Đà Nẵng 'khát' vật liệu san lấp: Thực trạng và giải pháp thế nào?

19/08/2022 - 03:51
(Bankviet.com) Nguồn cung vật liệu san lấp tại Đà Nẵng đang ít đi. Phần lớn các mỏ còn hoạt động sẽ hết hạn trong ít tháng tới khiến tâm lý chủ đầu tư, doanh nghiệp xây dựng ít nhiều đều lo lắng.

Kế hoạch chọn nhà thầu xây 2 khu tái định cư mới ở Đà Nẵng

“Nội soi” 2 doanh nghiệp thắng đấu giá các mỏ đất lớn ở Đà Nẵng

Lùm xùm tại dự án Khu đô thị Phong Nam: Đà Nẵng khẳng định chưa giao đất

Đà Nẵng chi gần 150 tỷ xây khu tái định cư tại xã Hòa Phong

Phóng viên Kinhtechungkhoan.vn trao đổi với ông Nguyễn Quang Vinh, Phó giám đốc Sở TNMT TP Đà Nẵng về thực trạng khan hiếm vật liệu san lấp, những giải pháp của Đà Nẵng trong thời gian tới.

Hiện Đà Nẵng có bao nhiêu mỏ đất/vật liệu san lấp thông thường đang còn giấy phép hoạt động, trữ lượng và công suất khai thác hàng ngày ra sao, thưa ông?

Đến nay trên địa bàn thành phố có các đơn vị được UBND TP cấp giấy phép khai thác khoáng sản san lấp. Hiện tại toàn thành phố có 2 mỏ đất san lấp còn giấy phép hoạt động gồm mỏ của Công ty TNHH Biên Giới (thôn Sơn Phước, xã Hòa Ninh và thôn Tùng Sơn, xã Hòa Sơn; trữ lượng còn lại hơn 61 ngàn khối, thời hạn khai thác đến tháng 8/2022) và mỏ của Công ty CP Xây dựng công trình giao thông Đà Nẵng – Miền Trung (thôn Sơn Phước, xã Hòa Ninh; trữ lượng còn lại hơn 336 ngàn khối; thời hạn khai thác đến tháng 9/2022).

Ngoài ra có 3 mỏ đá được phép khai thác đất tầng phủ phục vụ san lấp. Bao gồm: Mỏ Sơn Phước (Hòa Ninh) của Công ty TNHH Trung Thành Đà Nẵng (trữ lượng còn lại hơn 290 ngàn mét khối, thời hạn khai thác đến tháng 12/2023); Mỏ Trường Bản (xã Hòa Sơn) của Công ty TNHH Xây dựng Trường Bản (trữ lượng còn lại hơn 130 ngàn khối, thời hạn khai thác đến tháng 12/2023) và mỏ Hố Lưỡi Mèo 1, xã Hòa Ninh của Công ty TNHH MTV Đông Sơn Hòa Ninh (trữ lượng còn lại hơn 61 ngàn khối, thời hạn khai thác đến tháng 3/2023).

Bên cạnh các mỏ đất đá nêu trên, TP có 5 dự án được cấp giấy phép khai thác đất, cát san lấp trong đất dự án công trình phục vụ công trình khác. Tổng trữ lượng còn lại toàn thành phố còn hơn 1,66 triệu mét khối.

2607-20210730-155049
Giá đất san lấp tăng cao so vớ khung giá quy định gây khó khăn cho nhiều nhà thầu

Nhiều nhà thầu phản ánh hiện trạng giá đất, vật liệu san lấp tăng cao so với khung giá quy định, trong vai trò cơ quan quản lý Nhà nước, ông đánh giá tình trạng này như thế nào?

Hàng quý, dựa trên báo giá của các đơn vị khai thác đất san lấp, Sở Xây dựng sẽ ban hành đơn giá vật liệu xây dựng. Việc giá đất, vật liệu san lấp tăng cao so với khung giá quy định có nhiều nguyên nhân. Có thể kể đến các lý do như tại thời điểm hiện nay nhiều công trình đang đồng loạt triển khai nhưng nguồn cung chưa đủ phục vụ. Ngoài ra, giá nhiên liệu tăng cao đã kéo theo giá của vật liệu san lấp cũng tăng do chi phí vận chuyển tăng.

Thời gian tới Đà Nẵng sẽ triển khai nhiều dự án lớn (Cảng Liên Chiểu, các dự án hạ tầng…) nên nhu cầu vật liệu san lấp lớn. Đề nghị ông cho biết Sở TNMT có định hướng, giải pháp nào để đáp ứng đủ nguồn cung?

Tại Báo cáo 264/BC-STNMT ngày 13/4/2022, Sở TNMT đã báo cáo UBND TP Đà Nẵng các nội dung liên quan đến việc đảm bảo nhu cầu vật liệu xây dựng trên địa bàn TP trong thời gian đến. Theo đó một số giải pháp chính bao gồm:

Chấp thuận kế hoạch thăm dò nâng cấp trữ lượng một số mỏ đá để đưa khoáng sản đá, đất phủ ở các khối tài nguyên vào khai thác nhằm bổ sung một phần khối lượng đá, đất cho giai đoạn tới. Đồng thời cho phép một số mỏ đá có tầng phủ dày được bóc, vận chuyển một phần đất tầng phủ phục vụ các công trình của TP.

Đà Nẵng 'khát' vật liệu san lấp: Thực trạng và giải pháp thế nào?
Các mỏ đất, mỏ đá được phép bóc tầng phủ phục vụ san lấp ở Đà Nẵng sẽ hết hạn trong thời gian tới

Yêu cầu các chủ đầu tư, Ban QLDA lập hồ sơ đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản trong đất dự án, công trình nếu trong hồ sơ thiết kế công trình có phát sinh khối lượng đá, đất thừa, đề xuất công trình cụ thể được sử dụng lượng đất đá này.

Trên cơ sở quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn TP Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn 2030, giao các Ban QLDA phối hợp Sở TNMT lựa chọn các khu vực nằm trong quy hoạch phù hợp để lập hồ sơ cấp phép khai thác khoáng sản (không phải qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản) theo quy định.

Về việc đấu giá 2 mỏ đất làm vật liệu san lấp thông thường ở Hòa Vang (hạn chót nộp tiền trúng đấu giá vào đầu tháng 5/2022), đề nghị Sở cho biết hiện tại tiến độ triển khai các thủ tục đến đâu, dự kiến mất bao nhiêu thời gian có thể đi vào khai thác?

Sau khi trúng đấu giá, Công ty CP Xây dựng thương mại Long Bình Công ty CP đầu tư khu đô thị Nam Cường đã nộp hồ sơ đề nghị cấp phép thăm dò (sớm hơn thời gian quy định tại Điều 2, QĐ số 4272/QĐ-UBND và 4273/QĐ-UBND ngày 20/12/2021 của UBND TP 2 tháng). Sở TNMT đã kiểm tra, thẩm định, trình UBND TP cấp giấy phép thăm dò cho 2 đơn vị nêu trên tại các Tờ trình số 138/TTr-STNMT ngày 5/4/2022 và 151/TTr-STNMT ngày 8/2/2022.

Để hoàn thành các thủ tục liên quan đến thăm dò, khai thác để đưa mỏ vào hoạt động phải mất từ 9 - 12 tháng. Dự kiến tài nguyên đất san lấp của 2 khu vực mỏ khoảng 2 triệu mét khối.

Cao Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán