‘Cục máu đông’ nợ xấu tiếp tục phình to, ngân hàng ‘oằn mình’ chống đỡ

03/08/2024 - 01:06
(Bankviet.com) Cục máu đông nợ xấu tại các ngân hàng thương mại đang có dấu hiệu phình to, trong khi đó, công tác thu hồi, xử lý nợ của ngân hàng cũng đang gặp nhiều trắc trở.
Đã xoá bỏ các hội nhóm ‘‘bùng nợ’’ nhưng kết quả thu hồi nợ vẫn khiêm tốn MB tiếp tục dẫn đầu thị trường về CASA, tốc độ dư nợ tăng trưởng cao Triển khai chiến lược phát triển bền vững, HDBank báo lãi 8.165 tỷ, nợ xấu chỉ 1,59%

Những con số đáng chú ý về nợ xấu

Thông tin tại tọa đàm “Xử lý nợ xấu - Thực trạng và giải pháp” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 2/8, ông Lê Trung Kiên - Phó cục trưởng Cục 4, Cơ quan Thanh tra Giám sát Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) - cho biết, nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6 là 795.500 tỷ đồng, tăng 5,77% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu tính đến cuối tháng 6 đang ở mức 4,56%, cao hơn mức 4,55% tại thời điểm cuối năm 2023 và cao hơn nhiều so với mức 2,03% cuối năm 2022.

Theo ông Lê Trung Kiên, nợ xấu của cả hệ thống tổ chức tín dụng ở mức cao và tiếp tục tăng chủ yếu từ nhóm các ngân hàng thương mại. Trong đó, SCB là ngân hàng có nợ xấu nội bảng lớn nhất trong hệ thống.

Đến cuối tháng 6/2024, tổng nợ xấu nội bảng, nợ tại Công ty Quản lý tài sản (VAMC) chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các tổ chức tín dụng là 1.132.200 tỷ đồng; trong đó nợ xấu nội bảng là 795.540 tỷ đồng, nợ tại VAMC chưa xử lý 98.700 tỷ đồng và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu 237.900 tỷ đồng).

Con số nợ xấu toàn hệ thống này tương đương tỷ lệ 6,44% so với tổng dư nợ (giảm so với mức 6,9% vào cuối năm 2023 nhưng tăng so với mức 4,21% vào cuối năm 2022), cao hơn so với tỷ lệ nợ xấu nội bảng 4,56% tổ chức tín dụng đang thực hiện phân loại theo quy định tại Thông tư 11/2021/TT-NHNN.

‘Cục máu đông’ nợ xấu tiếp tục phình to, ngân hàng ‘oằn mình’ chống đỡ
Nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đến cuối tháng 6 là 795.500 tỷ đồng

Thực tế, theo báo cáo kết quả kinh doanh của nhiều ngân hàng 6 tháng đầu năm nay, nợ xấu ngày càng tăng cao khiến các ngân hàng phải trích lập dự phòng nợ xấu cao dẫn đến lợi nhuận sụt giảm.

Đơn cử, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) có tổng nợ xấu tại thời điểm cuối tháng 6 là 12.548 tỷ đồng, tăng 14,2% so với hồi cuối năm 2023. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay của Sacombank tăng từ 2,28% năm trước lên 2,43%.

Đáng chú ý, các khoản nợ đang có dấu hiệu dịch chuyển. Trong khi nợ nghi ngờ (nợ nhóm 4) giảm 1,9 lần xuống 2.425 tỷ đồng thì nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của Sacombank tăng mạnh 71% lên 8.409 tỷ đồng.

Còn tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) tính đến 30/6, tổng nợ xấu của hơn 8.122 tỷ đồng, cả 3 nhóm nợ đều tăng nhẹ, trong đó có nhóm nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5).

Nợ xấu ACB từ thời điểm đầu năm 2024 là 1,21% đã tăng lên 1,49%. Cụ thể, nợ có khả năng mất vốn hơn 5.525 tỷ đồng (thời điểm đầu năm hơn 3.897 tỷ đồng) nợ nghi ngờ hơn 1.309 tỷ đồng (đầu năm là 1.048 tỷ đồng) và nợ dưới tiêu chuẩn là 1.287 tỷ đồng (đầu năm 940 tỷ đồng). Nhóm nợ có khả năng mất vốn sau 6 tháng tăng hơn 1.628 tỷ đồng, tương đương với tăng 29,46%, là nhóm tăng mạnh và chiếm 68% trên tổng số của 3 nhóm nợ xấu.

Nhận định về nguyên nhân khiến tỷ lệ nợ xấu tăng, ông Lê Trung Kiên - cho biết, qua công tác giám sát nhận thấy nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung và tại một số tổ chức tín dụng có xu hướng tăng do kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, xung đột địa chính trị tại nhiều quốc gia ngày càng căng thẳng.

Bên cạnh đó, lạm phát tại một số quốc gia chưa được kiểm soát và tiếp tục gia tăng, hoạt động kinh tế trong nước chịu nhiều ảnh hưởng từ đại dịch... dẫn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân chưa phục hồi vững chắc.

‘Cục máu đông’ nợ xấu tiếp tục phình to, ngân hàng ‘oằn mình’ chống đỡ
Tọa đàm “Xử lý nợ xấu - Thực trạng và giải pháp”

Khó khăn bủa vây công tác xử lý nợ xấu

Ông Đỗ Giang Nam - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Xử lý nợ, Thành viên HĐTV VAMC cho - biết thêm, trong bối cảnh nợ xấu tăng, công tác thu hồi nợ, xử lý nợ của ngân hàng cũng đang gặp nhiều trắc trở. Do thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, chiếm khoảng 70% tổng tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại ngân hàng, tại một số ngân hàng lên đến 80-90%.

“Nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh thanh lý tài sản để thu hồi nợ, nhưng do thanh khoản yếu nên nhiều bất động sản có giá trị lớn, phải giảm giá hàng chục lần vẫn ế ẩm” - ông Nam cho hay.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam - cho biết, quá trình xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đến từ nhiều yếu tố như khách hàng gặp khó khăn, không có khả năng trả nợ ngân hàng, hoặc chây ỳ trả nợ, không hợp tác trong việc xử lý tài sản bảo đảm.

Bên cạnh đó, các quy trình, thủ tục tố tụng và thi hành án kéo dài gây tốn kém về mặt chi phí, giá trị tài sản bảo đảm bị giảm sút. Đặc biệt là các tài sản bảo đảm là dây chuyền máy móc thiết bị, dẫn đến việc xử lý tài sản bảo đảm không đủ thanh toán cho các nghĩa vụ nợ phát sinh của khách hàng.

“Ngoài ra, nhiều tài sản thế chấp vướng mắc về điều kiện giao dịch, việc xác định giá trị tài sản chưa phù hợp với thực tế và thị trường nên việc xử lý bán tài sản khó khăn, tài sản bảo đảm của bên thứ 3 khó xử lý... Bên cạnh đó, các vướng mắc về mặt pháp lý là một trong các nguyên nhân dẫn đến hiệu quả của công tác xử lý nợ xấu chưa cao, làm hạn chế tiến độ, hiệu quả của việc xử lý nợ xấu trong ngành ngân hàng” - ông Hùng nhấn mạnh.

Liên quan đến quyền thu giữ tài sản bảo đảm của ngân hàng, ông Đỗ Giang Nam phân tích, Trong các hợp đồng thế chấp giữa ngân hàng với bên thế chấp, có thỏa thuận ngân hàng có quyền thu giữ tài sản bảo đảm khi khoản vay phát sinh nợ quá hạn. Trong khi đó Nghị quyết 42/2017 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã hết hiệu lực từ 1/1/2024 và hiện chưa có văn bản thay thế.

Thêm vào đó, Luật Các tổ chức tín dụng 2024 có hiệu lực từ 1/7/2024 cũng không quy định rõ quyền thu giữ tài sản bảo đảm của ngân hàng như trong Nghị quyết 42, ngoại trừ Điểm b, Khoản 1, Điều 199 có đề cập đến “Chi phí thu giữ và chi phí xử lý tài sản bảo đảm”.

“Vậy quyền thu giữ tài sản bảo đảm của ngân hàng có bị ảnh hưởng, hay bị giới hạn bởi Luật Các tổ chức tín dụng 2024 hay không? Nếu ngân hàng tiếp tục áp dụng biện pháp thu giữ tài sản bảo đảm thì phải tuân thủ các quy định nào?” - ông Nam đặt vấn đề.

Cũng liên quan đến việc thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu, ông Nguyễn Quốc Hùng - kiến nghị, các cơ quan có thẩm quyền cần thiết bổ sung quy định pháp luật cho phép các tổ chức tín dụng là bên nhận bảo đảm của khoản nợ xấu được quyền thu giữ tài sản bảo đảm, góp phần đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu.

Đồng thời, xóa bỏ tâm lý chây ì của khách hàng, chủ tài sản trong việc phối hợp với tổ chức tín dụng xử lý tài sản bảo đảm do quy định pháp luật không có chế tài; bổ sung quy định về cơ chế phối hợp, hỗ trợ của Chính quyền địa phương, cơ quan công an cho các tổ chức tín dụng trong việc thu giữ tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu, thay thế cho các quy định tại Nghị quyết 42.

Ở góc độ nhà điều hành, trả lời báo chí mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú - cho biết, nợ xấu trở thành thách thức không chỉ của ngành ngân hàng mà còn của toàn nền kinh tế. Ngân hàng Nhà nước sẽ có biện pháp đảm bảo chất lượng tín dụng trong thời gian tới cũng như trích lập dự phòng nợ xấu để đảm bảo an toàn.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025” góp phần phát triển hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động lành mạnh, chất lượng, hiệu quả, công khai, minh bạch theo quy định của pháp luật và tiệm cận, đáp ứng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế, đẩy mạnh xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng, ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương