Hưng Yên: Đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm thế mạnh Đắk Nông: Tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp cửa khẩu, phát triển hạ tầng thương mại biên giới |
Nhiều giải pháp kích cầu, thương mại địa phương khởi sắc
Theo báo cáo mới nhất của Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông, trong tháng 8/2024, tình hình thị trường cung cầu, giá cả hàng hóa trên địa bàn tỉnh duy trì ổn định.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8/2024 ước đạt 2.217,6 tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng 7/2024 và tăng 10,4% so với tháng cùng kỳ năm 2023. Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 17.115,2 tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, mức tăng trưởng của Đắk Nông trong tháng 8 khả quan hơn mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước.
Về hoạt động ngoại thương, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8/2024 ước đạt 95,1 triệu USD, tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 653,7 triệu USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Kim ngạch nhập khẩu trong tháng 8/2024 ước đạt 35,7 triệu USD, tăng 12,3% so với tháng trước và giảm 53,3% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 218,4 triệu USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Để có được kết quả này, thời gian qua, Sở Công Thương Đắk Nông đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm. Theo đó, Sở Công Thương đã làm việc với đoàn công tác của Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư tỉnh An Giang về việc tham gia gian triển lãm của tỉnh Đắk Nông tại Ngày hội mắm Châu Đốc, An Giang - OCOP và đặc sản các vùng miền lần thứ II năm 2024.
Ngành Công Thương Đắk Nông đã liên tục tổ chức cho các doanh nghiệp, HTX tham gia các sự kiện như Hội chợ ẩm thực “Món ngon từ biển” và sản phẩm OCOP, Làng nghề tỉnh Bình Định; Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên năm 2024; Hội chợ Công Thương khu vực Nam Trung bộ - Khánh Hòa năm 2024… Qua đó, góp phần quảng bá, tiêu thụ hiệu quả các sản phẩm thế mạnh địa phương, đặc biệt là nông sản ra thị trường.
Doanh nghiệp địa phương đầu tư cho sản phẩm nông sản chế biến, phục vụ ở các điểm du lịch (Ảnh: Thanh Nga) |
Đáng chú ý, tỉnh Đắk Nông xác định du lịch là một trong những mũi nhọn thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong đó, tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh sẵn có với cảnh quan thiên nhiên độc đáo, hùng vĩ như: danh thắng quốc gia thác Đ'ray Sáp, thác Đắk G'lun, Vườn Quốc gia Tà Đùng... Đồng thời, hiện hầu hết các loại trái cây, nông sản của Việt Nam đều trồng được trên vùng đất Đắk Nông. Ngoài các cây công nghiệp chủ lực như: cà phê, hồ tiêu, điều thì nhiều loại trái cây trồng trên vùng đất Đắk Nông có chất lượng ngon như măng cụt, sầu riêng, bơ, các loại cây có múi…
Hiện nay, nhiều tổ chức, cá nhân, tập đoàn khảo sát, đầu tư các dịch vụ du lịch như: tham quan, lưu trú, nghỉ dưỡng, ăn uống, vận chuyển, vui chơi giải trí, lữ hành, lưu niệm… Từ cơ sở này, những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch, sản xuất và chế biến nông sản đánh giá sẽ là cơ hội kích cầu tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Vì thế, các cơ quan chức năng đã vận động, kết nối các cá nhân, HTX, công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản tham gia để tạo ra các sản phẩm phục vụ du lịch nông nghiệp, từ đó thúc đẩy tiêu thụ nông sản.
Các doanh nghiệp tỉnh Đắk Nông cũng tích cực chuyển đổi số để tiêu thụ nông sản. Đơn cử, HTX Nông nghiệp xanh Quảng Trực, ở xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức đã tập trung xây dựng và hình thành vùng nguyên liệu 230ha mắc ca.
HTX đã đầu tư máy sấy, máy tách vỏ để chế biến mắc ca. Sản phẩm mắc ca sau khi chế biến được đóng gói, có nhãn mác với thương hiệu “Mắc ca M’nông” để bán ra thị trường.
Song song với đó, HTX đã lập website, sử dụng các nền tảng công nghệ, sàn thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm. Qua các kênh này, lượng khách hàng của HTX ngày càng được mở rộng tại nhiều thị trường.
Tiếp tục thúc đẩy thương mại phát triển
Thời gian tới, để tiếp tục gia tăng thương mại nội địa và xuất nhập khẩu, Sở Công Thương Đắk Nông sẽ đầu tư mạnh cho hạ tầng thương mại địa phương, trong đó, triển khai xây dựng mô hình điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tinh hoa hàng Việt Nam”, “Tự hào hàng Việt Nam” tỉnh Đắk Nông năm 2024 tại huyện Đắk R’Lấp. Bên cạnh đó, xây dựng mô hình điểm mua bán hàng hoá phục vụ hoạt động sản xuất tiêu dùng miền núi vùng sâu vùng xa tại huyện Đắk Mil.
Song song với đó, triển khai thực hiện: Đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông năm 2022 và kế hoạch khung giai đoạn 2022 – 2025; Kế hoạch phát triển thương mại điện tử tỉnh Đắk Nông năm 2024.
Ngành Công Thương cũng sẽ tổ chức Đoàn đưa các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia: Hội chợ Thương mại ASEAN - Trung Quốc lần thứ 21 (CAEXPO 2024) và các sự kiện xúc tiến thương mại nội địa Hội chợ vùng Tây Nguyên tại tỉnh Kon Tum; Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành năm 2024. Từ đó gia tăng thương mại địa phương phát triển.