Cổ phiếu VSF của Vinafood II tăng mạnh, T&T Group của bầu Hiển tạm lãi 3.600 tỷ đồng |
Ngày 20/7, Ấn Độ - quốc gia chiếm hơn 40% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu bất ngờ quyết định dừng xuất khẩu gạo với lý do đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa.
Sau đó, Nga và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất cũng lần lượt ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo, cộng thêm những ảnh hưởng tiêu cực của hiện tượng El Nino lên hoạt động sản xuất ngũ cốc tại nhiều khu vực đã đẩy thị trường lương thực toàn cầu vào cảnh “sốc cung”, khiến giá gạo liên tục tăng nóng. Trong đó, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 10 năm.
Trước sức nóng đó, trên thị trường chứng khoán, nhóm cổ phiếu lúa gạo bao gồm VSF, TAR, LTG, AGM cũng tăng phi mã. Trong đó, ấn tượng nhất phải kể đến cổ phiếu VSF của Tổng Công ty Lương thực miền Nam – Công ty CP (VinaFood II).
Nhận loạt thông tin hỗ trợ tích cực từ thị trường lương thực, sau hơn 5 năm giao dịch trong khoảng 3.000 - 12.000 đồng/cp, từ ngày 24/7 đến ngày 8/8, cổ phiếu VSF bất ngờ xác lập chuỗi 10 phiên tăng điểm liên tiếp, trong đó có 9 phiên kịch trần. Thị giá VSF theo đó tăng gấp gần 5 lần, vọt lên mức đỉnh lịch sử 37.400 đồng/cp.
Cùng với giá tăng, thanh khoản của VSF cũng được cải thiện rõ rệt khi khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên đạt khoảng 168.000 đơn vị, trong khi trước đó chỉ “lẹt đẹt” vài trăm đơn vị hoặc “khá khẩm” là vài chục nghìn đơn vị khớp lệnh mỗi ngày.
Sau một nhịp điều chỉnh ngắn, đến ngày 18/8, cổ phiếu VSF trở lại đà tăng, “lầm lũi” vượt qua mức đỉnh vừa được thiết lập trước đó, “cán mốc” 41.500 đồng/cp trong phiên giao dịch ngày 20/9.
Trong 3 phiên giao dịch gần đây, mã này có xu hướng đi xuống trước áp lực chốt lời, song vẫn đang “neo” tại vùng giá cao 38.500 đồng/cp. Theo đó, giá trị vốn hóa của công ty xuất khẩu gạo ở miền Nam này đang rơi vào khoảng 20.000 tỷ đồng.
Diễn biến giá cổ phiếu VSF |
Cùng với đà tăng “bốc đầu” của giá cổ phiếu VSF, những khoản đầu tư mà cổ đông rót vào Vinafood II cũng ngày càng trở nên “béo bở”. Đặc biệt, đối với một nhà đầu tư “tay ngang” như Tập đoàn T&T Group do ông Đỗ Quang Hiển (bầu Hiển) làm Chủ tịch HĐQT, khoản “lãi ước tính” này dường như còn “ngọt ngào” hơn.
Còn nhớ vào năm 2018, khi Vinafood II lần đầu thực hiện bán cổ phần ra công chúng và lên giao dịch trên sàn UPCoM, Tập đoàn T&T đã chi ra hơn 1.200 tỷ đồng để mua 125 triệu cổ phần VSF (tương đương 10.100 đồng/cp), qua đó nắm giữ 25% vốn điều lệ của doanh nghiệp này. Đây được xem là một màn “đánh cược” của bầu Hiển khi mà T&T của ông trước đó chỉ mới đầu tư vào lĩnh vực lâm nghiệp, rau quả và vật tư nông nghiệp chứ chưa từng “thử sức” trong lĩnh vực xuất khẩu lúa gạo.
Đến nay, sau hơn 5 năm nắm giữ cổ phiếu VSF, mặc dù tỷ lệ không đổi, nhưng giá trị cổ phần đã tăng vọt. Từ số vốn bỏ ra 1.200 tỷ đồng ban đầu, giá trị khoản đầu tư của Tập đoàn T&T giờ đây đã lên tới 4.850 tỷ đồng. Nếu “chốt lời” theo mức giá thị trường hiện tại, ước tính, doanh nghiệp của bầu Hiển có thể lãi đến hơn 3.600 tỷ đồng.
Theo Báo cáo tình hình quản trị 6 tháng đầu năm 2023, ngoài T&T là cổ đông lớn, Vinafood II còn có cổ đông lớn khác là Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp với tỷ lệ sở hữu 51,43%
Theo tìm hiểu, Vinafood II tiền thân là Tổng Công ty Lúa gạo miền Nam, được thành lập năm 1976 theo quyết định của Bộ Lương thực và Thực phẩm.
Doanh nghiệp này hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên từ năm 2010 và chính thức chuyển đổi theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2018 đến nay. Sau khi được cổ phần hoá, ngày 23/4/2018, hơn 114,8 triệu cổ phiếu VSF đã chính thức “chào sàn” UPCoM với mức giá 10.100 đồng/cp.
Đáng nói, trong hơn 45 năm hoạt động, mặc dù được xem là một doanh nghiệp lúa gạo lớn trên thế giới với mức chế biến và xuất khẩu bình quân hàng năm đạt khoảng 2,8-3 triệu tấn và duy trì vị thế cao trong chuỗi giá trị ngành gạo Việt Nam nhưng hiệu quả kinh doanh của Vinafood II lại không hề tương xứng với “tầm vóc” đó.
Kể từ sau khi cổ phần hóa vào năm 2018, Vinafood II phải đối mặt với không ít lùm xùm do các sai phạm trong quản lý của dàn lãnh đạo cũ, doanh nghiệp liên tục thua lỗ hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Tính đến hết năm 2021, lỗ lũy kế của Vinafood II lên tới 2.654 tỷ đồng.
Kể từ khi lên sàn, mãi đến năm 2022, Vinafood II mới bắt đầu có lãi |
Mãi đến năm 2022, sau khi loạt tin vui đến với ngành lúa gạo, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này mới dần hồi phục và bắt đầu có lãi. Cụ thể, lợi nhuận sau thuế năm 2022 đạt 21,1 tỷ đồng.
Tiếp đà tăng trưởng, 6 tháng đầu năm 2023, Vinafood II tiếp tục ghi nhận kết quả khả quan với doanh thu đạt 11.340 tỷ đồng và lợi nhuận đạt gần 10 tỷ đồng, cao hơn lần lượt 60% và 100% so với cùng kỳ năm ngoái.
Giải trình về những chuyển biến tích cực này, theo Vinafood, nguyên nhân là do doanh nghiệp đã đẩy mạnh tái cơ cấu bộ máy, thực hiện tiết giảm các khoản chi phí, theo dõi sát tình hình diễn biến thị trường và kịp thời nắm bắt cơ hội kinh doanh.
Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý, Vinafood II vẫn còn nhiều vấn đề tồn đọng từ giai đoạn trước, mà tiêu biểu là khoản lỗ luỹ kế 2.800 tỷ đồng, khiến cho doanh nghiệp này trở thành một trong những đơn vị có lỗ lũy kế lớn trên thị trường chứng khoán.
Tại thời điểm ngày 30/6/2023, tổng tài sản của Vinafood II đạt hơn 8.800 tỷ đồng. Trong đó, hàng tồn kho chiếm tới 37,5%, ghi nhận ở mức hơn 3.000 tỷ đồng. Về phía nguồn vốn, tổng giá trị vay nợ tài chính của doanh nghiệp xuất khẩu gạo này đã tăng 66% so với đầu năm, lên mức 4.264 tỷ đồng.
Thái Sơn - Long An hoàn tất thanh toán 668 tỷ đồng lãi trái phiếu Tính đến chiều ngày 31/5, Thái Sơn - Long An đã thanh toán tổng cộng 668,7 tỷ đồng lãi trái phiếu của lô TSLCH2129001 và ... |
Bao bì Mỹ Châu (MCP): Đón cổ đông lớn là chủ dự án khu du lịch 4.800 tỷ đồng ven biển Đà Nẵng In và Bao bì Mỹ Châu (MCP) và Hòn ngọc Á Châu đều có liên hệ sâu sắc đến hệ sinh thái Tập đoàn T&T ... |
Dự án số 2 Phạm Ngọc Thạch của T&T Homes thắng giải Dự án đáng sống năm 2023 Ngày 22/9/2023, trong khuôn khổ “Diễn đàn phát triển bền vững thị trường bất động sản” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (trực thuộc ... |
Thái Hà