Bộ trưởng Hồ Đức Phớc giải thích tại sao không đưa giá điện vào mặt hàng bình ổn giá Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nói gì về Quỹ bình ổn giá xăng dầu? Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: "Anh em xin nghỉ việc nhiều, tôi phải gặp động viên suốt" |
Sáng 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội tiến hành nghe các báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021.
Quốc hội tiến hành nghe các báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 |
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, căn cứ Nghị quyết số 128/2020/QH14, Nghị quyết số 34/2021/QH15, Nghị quyết số 82/2023/QH15, nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước năm 2021 được quyết định như sau: Tổng số thu ngân sách nhà nước là 1.358.084 tỷ đồng; tổng số chi ngân sách nhà nước là 1.701.713 tỷ đồng; bội chi ngân sách nhà nước là 343.670 tỷ đồng, tương đương 4% GDP, trong đó bội chi ngân sách trung ương tương đương 3,7% GDP, bội chi ngân sách địa phương tương đương 0,3% GDP.
Thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp quản lý, điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2021 chủ động, chặt chẽ. Trong đó đã quán triệt quan điểm tập trung ưu tiên, nỗ lực cao nhất cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân.
Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã nghiêm túc thực hiện chi ngân sách bám sát dự toán được giao; rà soát, cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để tập trung nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19.
Tuy nhiên, trong thực hiện, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; việc tổ chức triển khai thực hiện một số chính sách đảm bảo an sinh xã hội còn chậm; số chuyển nguồn kinh phí sang năm sau còn lớn; việc quản lý sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước ở một số bộ, ngành, địa phương còn sai phạm; việc chấp hành thời hạn báo cáo quyết toán chưa đảm bảo theo đúng quy định.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng cho biết, thực hiện Nghị quyết số 53/2022/QH15 ngày 15/6/2022 của Quốc hội về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xử lý các vi phạm, thu hồi các khoản trốn, lậu thuế, các khoản chi sai chế độ.
Cụ thể, về xử lý kiến nghị liên quan đến ngân sách nhà nước, tổng số kiến nghị liên quan đến ngân sách nhà nước (không bao gồm các kiến nghị xử lý khác) là 25.396 tỷ đồng. Qua tổng hợp số liệu đến ngày 31/3/2023, số các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã thực hiện là 22.151 tỷ đồng, đạt 87,2% số kiến nghị.
Về xử lý kiến nghị liên quan đến cơ chế, chính sách, trong quá trình kiểm toán ngân sách nhà nước, năm 2021, Kiểm toán Nhà nước có 198 kiến nghị về sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc hủy bỏ các văn bản, bao gồm: 91 kiến nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc hủy bỏ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm chủ trì của các bộ, ngành, địa phương; 107 kiến nghị liên quan đến sửa đổi, bổ sung, ban hành mới hoặc hủy bỏ các văn bản chỉ đạo, điều hành, quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị, tổ chức khác.
Trong số 91 kiến nghị về hoàn thiện cơ chế chính sách, đến nay, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đã hoàn thành 23 kiến nghị; đang triển khai thực hiện 68 kiến nghị còn lại.
Đáng chú ý, về xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có sai phạm về tài chính, ngân sách đối với quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước: Đối với tổ chức, tổng số đề nghị xử lý là 1.444. Tính đến ngày 31/3/2023, đã xem xét xử lý là 1.295 tổ chức, chiếm 89,68%; đang xử lý 127 tổ chức, chiếm 8,80%; chưa xử lý 22 tổ chức, chiếm 1,52%.
Đối với cá nhân, tổng số đề nghị xử lý là 2.735. Tính đến ngày 31/3/2023, đã xử lý là 2.519 người, chiếm 92,1%; đang xử lý 200 người, chiếm 7,31%; chưa xử lý 16 người, chiếm 0,59%.
Quỳnh Nga - Thu Hường