Ảnh minh họa |
Đà phục hồi của thị trường chứng khoán bị chặn đứng sau thông tin tăng lãi suất điều hành chiều qua từ ngân hàng nhà nước khiến tâm lý thận trọng của nhà đầu tư gia tăng. Thanh khoản tuần này tiếp tục giảm, thậm chí có phiên mức thanh khoản khớp lệnh trên sàn HOSE xuống mức thấp nhất 2 năm.
Trong bối cảnh thị trường chịu tác động bất lợi cả trong và ngoài nước, chỉ số VN-Index giảm sang tuần thứ 4 liên tiếp nhưng vẫn trụ vững trên ngưỡng 1.200 điểm. Đây được xem là tín hiệu tích cực lúc này.
VN-Index chốt tuần ở 1.203,28 điểm (-11.42 điểm) |
Tuần qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng tiếp tục ghi nhận tuần giao dịch tiêu cực với 24/27 mã đóng cửa tuần trong sắc đỏ.
Đáng chú ý, với cả 5 phiên giảm trong tuần, NVB là cổ phiếu ngân hàng giảm giá mạnh nhất tuần qua với mức -15,5%, xuống còn 19.100 đồng/cp, mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm ngoái.
Giảm mạnh tiếp theo là 2 cổ phiếu VBB và PGB với mức giảm lần lượt là 7,7% và 6,6%.
Trên HOSE, VPB là mã giảm sâu nhất (-5,9%), qua đó trở thành mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất tới VN-Index toàn thị trường tuần qua. Nhiều cổ phiếu ngân hàng có vốn hóa lớn khác như TCB, STB, CTG, MBB,... cũng không tránh được xu hướng chung với mức giảm dao động từ 2 - 5%.
Chiều ngược lại, chỉ có nhóm ngân hàng quy mô vừa và nhỏ với 3 mã là EIB, KLB và SGB ghi nhận tăng giá. Trong đó, EIB có tuần thứ 2 liên tiếp đi ngược lại với toàn ngành với mức tăng sau 2 tuần là 13,4%.
Thanh khoản của nhóm cổ phiếu ngân hàng đã có sự cải thiện nhẹ so với tuần trước đó. Cụ thể, trong 5 phiên vừa qua có gần 392 triệu cổ phiếu được giao dịch (tăng 10% so với tuần trước đó) tương ứng với giá trị giao dịch đạt 9.603 tỷ đồng (tăng 6%).
Đối với khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng bán bớt cổ phiếu trên thị trường, song, nhóm cổ phiếu ngân hàng không phải đối tượng chịu áp lực khi không có mã nào bị khối ngoại bán ròng quá 15 tỷ đồng trong tuần qua.
Tại khối tự doanh, nhóm này đã bán ròng hơn 75 tỷ đồng VPB trong tuần, cao thứ 2 toàn thị trường; đồng thời bán ròng 61 tỷ đồng EIB và 25 tỷ đồng STB.
Biến động cổ phiếu ngân hàng tuần qua |
(CTCK Tân Việt - TVSI): Thị trường diễn biến khó lường hơn
Thanh khoản không có sự cải thiện và các cổ phiếu vốn hóa lớn tiêu cực hơn so với các cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cho thấy thị trường chưa có sự đồng thuận. Điều này cho thấy các nhà đầu tư tổ chức đang có góc nhìn thận trọng hơn sau các chính sách lãi suất. Trong khi đó các khách hàng cá nhân đang lạc quan hơn và thúc đẩy sự hồi phục ở nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. TVSI nhận định, với diễn biến và thanh khoản sau phiên nay, thị trường chưa có sự đồng thuận và khó lường hơn trong khi các cơ hội sẽ chỉ xuất hiện đơn lẻ ở số ít cổ phiếu.
(Chứng khoán MB - MBS): Tích lũy quanh ngưỡng 1.200 điểm
Đà phục hồi của thị trường chứng khoán bị chặn lại sau thông tin tăng lãi suất điều hành chiều qua từ ngân hàng nhà nước khiến tâm lý thận trọng của nhà đầu tư gia tăng. Thanh khoản tuần này tiếp tục giảm, thậm chí có phiên mức thanh khoản khớp lệnh trên sàn HOSE xuống mức thấp nhất 2 năm. Trong bối cảnh thị trường chịu tác động bất lợi cả trong và ngoài nước, chỉ số VN-Index giảm sang tuần thứ 4 liên tiếp nhưng vẫn trụ vững trên ngưỡng 1.200 điểm. Đây được xem là tín hiệu tích cực lúc này.
Từ tuần sau, thị trường trong nước sẽ đón nhận các thông tin vĩ mô và báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp được đánh giá hết sức tích cực khi nền so sánh cùng kỳ thấp. Chỉ số VN-Index nhiều khả năng sẽ dao động xung quanh ngưỡng 1.200 điểm trước khi hồi phục sau loạt dữ liệu vĩ mô quý 3.
(Chứng khoán Vietcombank - VCBS): Rủi ro ngắn hạn vẫn đang ở mức cao
Trong trường hợp tích cực, VN-Index sẽ giữ vững vùng điểm 1200 để tích lũy ở biên độ hẹp với sự tăng giảm đan xen giữa các nhóm ngành. Ngược lại, nếu áp lực bán tiếp tục gia tăng thì việc VN-Index giảm dưới 1200 để xuống khu vực hỗ trợ phía dưới quanh 1.180 – 1.190 điểm là hoàn toàn có thể xảy ra.
VCBS khuyến nghị các nhà đầu tư giữ tâm lý thận trọng, hạn chế việc bắt đáy sớm khi thị trường chưa có tín hiệu tạo đáy và chưa rõ xu hướng mới. Các nhà đầu tư nên chủ động cơ cấu lại danh mục, nâng cao tỉ trọng tiền mặt, bán những cổ phiếu suy yếu, giảm mạnh dưới hỗ trợ, chỉ giữ tối đa 30% cổ phiếu trong tài khoản để quản trị rủi ro.
Hoàng Hà