đối với ngành dầu khí trong bối cảnh cung tiền dồi dào. Hơn nữa, giá cổ phiếu của ngành phục hồi cũng là để phản ánh triển vọng phục hồi của giá dầu, tuy ở các mức độ khác nhau đối với từng công ty trong ngành dầu khí” – SSI nhận định.

Bùi Trang

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo: