Đằng sau cuộc chạy đua tăng vốn nghìn tỷ của các công ty chứng khoán

20/11/2023 - 23:30
(Bankviet.com) Ngoài lý do để cạnh tranh thị phần và đón đầu cơ hội, cũng có công ty chứng khoán buộc phải tăng vốn để giảm rủi ro tài khoản và các khoản lỗ tiềm tàng...

Mới đây, Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS) đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và Bộ Tài chính chấp thuận về việc tăng vốn điều lệ thêm 1.000 tỷ đồng, lên mức 4.000 tỷ đồng. Nguồn vốn góp đến từ ngân hàng mẹ - Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB).

Đằng sau cuộc chạy đua tăng vốn nghìn tỷ của các công ty chứng khoán
Ảnh minh họa

Việc tăng vốn sẽ giúp ACBS nâng cao năng lực tài chính, tiếp cận thêm vốn từ các ngân hàng và tăng cường mảng kinh doanh giao dịch ký quỹ bằng việc tăng dư nợ cho vay tối đa/khách hàng (3% vốn chủ sở hữu) và tăng giới hạn cho vay tối đa/cổ phiếu (10% vốn chủ sở hữu).

Trước đó, hồi cuối tháng 10, Công ty CP Chứng khoán SSI cũng thông báo tổ chức lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản nhằm thông qua việc chào bán hơn 151 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và phát hành hơn 302 triệu cổ phiếu thưởng từ nguồn vốn chủ sở hữu. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2023.

Tổng cộng, SSI muốn phát hành hơn 453 triệu cổ phiếu và sẽ tăng vốn lên hơn 19.600 tỷ, duy trì vị trí dẫn đầu vốn điều lệ trong nhóm các công ty chứng khoán.

Theo kế hoạch, nếu thành công, SSI sẽ thu về gần 5.300 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được dùng để bổ sung vốn cho vay giao dịch ký quỹ và đầu tư vào trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi và các giấy tờ có giá khác theo tỷ lệ do HĐQT quyết định.

Mới đây, HĐQT Chứng khoán VNDirect (VND) đã thông qua nội dung chào bán và phát hành hơn 304 triệu cổ phiếu, trong đó có gần 244 triệu cổ phiếu sẽ được phát hành ra công chúng nhằm tăng vốn điều lệ, hiện ở mức 12.178 tỷ đồng. Việc phát hành nằm trong kế hoạch tăng vốn lên gần 18.000 tỷ đồng của công ty này. VNDirect tăng vốn rất nhiều và nhanh trong vài năm qua. Nếu kế hoạch tăng vốn năm 2023 thành công, vốn của VND sẽ tăng gấp khoảng 8 lần so với năm 2020.

Chứng khoán Kỹ Thương (TCBS) có kế hoạch tăng vốn lên tới hơn 10.000 tỷ đồng, trong khi Chứng khoán MB (MBS) cũng đã chốt quyền phát hành hơn 57 triệu cổ phiếu để tăng vốn lên 4.377 tỷ đồng.

Gia tăng vị thế trên thị trường

Nhìn xa hơn, hơn 2 năm qua, các công ty chứng khoán dồn dập tăng vốn điều lệ, tổng quy mô tăng gấp 2,5 lần. Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong bối cảnh cơ hội dài hạn trên TTCK được cho là rất lớn. Trên thực tế, tổng số vốn hơn trăm nghìn tỷ đồng của 25 công ty chứng khoán (CTCK) vẫn là con số nhỏ bé so với một thị trường cổ phiếu có quy mô khoảng 200 tỷ USD và một thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng rất lớn.

Đằng sau cuộc chạy đua tăng vốn nghìn tỷ của các công ty chứng khoán
Khẩu vị rủi ro của đa số các công ty chứng khoán ở mức cao

Có thể thấy, các CTCK tăng mạnh vốn chủ yếu để cạnh tranh thị phần và đón đầu cơ hội TTCK bùng nổ thời gian tới, khi Việt Nam ngày càng hội nhập với nền kinh tế thế giới. TTCK có thể sớm được nâng hạng khi Chính phủ đang nỗ lực triển khai các giải pháp tháo gỡ những tồn tại. TTCK Việt Nam sẽ là địa điểm đầu tư, kinh doanh hấp dẫn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, cũng có CTCK buộc phải tăng vốn để giảm rủi ro tài khoản và các khoản lỗ tiềm tàng. Một số công ty đang vướng một lượng tiền lớn, lên tới cả tỷ USD nằm ở trái phiếu.

9 tháng đầu năm 2023, lợi nhuận của các CTCK phục hồi khá mạnh từ mức đáy năm 2022, chủ yếu nhờ lợi nhuận từ hoạt động đầu tư (tăng 153% so với cùng kỳ) sau sự phục hồi về định giá trên TTCK.

Dù vậy, theo VIS Rating, quy mô đầu tư các tài sản có nhiều rủi ro của toàn ngành chứng khoán vẫn ở mức cao và chiếm 24% tổng tài sản hữu hình, đặc biệt khi các công ty hoạt động trong lĩnh vực tư vấn trái phiếu đã tăng tỷ lệ nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp rủi ro trong 9 tháng đầu năm 2023.

Tới cuối tháng 9, một số CTCK như TCBS và VPBankS trung bình đã tăng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lên 40-50% tổng tài sản, thay vì mức 28-45% vào cuối tháng 12/2022. Các khoản đầu tư này nằm trong mục tiêu chung của cả hệ sinh thái lớn, nhằm hỗ trợ nhu cầu thanh khoản cho các khách hàng doanh nghiệp của họ.

Trong khi tốc độ trái phiếu doanh nghiệp chậm trả gốc/lãi phát sinh mới đang chậm lại và dòng tiền doanh nghiệp dần ổn định, khoản đầu tư của các công ty vào các tài sản có rủi ro cao, bao gồm cổ phiếu chưa niêm yết và đầu tư trái phiếu doanh nghiệp có mức độ tập trung đáng kể và khiến họ phải đối mặt với các rủi ro sự kiện. Nợ quá hạn từ cho vay ký quỹ nhìn chung giảm và các rủi ro được quản lý tốt nhờ độ bao phủ của tài sản đảm bảo và sự phục hồi của giá cổ phiếu.

Thị trường chứng khoán ngày 20/11/2023: Thông tin trước giờ mở cửa

Cổ phiếu họ Vin kéo chỉ số, VN-Index quay đầu giảm trở lại; Cổ phiếu nhà Nova Group lên sàn 7 phiên giảm 6 phiên; ...

Chứng khoán An Bình (ABS) công bố bản tin tiêu điểm ngành hàng tháng 11/2023

Trong bản tin tiêu điểm ngành hàng phát hành ngày 17/11 mới đây, đội ngũ phân tích Công ty CP Chứng khoán An Bình (ABS ...

Cổ phiếu SZC dẫn dắt nhóm BĐS khu công nghiệp tỏa sáng, VN-Index giữ vững 1.100 điểm

Mở cửa phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số VN-Index bất ngờ giảm điểm. Điểm sáng trong phiên sáng nay chủ yếu đến từ đà ...

Nguyên Nam (t/h)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán