Đà Nẵng: Xử phạt 50 triệu đồng và đình chỉ hoạt động một cơ sở thẩm mỹ Đà Nẵng: Phát hiện hàng loạt vi phạm ở thẩm mỹ viện "chui" Vì sao chưa thể "nhổ tận gốc" thẩm mỹ “chui” ở TP. Hồ Chí Minh? |
Những “bác sĩ” thẩm mỹ là… lao công, học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông
Liên tiếp trong thời gian gần đây, lực lượng chức năng TP. Đà Nẵng đã phát hiện nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ không phép trên địa bàn thành phố.
TP. Đà Nẵng phát hiện nhiều vụ việc cơ sở thẩm mỹ "chui" sử dụng những người không có chuyên môn, bằng cấp để thực hiện những dịch vụ can thiệp vào cơ thể người như nâng ngực, nâng mũi, căng da mặt.... |
Đáng chú ý, những cơ sở thẩm mỹ “chui” này không chỉ thực hiện những biện pháp can thiệp vào cơ thể người (như cắt mí, nâng ngực, nâng mũi, tiêm filler, tiêm botox, căng da mặt….) khi chưa được Sở Y tế cấp phép hay thông báo đủ điều kiện thực hiện những dịch vụ này; mà đáng lo hơn là có những cơ sở sử dụng người không có chứng chỉ hành nghề, không có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ (như lao công, học sinh mới tốt nghiệp THPT...) thực hiện những dịch vụ can thiệp này.
Điển hình như hồi giữa tháng 8/2023, công an TP. Đà Nẵng phát hiện cơ sở thẩm mỹ không phép Kangzin (Viện Thẩm mỹ 175 Sài Gòn, địa chỉ tại quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng) với hàng loạt lỗi vi phạm. Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở này đang thực hiện dịch vụ giải phẫu can thiệp là căng da mặt cho khách hàng. Nhưng người thực hiện dịch vụ này lại chỉ là… lao công dọn dẹp tại cơ sở.
Hay mới nhất, hồi 24/10 vừa qua, cũng tại quận Thanh Khê, lực lượng chức năng phát hiện cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ ID Korea có nhiều lỗi vi phạm. Cũng tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng bắt quả tang một nhân viên của cơ sở đang thực hiện dịch vụ “nâng ngực” cho một khách hàng. Theo lời giới thiệu thì đây là “bác sĩ thẩm mỹ giỏi nhất Đà Nẵng”, nhưng qua kiểm tra, “bác sĩ” này mới chỉ tốt nghiệp THPT, và không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn nào.
Ngoài ra, một thực trạng phổ biến đáng lo ngại hiện nay là dù chưa được cấp phép, không được thực hiện các dịch vụ can thiệp vào cơ thể người, nhưng các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ “chui” lại quảng cáo rầm rộ trên mạng xã hội về các dịch vụ can thiệp.
Báo động rủi ro, nguy cơ từ những dịch vụ làm đẹp không phép
Theo bà Trần Thanh Thủy – Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng, ngành y tế ý thức được nguy cơ tiềm ẩn rất lớn đối với sức khỏe của người dân khi các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ này không được quản lý chặt chẽ. Vì vậy, ngay sau khi dịch covid cơ bản được kiểm soát, hoạt động kinh tế trở lại bình thường, UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp các sở ngành, địa phương (quận huyện, xã phường) tăng cường kiểm tra, thanh tra đối với những cơ sở kinh doanh thẩm mỹ hoặc các cơ sở y tế thực hiện danh mục kỹ thuật có phạm vi về thẩm mỹ để đảm bảo các đơn vị thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Đồng thời tăng cường thông tin tuyên truyền cho người dân về các tác hại của việc sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ không được cấp phép, không đảm bảo các điều kiện của pháp luật. “Trong năm 2023, Sở đã tổ chức thanh tra liên ngành tại 50 cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn thành phố, tiến hành xử phạt những cơ sở có dấu hiệu vi phạm”, bà Thủy thông tin.
Bà Trần Thanh Thủy – Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Đà Nẵng |
Đại diện Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, hiện có 2 hình thức kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ. Trong đó, loại thứ nhất là những cơ sở y tế được cấp phép khám chữa bệnh, đây là những cơ sở có cán bộ y tế thực hiện, do Sở Y tế và cơ quan y tế trên địa bàn cấp phép hoạt động. Số cơ sở này trên địa bàn thành phố chỉ có khoảng 30 cơ sở.
Còn chiếm phần đông trong cộng đồng và rất khó kiểm soát đó là các dịch vụ thẩm mỹ. Đây là loại hình không yêu cầu cán bộ y tế được cấp phép hoạt động cung cấp dịch vụ mà cơ sở kinh doanh dịch vụ kiểu này được thực hiện hồ sơ tự công bố đủ điều kiện để cung cấp dịch vụ thẩm mỹ, tất nhiên, những dịch vụ này sẽ bị hạn chế bởi những kỹ thuật không được phép triển khai. Đối với loại hình này trên địa bàn thành phố có 92 cơ sở được cấp phép và công bố hồ sơ đủ điều kiện. Sở Y tế Đà Nẵng cũng công khai danh sách và cập nhật hàng tháng danh sách các cơ sở này trên website sở y tế và gửi toàn bộ thông tin này về UBND các quận, huyện, trung tâm y tế các quận, huyện để phối hợp trong công tác quản lý y tế trên địa bàn.
Đặc biệt, trên địa bàn Đà Nẵng còn có gần 500 cơ sở dịch vụ có các dịch vụ thẩm mỹ, làm đẹp lồng ghép vào các dịch vụ mát xa, spa… Những cơ sở này rất khó quản lý cũng như kiểm soát.
“Rất cần vai trò của quản lý địa bàn UBND các quận, huyện, cũng như các cơ quan chức năng như công an trong việc phát hiện các cơ sở vi phạm, xử lý nghiêm minh để răn đe, ngăn chặn những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Và vai trò của truyền thông trong việc nâng cao nhận thức cho người dân về các tác hại của việc sử dụng các dịch vụ thẩm mỹ không đảm bảo theo quy định”, bà Thủy nói.
Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mỗi người khi đời sống kinh tế ngày càng phát triển. Tuy nhiên, nếu bất chấp làm đẹp mà không quan tâm, tìm hiểu cơ sở làm đẹp và dịch vụ thẩm mỹ đó có được cấp phép hay không thì không chỉ tiềm ẩn những rủi ro, nguy cơ đe dọa đến sức khỏe của bản thân, thậm chí có những vụ việc khách hàng đi dịch vụ thẩm mỹ “chui” về bị biến chứng, hoại tử, nguy hiểm đến tính mạng; mà chính những hành động này của những người muốn làm đẹp đã “tiếp tay” cho những cơ sở dịch vụ thẩm mỹ “chui” ngày càng ngang nhiên lộng hành và vi phạm pháp luật.
Vũ Lê - Thành Long