Cua đồng - món ngon bổ dưỡng mùa hè

26/06/2024 - 18:32
(Bankviet.com) Cua đồng là thực phẩm quen thuộc đặc biệt vào mùa hè nhưng cua đực hay cua cái, loại nào sẽ bổ dưỡng hơn? Tưởng đơn giản nhưng lại ít người biết.
Món canh ngon - thực phẩm bổ dưỡng giúp ấm cơ thể mùa lạnh Canh trứng nấu với gừng nóng, món ăn bổ dưỡng giải rượu cực tốt Hải sâm nguồn thực phẩm bổ dưỡng và an toàn

Cua đồng là món ăn bổ dưỡng, ngon miệng, nhiều dưỡng chất như protid, lipid, glucid, vitamin, muối khoáng, canxi... Trong Đông y, cua đồng vị mặn, mùi tanh, tính lạnh, tác dụng tán huyết, bổ gân cốt, khớp xương. Do đó, cua đực hay cái đều giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe, không nhất thiết phải chọn lựa quá kỹ càng.

Đặc tính cua đực là càng to, ít gạch hơn nhiều thịt hơn. Cua cái thì nhiều gạch hơn, càng nhỏ ăn béo ngậy hơn. Do đó cua đực hay cái đều giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên khi mua nhiều người sẽ chọn cua cái để cho nhiều gạch để khi nấu canh thì canh béo ngậy gạch cua vàng ngậy ngon hơn còn cua đực càng to, nhiều thịt, ngọt nước hơn.

Ảnh minh họa
Cua đồng rất ngon và bổ dưỡng, nhưng để phát huy được hết hiệu quả mang lại thì chúng ta phải chế biến đúng cách. Ảnh minh họa

Tùy theo nhu cầu, mọi người có thể lựa chọn để chế biến. Điều quan trọng là con cua phải chất lượng, không có mùi hôi, đủ càng, đủ chân, khỏe. Không nên chọn con cua to quá hoặc nhỏ quá, tránh mua phải con chết.

Với cua đồng, khâu lựa chọn và chế biến rất quan trọng. Điều này không chỉ làm tăng độ ngon, độ ngọt của bát canh, mà còn tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Cụ thể, khi chọn cua cần chọn con sống khỏe, về bóc mai chế biến sạch sẽ để loại bỏ tạp chất, ký sinh trùng.

Với cua đã chế biến sẵn ở chợ hay bán qua mạng mà không rõ xuất xứ, tiểu thương có thể trộn cua sống, cua chết với nhau. Đó là chưa kể, khi sơ chế ẩu rất dễ bị sót ký sinh trùng như sán, thậm chí là cả đỉa ở trong cua, điều này là vô cùng tai hại.

Đặc biệt không ăn cua chết vì rất có nguy cơ bị ngộ độc. Cua giàu dinh dưỡng nhưng khi chết thì chất dinh dưỡng chuyển hóa thành chất độc có thể gây ngộ độc nghiêm trọng. Những con cua sau chết sẽ sinh ra độc tố có tên acid amin histidine, có thể gây độc khiến người ăn bị đau bụng, nôn mửa, thậm chí bị ngộ độc nghiêm trọng. Lượng độc tố này sinh ra càng nhiều khi cua chết để càng lâu. Khi ăn lại chế biến không kỹ dễ ngộ độc cấp.

Cua đồng là món ăn bổ dưỡng, giúp giải nhiệt trong mùa hè, nhất là khi kết hợp một số loại rau như rau đay, mướp, mùng tơi, rau ngót để nấu canh. Tuy nhiên, đây cũng là thực phẩm không phải ai cũng ăn được, vì trường hợp dị ứng với hải sản, khi ăn có thể phải nhập viện cấp cứu.

Những lưu ý khi ăn cua đồng

- Phụ nữ có thai tránh ăn cua đồng. Cua đồng tính hàn nên những người hay bị nhiễm lạnh, dính gió, đặc biệt là bị ho hen và cảm cúm không nên ăn.

- Tuyệt đối không ăn cua đồng nấu lại, khi nấu canh cua mọi người chỉ nên nấu vừa đủ ăn, ăn không hết nên đổ bỏ, tuyệt đối không nấu lại canh cua để ăn. Vì cua đồng là thực phẩm giàu đạm nên nếu tiếp xúc ngoài không khí trong một thời gian dài rất dễ sinh ra các vi khuẩn có hại, gây thiu, hỏng nhất là trong điều kiện thời tiết nắng nóng mùa hè.

- Ngoài ra khi ăn cua xong cũng không nên dùng nước chè hoặc ăn quả hồng, vì có thể gây ra một số phản ứng như lợm giọng, đau bụng, đi ngoài hay ói... do tanin trong trà hoặc quả hồng kết hợp với protein có trong cua đồng sinh ra phản ứng, điển hình nhất là vón cục thức ăn ở đường tiêu hóa.

- Đối với người có tiền sử dị ứng, người bị tiêu chảy, người mới ốm dậy hay bị gout thì cũng không nên ăn cua đồng. Vì cua đồng có tính hàn, ăn vào sẽ gây lạnh bụng khiến tình trạng tiêu chảy trầm trọng hơn. Ngoài ra, trong cua đồng có chứa nhiều kali và prunes nên người bị gout không nên ăn nhé.

Cua đồng rất ngon và bổ dưỡng, chế biến được nhiều món nữa, nhưng để phát huy được hết hiệu quả mang lại thì chúng ta phải chế biến đúng cách.

Lê Nguyệt tổng hợp

Theo: Báo Công Thương