Tuần giao dịch vừa qua, VN-Index ghi nhận giảm điểm khá mạnh dù cho có sự phục hồi trong phiên cuối tuần sau khi Mỹ công bố chỉ số CPI điều chỉnh giảm so với kỳ vọng của giới đầu tư. Tuy vậy, áp lực bán xuất hiện vào nửa cuối phiên chiều và cản trở đáng kể đà phục hồi kỹ thuật của thị trường sau những phiên giảm mạnh.
Về diễn biến cụ thể, VN-Index ghi nhận 2 phiên giảm điểm và 3 phiên tăng điểm xen kẽ nhau trong tuần 7 - 11/11. Phiên giảm điểm mạnh hôm thứ Năm (10/11) với mức giảm gần 40 điểm và 170 cổ phiếu giảm sàn trên HOSE cũng đồng thời là phiên tạo nên xu hướng chính của của tuần giao dịch này. Kết tuần, VN-Index giảm 42,62 điểm tương đương với 4,28% so với tuần trước xuống 954,53 điểm. Còn với HNX-Index giảm hơn 7%, về mức 189,81 điểm.
Trong bối cảnh giảm điểm kể trên, thanh khoản trên hai sàn lại tăng đáng kể. Cụ thể, khối lượng khớp lệnh trung bình trên sàn HOSE tăng gần 3% so với tuần trước, đạt hơn 565 triệu cp/phiên. Về phía sàn HNX, thanh khoản bình quân cũng tăng hơn 13%, lên 59 triệu cổ phiếu/phiên.
Nguyên nhân chính dẫn đến sự tiêu cực của VN-Index trong tuần qua chính là NVL. Cổ phiếu này khiến chỉ số mất hơn 8,2 điểm, dẫn đầu cả sàn về mức kéo giảm. HPG xếp thứ 2 chỉ làm mất gần 3,3 điểm.
Tính đến hết phiên 11/11, cổ phiếu NVL đã có chuỗi 7 phiên giảm sàn liên tiếp, qua đó mất đi gần 40% thị giá. Hiện, giá cổ phiếu NVL chỉ còn 41.850 đồng/cp vào cuối phiên 11/11.
Mặc dù vậy, ảnh hưởng nhiều nhất đến chỉ số trong tuần qua vẫn là nhóm cổ phiếu ngân hàng.
Đối với chiều kéo giảm, có đến 5 cổ phiếu ngân hàng góp mặt trong top 10 tiêu cực nhất, bao gồm EIB, TCB, MBB, VIB và VPB. Lực kéo giảm giữa các cổ phiếu này không chênh lệch quá nhiều nhưng tổng cộng 5 cổ phiếu trên đã làm giảm của chỉ số gần 9 điểm.
Trong khi đó ở chiều kéo tăng, VCB và BID lần lượt là các trụ đỡ quan trọng của chỉ số với số điểm kéo tăng lần lượt 4,5 điểm và 3,6 điểm. Một cổ phiếu ngân hàng khác cũng góp mặt trong top 10 cổ phiếu tích cực nhất tuần là ACB, tuy nhiên cổ phiếu này chỉ giúp mang về 0.6 điểm.
Bên cạnh các cổ phiếu ngân hàng, các cổ phiếu thuộc nhóm năng lượng như GAS, POW hay thực phẩm - đồ uống như MSN, SAB cũng góp phần giữ lại chỉ số trước áp lực tiêu cực của thị trường.
Ở rổ VN30, nhóm kéo giảm áp đảo trong tuần qua khi có đến 21 cổ phiếu tham gia nhóm này, trong khi chỉ có 8 cổ phiếu ở nhóm kéo tăng và 1 cổ phiếu trung lập là VIC. Dẫn đầu nhóm kéo giảm là NVL với gần 13,9 điểm, gần gấp đôi so với HPG xếp ngay sau với 7,6 điểm. Ngược lại, dẫn đầu nhóm kéo tăng là 2 cổ phiếu ngân hàng gồm ACB và VCB với số điểm lần lượt 2,2 điểm và 2 điểm.
Đối với HNX-Index, nguyên nhân chính dẫn đến sự lao dốc của chỉ số đến từ IDC khi chỉ riêng cổ phiếu này đã làm giảm 2 điểm của chỉ số, gấp đôi so với 0,9 điểm của HUT xếp thứ 2. Trong khi đó ở chiều kéo tăng, PVS dẫn đầu cả nhóm nhưng chỉ mang về gần 0,3 điểm.
CTCK Vietcombank (VCBS) - Nhà đầu tư cần hạn chế bắt đáy Sự phục hồi kỹ thuật tại phiên giao dịch cuối tuần đã phần nào xoa dịu nỗi âu lo trong lòng nhà đâu tư nhưng thanh khoản vẫn tiếp tục duy trì ở ngưỡng thấp. Ở góc nhìn kỹ thuật, tại đồ thị tuần, chỉ báo MACD vẫn đang hướng xuống tiêu cực và chưa có dấu hiệu tạo đáy trung hạn. Bên cạnh đó, chỉ báo RSI tiếp tục ở ngưỡng quá bán, chưa có tín hiệu phục hồi và hoàn toàn có khả năng thủng ngưỡng 22. Nếu VN-Index xuyên thủng vùng đáy được tạo tuần trước thì sẽ có xác suất hướng về vùng điểm 900 tương ứng với ngưỡng 1.0 của thang đo Fibonacci mở rộng. VCBS khuyến nghị nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp phục hồi kỹ thuật của thị trường để hạ tỷ trọng cổ phiếu và tăng tỷ trọng tiền mặt để giảm thiểu rủi ro. Ngoài ra thì VCBS cho rằng, hiện các tín hiệu tạo đáy ngắn cũng chưa đủ tin cậy nên nhà đầu tư nên ưu tiên quan sát them diễn biến giao dịch trong những phiên tới và hạn chế việc bắt đáy. |
Nguyên Nam