Thị trường chứng khoán khép lại phiên giao dịch cuối tháng 4/2022 trước kỳ nghỉ lễ dài với VN-Index tăng thêm 15 điểm và tiến gần ngưỡng kháng cự 1.370 điểm.
Tuy nhiên, thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức thấp với tổng giá trị giao dịch trên sàn HOSE chỉ đạt hơn 18.700 tỷ đồng. Điều này cho thấy tâm lý thận trọng vẫn chưa được cởi bỏ và thị trường đang trong trạng thái “tăng trong nghi ngờ”.
Cổ phiếu ngân hàng diễn biến khá tích cực trong phiên giao dịch hôm nay nhưng mức đóng góp cho chỉ số không quá đáng kể. Toàn ngành có tới 18 mã tăng giá, 4 mã giảm và 5 mã đứng giá tham chiếu.
Trong đó, KLB bất ngờ bật tăng 10,4% lên 33.000 đồng/cp. Tuy nhiên, cả phiên giao dịch chỉ có hơn 2.200 cổ phiếu được trao tay, giá trị 72 triệu đồng. Được biết, Kienlongbank vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên 2022 vào ngày hôm qua (28/4). Trong đó , ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế giảm so với mức thực hiện năm 2021 xuống còn 660 tỷ đồng.
Đứng sau KLB, ACB bật tăng gần 5,5% nhờ lực cầu đột biến trong phiên ATC với 1,86 triệu cổ phiếu được giao dịch, chiếm 40% tổng thanh khoản cả ngày.
NAB của Nam A Bank cũng xanh gần 5,3% và đóng cửa ở mức cao nhất trong phiên là 17.900 đồng/cp. Đây là phiên tăng giá thứ ba liên tiếp của cổ phiếu này với tổng mức sinh lời đạt 7,8%.
Một loạt cổ phiếu ngân hàng cũng có được mức tăng giá tốt trong hôm nay như TCB (4%), OCB và VIB (3,9%), MSB (2%), LPB và BID (+1,5%).
Trong khi đó, bộ đôi quốc doanh CTG và VCB lại đi ngược dòng thị trường khi mất lần lượt 0,7% và 1,7% giá trị. Đây cũng là hai mã đứng đầu Top 10 cổ phiếu ảnh hưởng tiêu cực đến VN-Index. Hôm nay (29/4), hai ngân hàng VietinBank và Vietcombank đều tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2022.
Điểm đáng chú ý nhất trong đại hội của VietinBank là việc trình cổ đông thông qua phương án tăng vốn điều lệ bằng cách trả cổ tức năm 2020 bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 11,8488%.
Hiện nay VietinBank có vốn điều lệ hơn 48.058 tỷ đồng, như thể hiện trong biểu đồ bên dưới. Vì vậy, nhà băng này dự kiến phát hành thêm 569,4 triệu cổ phiếu CTG, nâng vốn điều lệ thêm 5.694 tỷ đồng.
Còn đối với Vietcombank, nhà băng này cũng trình đại hội phương án tăng vốn điều lệ từ 47.325 tỷ đồng lên 55.891 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại năm 2019, 2020. Theo đó, Vietcombank dự kiến phát hành hơn 856 triệu cổ phiếu để trả cổ tức tỷ lệ 18,1%. Cổ đông sở hữu 1.000 cổ phần tại thời điểm phát hành sẽ được nhận số cổ phần mới là 181 cổ phần.
Về thanh khoản, phiên giao dịch cuối tháng 4 ngành ngân hàng chỉ đạt hơn 2.600 tỷ đồng qua kênh khớp lệnh, nhưng nếu tính cả giao dịch khớp lệnh giá trị lên tới 5.065 tỷ đồng. Phiên sáng xuất hiện giao dịch thoả thuận khủng của khối ngoại tới 27,6 triệu cổ phiếu VCB với tổng giá trị gần 2.300 tỷ đồng.
Còn thông qua kênh khớp lệnh, nhà đầu tư nước ngoài lại quay đầu bán ròng gần 20 tỷ đồng. Lực bán tập trung tại một số mã như VCB và STB với cùng giá trị 21 tỷ đồng.
Phương Thảo
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam