Mở cửa phiên giao dịch sáng ngày 7/6, sắc xanh bao trùm cổ phiếu thép với tâm điểm tại cổ phiếu POM của Công ty CP Thép Pomina khi mã này "tím" ngay đầu phiên, qua đó kéo thị giá cổ phiếu lên mức 6.600 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, trong phiên 6/6, có đến 1 triệu cổ phiếu "xếp hàng" mua giá trần, nhưng phải chứng kiến cảnh "mua không ai bán". Với việc tăng trần sớm trong phiên sáng nay, thị giá POM được kéo lên mức cao nhất trong 10 tháng gần đây, kể từ tháng 9/2022. Tính chung hơn 1 tuần trở lại đây, cổ phiếu thép này đã tăng hơn 40%.
Đà tăng mạnh của cổ phiếu POM xuất hiện từ sau thông tin doanh nghiệp muốn phát hành cổ phiếu bổ sung vốn nhằm khởi động lại lò cao |
Được biết, đà tăng mạnh của cổ phiếu POM xuất hiện từ sau thông tin doanh nghiệp muốn phát hành cổ phiếu bổ sung vốn nhằm khởi động lại lò cao. Trong báo cáo thường niên năm 2022, Pomina có kế hoạch phát hành cổ phiếu mới để tăng vốn chủ sở hữu, lành mạnh hoá trạng thái tài chính và bổ sung vốn lưu động để khởi động lại lò cao. Trước đó, vào quý 3 năm ngoái, công ty đã chủ động dừng hoạt động sản xuất lò cao để chuyển sang tập trung vào thế mạnh là lò điện nhằm tối ưu chi phí.
Trước đó không lâu, Pomina đã công bố thông tin bất thường với loạt nội dung đáng chú ý. Pomina thông qua việc tách chi nhánh Chi nhánh Nhà máy Thép (Pomina 1) và Chi nhánh Nhà máy Luyện phôi thép (Pomina 3) thành công ty cổ phần để chuyển nhượng một phần vốn chủ sở hữu tại Công ty TNHH Pomina 3.
Bên cạnh đó, công ty cũng thông qua việc tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 vào tháng 7/2023, ngày đăng ký cuối cùng là 23/6.
Hiện cổ phiếu POM đang trong diện cảnh báo của HoSE do khoản lỗ lũy kế gần 445 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022.
Theo BCTC kiểm toán năm 2022, Pomina ghi nhận doanh thu đạt 13.017 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ. Kinh doanh dưới giá vốn và áp lực chi phí lãi vay khiến doanh nghiệp lỗ ròng kỷ lục 1.078 tỷ đồng trong năm 2022, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 182 tỷ đồng. Kết quả này đưa Pomina trở thành doanh nghiệp lỗ nặng nhất ngành thép năm 2022.
Pomina cho biết, việc bất động sản đóng băng, nhu cầu tiêu thụ thép giảm dẫn đến sụt giảm doanh thu, trong khi chi phí tài chính và chi phí cố dịnh của dự án mới đưa vào hoạt động còn cao đã khiến doanh nghiệp lỗ lớn trong năm 2022.
Về kế hoạch kinh doanh, sau một năm đầy khó khăn, Pomina bất ngờ đặt mục tiêu đầy tham vọng năm 2023 với chỉ tiêu doanh thu thuần đạt 14.000 tỷ đồng, tăng 8% so với năm ngoái và lợi nhuận sau thuế 300 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ đến 1.080 tỷ đồng.
Dù vậy, mục tiêu này không dễ hoàn thành khi Pomina vẫn tiếp tục thua lỗ ngay quý đầu năm. Cụ thể, doanh thu thuần quý 1 của Pomina đạt 1.645 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp này lỗ ròng 187 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 70 tỷ đồng.
Về lộ trình khắc phục, công ty đã xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh 12 tháng tới với sản lượng sản xuất và tiêu thụ dựa trên các yếu tố thị trường. Pomina đặt ra 4 phương án công suất hoạt động của phôi lò EAF, từ 40.000 tới 60.000 tấn/tháng. Xa hơn, giai đoạn từ 2024 đến 2027, khi lò cao chạy lại, LNST sẽ bù đắp hết âm lợi nhuận phân phối trên BCTC. Cụ thể, mức tiêu thụ thép xây dựng trong giai đoạn tới đạt 600.000 tấn/năm.
Doanh thu năm 2024 dự kiến đạt 10.540 tỷ đồng, sau đó nâng dần lên 12.010 tỷ trong năm 2025, 13.479 tỷ trong năm 2026 và 14.949 tỷ trong năm 2027. Mục tiêu lợi nhuận ròng lần lượt đạt 1.317 tỷ trong năm 2024, 1.648 tỷ trong năm 2025, 1.979 tỷ trong năm 2026 và 2.310 tỷ trong năm 2027.
Trước đó, Trước đó các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, Nam Kim, VNSteel, SMC cũng đã lần lượt báo lỗ kỷ lục trong quý IV/2022 khi tiêu thụ thép giảm theo giá bán.
Phân tích về triển vọng ngành thép năm nay, VNDirect cho rằng các doanh nghiệp sản xuất thép vẫn sẽ đối diện với loạt khó khăn khi nhu cầu xây dựng giảm, giá nguyên liệu đầu vào sản xuất tăng... Kỳ vọng của ngành thép năm nay là giải ngân đầu tư công dự kiến tăng 20-25% so với năm 2022.
Về phía xuất khẩu, trợ lực của ngành là giá thép có thể ít biến động hơn do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc ổn định sau khi mở cửa với nhiều chính sách nhằm hỗ trợ, phục hồi thị trường bất động sản. Tựu trung, ngành thép vẫn khó khăn ở nửa đầu năm và chỉ thực sự khởi sắc vào nửa sau của năm nay.
Ngành thép thực sự đã qua cơn "bĩ cực"? Chứng khoán Agriseco đánh giá một số tín hiệu sáng sủa đã dần xuất hiện với ngành thép như giá thép phục hồi khá tích cực từ đầu năm khi Trung Quốc mở cửa trở lại; kỳ vọng đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023; thị trường bất động sản kỳ vọng ấm dần lên sau khi các chính sách hỗ trợ được ban hành. Agriseco Research nhìn nhận quý III/2023 sẽ là thời điểm lợi nhuận ngành thép tăng trở lại khi nhiều doanh nghiệp trong cùng kỳ quý III và quý IV/2022 phải đối mặt với thua lỗ. Các chuyên gia tại SSI Research nhìn nhận, giá thép sẽ chịu áp lực trong ngắn hạn theo xu hướng của giá thép và giá nguyên liệu trong khu vực. Giá than đã giảm gần 30% kể từ mức đỉnh vào tháng 2. Ngoài ra, mức điều chỉnh giá thép trong nước gần đây (giảm 5%, tương đương khoảng 700 nghìn đồng/tấn) thấp hơn nhiều so với mức điều chỉnh giá phôi thép (giảm 18%, tương đương 2,7 triệu đồng/tấn) trong 2 tháng qua. Bên cạnh đó, thuế tự vệ đối với phôi thép là 11,3% đã hết hiệu lực từ tháng 3/2023, điều này sẽ khiến áp lực cạnh tranh trong nước gia tăng. Với dự báo giá thép trong nước có thể sẽ tiếp tục điều chỉnh trong ngắn hạn, các chuyên gia SSI Research cho rằng tỷ suất lợi nhuận các công ty thép trong quý II/2023 sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng kém tích cực. |
Lý do nào khiến các cổ đông lớn đẩy mạnh gom vào cổ phiếu? Thời gian gần đây, nhiều đông nội bộ đang tích cực gom mạnh cổ phiếu công ty nhằm tăng cường thâu tóm hoặc thậm chí ... |
Các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ngày 7/6/2023 Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam gửi đến quý độc giả tổng hợp các giao dịch chứng khoán đáng chú ý ... |
Đây là hai trong số các giải pháp trọng tâm thuộc nhóm tổ chức thị trường được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đưa ... |
Nhật Hải