Cuộc chơi tham vọng của MWG tại Indonesia cần thêm điều kiện “đủ”

16/10/2024 - 22:36
(Bankviet.com) Điều kiện “cần” cho Erablue thành công đã có (yếu tố thị trường), tuy nhiên, VDSC Research thuộc Chứng khoán Rồng Việt cho rằng Erablue (chuỗi cửa hàng tại Indonesia) cần thêm điều kiện “đủ” đến từ sức cạnh tranh đối với các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống, các nhà bán lẻ khác và các nền tảng trực tuyến ở Indonesia, để trở thành “Điện máy xanh thứ hai” theo mục tiêu lớn của ban lãnh đạo MWG đề ra.

Tiềm năng lớn, EraBlue vẫn gặp nhiều thách thức

Nhìn lại hành trình thành công của chuỗi Điện máy xanh, có thể thấy rõ những yếu tố cốt lõi dẫn đến bước đột phá: Thứ nhất, họ tham gia vào giai đoạn "tiền bùng nổ" 2010-2012, khi thị trường điện máy tỷ lệ thâm nhập còn thấp nhưng bắt đầu có dấu hiệu chuyển mình mạnh mẽ. Thứ hai, chuỗi này áp dụng hai chiến lược quan trọng: mở rộng các siêu thị mini len lỏi vào các khu dân cư, tạo nhiều điểm tiếp cận khách hàng; đồng thời tạo nên lợi thế vượt trội về dịch vụ, như cho vay tiêu dùng và dịch vụ lắp đặt, bảo hành.

Cuộc chơi tham vọng của MWG tại Indonesia cần thêm điều kiện “đủ”
Việt Nam - hình mẫu sáng giá cho tiềm năng phát triển của thị trường điện máy tại Indonesia

Kết quả của chiến lược này nhanh chóng được thể hiện rõ rệt khi thị trường điện máy bùng nổ nhờ sự gia tăng thu nhập và nhu cầu nâng cao chất lượng sống của người dân. Điện máy xanh đã trở thành người tiên phong, với tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình hàng năm (CAGR) trong giai đoạn 2012-2017 lên tới 91,4%.

Tham chiếu đến tổng thể thị trường Indonesia, VDSC Research nhận thấy tiềm năng bứt phá của mảng điện máy thuộc MWG tại quốc gia này, cụ thể:

  • Tỷ lệ thâm nhập ở mức thấp (dưới 50%) ở hầu hết các phân khúc chính như tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt, TV.
  • Quy mô thị trường Indonesia lớn hơn Việt Nam xét trên khía cạnh dân số. Dân số Indonesia gấp 2,7 lần so với Việt Nam tính đến 2023. Điều này được thể hiện rõ hơn qua thị trường CNTT-TT, khi Indonesia khai phá hết tiềm năng thị trường này với tỷ lệ thâm nhập đạt mức giới hạn (>80%) thì doanh thu CNTT-TT gấp 2,6 lần Việt Nam tính đến năm 2023.
  • Điện máy thường vào "pha" tăng trưởng sau khi thị trường CNTT-TT đi vào bão hòa được xem như “nấc thang mới” trong tiện ích cuộc sống của người dân, với ví dụ điển hình về tăng trưởng hai thị trường này tại Việt Nam. Bước đi của hai ông lớn TGDĐ (tại Việt Nam), Erajaya (tại Indonesia) về khẩu vị thị trường là tương đồng khi đánh chiếm thị trường CNTT-TT trước, tạo bàn đạp cho mở rộng sang thị trường điện máy sau đó.
Cuộc chơi tham vọng của MWG tại Indonesia cần thêm điều kiện “đủ”
Tiềm năng bứt phá của mảng điện máy thuộc MWG tại Indonesia

Dù thị trường chung mang lại nhiều tiềm năng, chuỗi Erablue vẫn đối mặt với không ít thách thức trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt. Theo đánh giá của Chứng khoán Rồng Việt, việc MWG chọn phát triển chuỗi Erablue để tiến vào thị trường điện máy Indonesia là một bước đi hợp lý, phù hợp với chiến lược mở rộng chuỗi bán lẻ thành công – bắt đầu từ việc chọn đúng "miếng bánh tổng thể" của thị trường.

Trước đó, MWG từng gặp thất bại khi mở chuỗi bán lẻ ở nước ngoài, cụ thể là tại Campuchia với chuỗi điện máy Bluetronics (trước đây là chuỗi CNTT-TT Big Phone). Chuỗi này đã phải đóng cửa hoàn toàn trong quý 1/2023 sau 5 năm hoạt động, để lại khoản lỗ lớn. Nguyên nhân chính là do thị trường điện máy Campuchia có quy mô nhỏ (dân số thấp hơn Việt Nam) và chưa xuất hiện tín hiệu "bùng nổ" hay bước vào giai đoạn tăng trưởng. Điều này hoàn toàn trái ngược với tiềm năng mà thị trường điện máy Indonesia đang có.

Cần thêm thời gian để chứng minh vị thế

Điều kiện “cần” cho Erablue thành công đã có (yếu tố thị trường), tuy nhiên, VDSC Research cho rằng Erablue cần thêm điều kiện “đủ” đến từ sức cạnh tranh đối với các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống, các nhà bán lẻ khác và các nền tảng trực tuyến ở Indonesia, để trở thành “Điện máy xanh thứ hai” theo mục tiêu lớn của ban lãnh đạo MWG đề ra.

Do đó, công thức thành công của chuỗi Điện máy xanh đã được MWG & Erajaya sử dụng lại cho chuỗi điện máy Erablue, cụ thể: (1) Dạng siêu thị mini (dưới 1,000 m2) để len lỏi trong dân dễ dàng cho việc phục vụ khách hàng và tạo “sức ảnh hưởng thương hiệu”. (2) Cung cấp dịch vụ giao hàng, bảo hành nhanh chóng và chuẩn xác, (3) Khởi tạo website cung cấp đầy đủ thông tin về sản phẩm: đặc tính, tên, giá cả nhằm thu hút khách hàng đến chuỗi cửa hàng vật lý.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO công ty CP Thế Giới Di Động chia sẻ trong ĐHCĐ 2023, dịch vụ điện máy còn sơ khai ở Indonesia. Tại thị trường này, vấn đề giao hàng và lắp đặt điện máy chưa thực sự tốt, hiệu quả vì nhà bán lẻ chỉ đóng vai trò trưng bày và tư vấn, giới thiệu bán hàng sản phẩm; còn khi có đơn hàng thì toàn bộ trách nhiệm được chuyển về cho các đối tác, tức các hãng sẽ là người giao hàng và tới nhà lắp đặt cho khách hàng. Đây là cung cách mà thị trường điện máy Việt Nam khi chưa có Điện Máy Xanh. Điều này sẽ tạo nên ùn tắc và làm chậm việc giao hàng, có thể kéo dài từ 5-7 ngày mới hoàn tất.

Khi MWG sang thị trường Indonesia, họ sẽ mang theo cả những dịch vụ đã thành công ở Việt Nam. Đó là lợi thế - sự khác biệt rất lớn của tân binh Erablue tại Indonesia và nó khác biệt hẳn so với các đối thủ khác trên thị trường.

Cuộc chơi tham vọng của MWG tại Indonesia cần thêm điều kiện “đủ”
Ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO công ty CP Thế Giới Di Động

Ở thị trường Indonesia, các nhà bán lẻ có quy mô giống Điện Máy Xanh ở Việt Nam không có nhiều. Tổng số cửa hàng của hai nhà bán lẻ lớn là Electricity và Hartono cũng chỉ tầm từ 100 - chưa tới 200 cửa hàng và phần lớn là nằm trong trung tâm thương mại. Trong khi các cửa hàng Erablue của MWG là mô hình nằm ở ngoài đường rất tiện lợi cho sự mua sắm của người dân Indonesia. Theo quan sát của MWG, thì tập quán và thói quen mua sắm của người dân Indonesia khá tương đồng với Việt Nam. Do đó, Erablue đón nhận khá nhiều sự ủng hộ từ khách hàng.

Tuy nhiên, Chứng khoán Rồng Việt cho rằng các chuỗi cửa hàng vật lý trong trung tâm thương mại như Electronic City hay Hartono không phải đối thủ lớn nhất của MWG tại Indonesia. Thay vào đó, sự lớn mạnh nhanh của các nền tảng mua hàng trực tuyến tại quốc gia này như Shopee, Lazada, Tik Tok Shop, là điểm cản lớn nhất cho việc nhân rộng mô hình Erablue.

Cụ thể, thị phần của các trang thương mại điện tử trong bán lẻ điện máy ở Indonesia đang mở rộng nhanh chóng với 2018-23 CAGR cho doanh thu đạt 96,9%/năm, trong khi đó, tỷ lệ này cho kênh trung tâm thương mại/siêu thị và cửa hàng nhỏ lẻ/chuỗi bán lẻ đạt khiêm tốn ở mức 33,9%/năm, 4,1%/năm.

Cuộc chơi tham vọng của MWG tại Indonesia cần thêm điều kiện “đủ”
Thị phần bán lẻ điện máy tại Indonesia theo kênh

Erablue có tiềm năng để giật về miếng bánh điện máy ~70% từ các cửa hàng nhỏ lẻ/chuỗi bán lẻ khác nhờ vào công thức thành công từ Điện máy xanh và kinh nghiệm vận hành từ “chuỗi bán lẻ CNTT-TT đứng đầu” tại Indonesia – Erayaja. Tuy nhiên, tăng trưởng của chuỗi phụ thuộc nhiều vào tốc độ chuyển đổi mua hàng sang các trang thương mại điện tử, vốn có lợi thế về giá và đang tăng trưởng “thần tốc” về mặt hàng điện máy, tương tự như thị trường Việt Nam.

Erablue hiện đang ghi nhận mức lỗ ròng ước tính (từ báo cáo tài chính của MWG) trong Q1, Q2-2024 lần lượt -53, -71 tỷ đồng, tương ứng với số lượng cửa hàng tăng từ 38 ở tháng 12-2023, lên 55 ở tháng 3-2024 và 75 ở tháng 9-2024, dự kiến cán mốc 85 vào cuối năm nay.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của ông Đoàn Văn Hiểu Em tại cuộc họp Nhà đầu tư vào tháng 8 2024, các số liệu kinh doanh các tháng gần đây là tích cực: “Chỉ sau khoảng 18 tháng gia nhập thị trường, chuỗi EraBlue đã vượt điểm hòa vốn và có lãi trong vòng 5 tháng liên tiếp. So với tất cả các chuỗi đàn anh trước đó, để mở ra đạt điểm hoà vốn và có lời phải mất nhiều năm nhưng với EraBlue thì chúng tôi chỉ cần 1,5 năm là đạt được kết quả này. Các cửa hàng EraBlue hiện có doanh thu gần như gấp đôi so với các cửa hàng Điện Máy Xanh có cùng diện tích tại Việt Nam. Cụ thể, mỗi cửa hàng EraBlue đang đem lại 2,5 - 4 tỷ đồng doanh thu/tháng/điểm bán.”

Diễn biến lạ của cổ phiếu DRH Holdings trước ngày "tạm dừng cuộc chơi"

Phiên giao dịch cuối cùng trên HOSE trước ngày bị đình chỉ giao dịch, cổ phiếu DRH của DRH Holdings bất ngờ có biến...

170 cổ phiếu không đủ điều kiện ký quỹ quý 4/2024: Nhiều cái tên từng "làm mưa làm gió" trên sàn

HNX và HOSE vừa công bố danh sách 170 cổ phiếu không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ trong quý 4/2024 do các yếu ...

Đại hội cổ đông bất thường FLC không đủ điều kiện tổ chức

Công ty CP Tập đoàn FLC tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 để bầu bổ sung nhân sự HĐQT và ...

Phương Nguyễn

Phương Nguyễn

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán