Qua triển khai các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình trên không gian mạng, Công an tỉnh Quảng Nam phát hiện nhiều người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và nhiều tỉnh thành trên cả nước bị các đối tượng dẫn dụ cài đặt các app vay tiền nhanh để vay tiền với lãi suất cao, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
Được sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công an và Lãnh đạo Ban chỉ đạo chuyên án, ngày 3/7/2023, Công an tỉnh Quảng Nam chủ trì, phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Nam, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, các Cục Nghiệp vụ Bộ Công an và công an các địa phương liên quan đồng loạt triển khai các biện pháp nghiệp vụ tiến hành phá án.
Qua đó, triệt xoá dường dây tội phạm hoạt động có tổ chức, xuyên quốc gia gồm nhiều băng nhóm hoạt động dưới sự quản lý điều hành của 11 đối tượng cầm đầu (trong đó có 3 người nước ngoài) và 49 đối tượng người Việt Nam giúp sức. Thực hiện lệnh khám xét khẩn cấp đối với 3 công ty thanh toán trung gian và 28 địa điểm đồng thời triệu tập 60 đối tượng có liên quan để làm việc; thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu có liên quan, phong tỏa giao dịch 11 bất động sản trị giá trên 70 tỷ đồng, hơn 100 máy tính, điện thoại các loại và nhiều tài liệu, chứng cứ quan trọng khác; phong toả 88 tài khoản ngân hàng với số tiền hơn 36 tỷ đồng.
Theo kết quả điều tra ban đầu xác định, từ tháng 12/2020 đến tháng 7/2023, nhóm đối tượng người nước ngoài chủ mưu cấu kết với các đối tượng người Việt Nam sử dụng nhiều công ty “ma” để tổ chức hoạt động cho vay lãi nặng với lãi suất 2.346,4%/năm cho hơn 1.000.000 người trên toàn quốc thông qua ứng dụng “Great Vay” trên điện thoại di động (trong đó có nhiều ứng dụng nhỏ hơn, như: Abc Tien, cashGo, Like Tiền, Vi Dong) và liên kết lưu trữ dữ liệu người vay tại website có địa chỉ https://xxxxxx.com đặt tại sever của Alibaba Cloud Singapore.
Để che giấu hành vi cho vay lãi nặng, thu lợi bất chính số tiền đặc biệt lớn, các đối tượng thành lập hàng chục công ty “ma”, sử dụng hàng nghìn tài khoản ngân hàng để luân chuyển dòng tiền qua lại nhằm mục đích “rửa tiền”, “chuyển tiền trái phép qua biên giới”. Cùng với đó, các đối tượng sử dụng hoạt động đòi nợ theo kiểu “xã hội đen” gây mất trật tự, tạo dư luận xấu trong xã hội.
Các đối tượng hoạt động phạm tội có tổ chức, với thủ đoạn hết sức tinh vi, phức tạp, có sự cấu kết, móc nối chặt chẽ giữa các đối tượng người nước ngoài chủ mưu cầm đầu và đối tượng người Việt Nam giúp sức, gây nhiều khó khăn cho hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ xác định hành vi phạm tội của các đối tượng.
Thượng tá Phạm Văn Sơn, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao công an tỉnh cho biết: “Các đối tượng hoạt động với phương thức, thủ đoạn rất tinh vi. Các đối tượng thành lập các pháp nhân thương mại "ma" sử dụng không gian mạng, thuê máy chủ tại nước ngoài, xây dựng các ứng dụng cho vay trên diện thoại di động, khi người vay tải ứng dụng, đăng ký bằng CMND/CCCD, tài khoản ngân hàng, số điện thoại chính chủ và đồng ý với điều khoản, điều kiện vay thì tất cả các thông tin về điện thoại được đồng bộ về cơ sở dữ liệu của đối tượng nhằm phục vụ cho hoạt động thu hồi nợ sau này".
Chu kỳ áp dụng cho mỗi gói vay là 7 ngày. Tiền lãi của gói vay thường là 45%/tuần, tương đương 2.346,4%/năm và được các đối tượng trừ thẳng vào số tiền gốc người vay đăng ký khi giải ngân, nếu trong thời gian 7 ngày người vay không trả được tiền thì các đối tượng cho vay sẽ yêu cầu trả tiền gia hạn thêm 7 ngày với số tiền gia hạn là 45% số tiền vay.
Để tránh sự theo dõi, kiểm tra, phát hiện của cơ quan chức năng, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu còn tổ chức nhiều nhóm nhỏ, tại nhiều địa bàn khác nhau trên toàn quốc thực hiện việc: nhắc nợ, đòi nợ bằng nhiều hình thức vi phạm pháp luật. Đối với số tiền thu lợi bất chính qua hoạt động phạm tội, nhóm đối tượng người nước ngoài tổ chức “rửa tiền” qua bất động sản, chuyển tiền trái phép ra khỏi Việt Nam bằng “Tiền ảo” và “Kênh chuyển tiền bất hợp pháp”.
Chính thủ đoạn tinh vi của các đối tượng trong đường dây đã gây nhiều khó khăn cho cơ quan điều tra khi đấu tranh chuyên án.
Thượng tá Phạm Văn Sơn cho biết thêm: “ Các đối tượng phạm tội khai thác triệt để không gian mạng để hoạt động, chúng sử dụng các công ty “ma” và các công ty trung gian để thanh toán hoạt động hợp pháp để “cho vay” và “thu hồi vốn” nên “ẩn danh”, đối với số tiền thu lợi bất chính, các đối tượng sử dụng trên 5.000 tài khoản ngân hàng “không chính chủ” để luân chuyển dòng tiền phạm tội, qua đó tổ chức "rửa tiền" và sử dụng nhiều phương thức chuyển tiền trái phép ra khỏi Việt Nam số tiền "đặc biệt lớn” như: qua tiền ảo, các kênh chuyển tiền trái pháp luật.
Địa bàn tổ chức hoạt động phạm tội xảy ra trên địa bàn toàn quốc, qua đó rất khó khăn trong công tác tổ chức trinh sát, thu thập thông tin về hoạt động phạm tội. Các đối tượng phạm tội người nước ngoài chia ra nhiều nhóm nhỏ và phân công luân phiên thay đổi nhau nhập cảnh vào Việt Nam nên đây cũng là vấn đề rất khó khăn trong công tác thu thập tài liệu về đối tượng. Hơn nữa, dữ liệu về hoạt động cho vay đặt máy chủ tại nước ngoài nên công tác thu thập chứng cứ điện tử cũng là vấn đề rất khó khăn.
Hiện Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã ra Quyết định khởi tố vụ án “Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự; Cưỡng đoạt tài sản; Vận chuyển trái phép hàng hoá, tiền tệ qua biên giới”, Quyết định khởi tố bị can, bắt bị can tạm giam đối với 45 đối tượng có hành vi phạm tội liên quan; đồng thời tiếp tục mở rộng điều tra chuyên án.
P.V