Đề án tái cơ cấu 3 ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt và DongABank đang được Ngân hàng Nhà nước khẩn trương hoàn thiện, dự kiến hoàn thành trong quý III/2021.
Trao đổi với báo chí, mới đây, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, các ngân hàng yếu kém đều đã có đề án tái cơ cấu và khả năng cuối quý III/2021 sẽ được thông qua.
Số liệu về sức khỏe của 3 ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt và DongABank không được công bố gần đây, song tình hình kinh doanh cũng chưa có tín hiệu khả quan.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra dự thảo sửa đổi Thông tư quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Theo đó, điểm mới nhất của Dự thảo là rút ngắn thời hạn cho vay đặc biệt xuống tối đa 12 tháng (quy định hiện hành là tối đa 2 năm) và bắt buộc phải có tài sản đảm bảo.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia ngân hàng, so với khối nợ xấu mà các ngân hàng yếu kém trên đang gánh, thì khoản vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước như “muối bỏ biển”.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, cách xử lý với ngân hàng yếu kém ở nhiều nước là cho phá sản. Tuy nhiên, với ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt ở nước ta, việc phá sản sẽ gây tốn kém cho ngân sách nhà nước.
“Nợ xấu của các ngân hàng này không dễ đòi, thu hút tiền gửi cũng kém, muốn bán cho nước ngoài cũng kén nhà đầu tư. Nói chung, xử lý các ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt là câu chuyện rất đau đầu”, PGS-TS Thịnh nói.
Trên thực tế, từ khi mua lại 3 ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra nhiều phương án, như sáp nhập, hợp nhất, bán cho nước ngoài…, song tất cả đều chưa thành công. Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, việc xử lý các ngân hàng này thời gian tới không chỉ bằng tiền, mà còn bằng nhiều giải pháp khác.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính - ngân hàng cũng cho rằng, ưu tiên lớn nhất với 3 ngân hàng trên và cả DongABank là bán cho nhà đầu tư trong hoặc ngoài nước hoặc sáp nhập. Tuy nhiên, để làm được, đầu tiên phải xử lý lỗ lũy kế của các ngân hàng này.
“Rất khó, song không phải là không có cách. Để xử lý lỗ lũy kế, thì điều kiện tiên quyết là phải giải quyết nhanh các thủ tục liên quan đến tài sản thế chấp để thanh lý tài sản thế chấp nhằm thu hồi nợ và làm sạch bảng cân đối tài sản. Hiện nay, lỗ lũy kế của các ngân hàng này rất lớn, song nếu có cơ chế đột phá về xử lý tài sản thế chấp, thì chắc chắn, con số nợ xấu sẽ giảm rất nhanh”, ông Nghĩa nói.
Chuyên gia này lấy ví dụ, với khoản nợ xấu 1 tỷ đồng, ngân hàng hạch toán nợ xấu 1 tỷ đồng, trích lập dự phòng thêm 1 tỷ đồng, nghĩa là lỗ 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoản nợ này đang có tài sản thế chấp 1,5 tỷ đồng, nếu bán đi thì nợ xấu biến mất, trích lập dự phòng rủi ro được xóa, ngân hàng sẽ chuyển lỗ thành lãi. Tuy vậy, việc bán tài sản của các ngân hàng này rất khó khăn, vì hầu hết dính đến tranh chấp, đại án… Do đó, Chính phủ cần có cơ chế đặc biệt thì mới xử lý được nợ xấu của các ngân hàng này.
Sắp có đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng trong 5 năm tới
Không chỉ sắp phê duyệt Đề án Tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, mà Ngân hàng Nhà nước cũng đang khẩn trương hoàn thiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021 - 2025. TS. Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho rằng, tái cơ cấu ngân hàng giai đoạn 2016 - 2020 đã đạt được rất nhiều thành tựu về xử lý nợ xấu, xử lý sở hữu chéo, nâng cao chất lượng tài sản hệ thống… |
Lưu Lâm
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam