Đánh thuế đồ uống có đường: Câu chuyện từ thực tiễn

05/04/2025 - 01:22
(Bankviet.com) Nhiều quốc gia trên thế giới như Đan Mạch, Na Uy và một số bang của Hoa Kỳ đã bỏ áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường sau một thời gian áp dụng.
Giải pháp giảm tiêu thụ đồ uống có đường tại Việt Nam Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi): Có nên áp thuế với đồ uống có đường? Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường: Nhiều hộ gia đình trồng mía bị ảnh hưởng

6 'thủ phạm' gây thừa cân béo phì

Tháng 6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Theo đó, Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt - TTĐB (sửa đổi) do Bộ Tài chính soạn thảo đã được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và sẽ tiếp tục thảo luận, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).

Đánh thuế đồ uống có đường: Câu chuyện từ thực tiễn
Ông Nguyễn Minh Đức - đại diện Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ – ASEAN phát biểu tại toạ đàm. Ảnh: NH

Một trong những nội dung chính sách được bổ sung tại dự thảo Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) là mở rộng cơ sở tính thuế, trong đó có quy định bổ sung nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB với thuế suất 10% do đây là mặt hàng mới, với mục đích bảo vệ sức khỏe người dân, giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Như vậy, một trong những lý do được Bộ Tài chính đưa ra để đánh thuế TTĐB với nước giải khát là để bảo vệ sức khỏe người dân, giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì. Tuy nhiên, thông tin tại tọa đàm Thuế Tiêu thụ đặc biệt về ngành nước giải khát diễn ra vào chiều 4/4, theo PGS, TS Nguyễn Quang Dũng - Trưởng bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm (Đại học Y Hà Nội): Có 6 nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì tại Việt Nam, bao gồm: Khẩu phần ăn và dinh dưỡng; hoạt động thể lực kém; yếu tố di truyền; yếu tố kinh tế - xã hội; ngủ ít và suy dinh dưỡng thấp còi lúc nhỏ.

Từ phân tích trên, PGS, TS Nguyễn Quang Dũng cho rằng: Nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính và duy nhất dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì. Ngược lại, thói quen tiêu thụ thực phẩm nhiều chất béo, protein, lượng muối cao và giàu năng lượng dẫn đến thừa cân, béo phì.

Trả lời câu hỏi đánh thuế TTĐB với nước giải khát có đường có làm giảm tình trạng thừa cân, béo phì hay không? TS Nguyễn Quốc Việt – Chuyên gia chính sách công - Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã công bố một khảo sát do nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội thực hiện vào năm 2024 với 1.128 người tham gia.

Kết quả cho thấy, người tiêu dùng trẻ tuổi có nhu cầu cao hơn với các thực phẩm dạng lỏng với mục đích dinh dưỡng và các sản phẩm trà sữa; ít ưu tiên hơn sản phẩm nước giải khát, theo đó chính sách áp thuế TTĐB lên nước giải khát có đường không bảo đảm được mục tiêu giảm tỷ lệ thừa cân, béo phì, do nhu cầu sử dụng nước giải khát có đường thấp hơn các sản phẩm đồ uống và thực phẩm có đường khác.

"Trong khi đó, Bộ Tài chính chỉ đề xuất áp thuế TTĐB với đồ uống có đường mà bỏ qua các sản phẩm đồ uống có đường khác đang được người tiêu dùng ưu tiên nhiều hơn" – TS Nguyễn Quốc Việt thông tin và khẳng định: Việc đánh thuế TTĐB lên nước giải khát có đường có thể tăng nguy cơ lựa chọn đồ uống thay thế không nguồn gốc, nhãn mác và không làm giảm nguy cơ thừa cân, béo phì.

Việc áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường (thuế đường) đã trở thành một xu hướng toàn cầu trong những năm gần đây,
Đề xuất lùi thời hạn áp thuế TTĐB đối với mặt hàng nước giải khát có đường tới 1/1/2028 với mức thuế suất khởi đầu là 5%, nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị. Ảnh minh hoạ

Nhiều quốc gia đã bỏ áp thuế TTĐB với nước giải khát

Theo ông Nguyễn Minh Đức - đại diện Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ – ASEAN: Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại các quốc gia đã áp dụng thuế TTĐB với đồ uống có đường như Hungary, Pháp, Mexico, tỷ lệ dân số béo phì và thừa cân vẫn tiếp tục tăng trong những năm qua. Do sự kém hiệu quả của thuế TTĐB trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và các tác động tiêu cực về kinh tế - xã hội, một số quốc gia như Đan Mạch, Na Uy và một số bang của Mỹ đã bãi bỏ thuế này sau một thời gian áp dụng.

"Một số nước khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức không áp dụng thuế TTĐB với đồ uống có đường, thay vào đó Chính phủ tập trung vào các chiến dịch giáo dục về dinh dưỡng, thể dục và khuyến khích lối sống tích cực" – ông Nguyễn Minh Đức nêu thông tin và cho rằng: Việc áp thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có đường không chỉ tác động tiêu cực đến ngành đồ uống mà còn tác động đến toàn bộ nền kinh tế, làm giảm sức mua của người tiêu dùng và gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Minh Đức cho rằng, cải cách thuế cần phải cân bằng giữa mục tiêu tài chính và động lực kinh tế. Việc tăng thuế đột ngột có thể làm giảm sức mua, gián đoạn hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư. Điều này đi ngược lại với mục tiêu tăng trưởng GDP trên 8% năm 2025 và tăng trưởng 2 con số giai đoạn 2026-2030.

Từ phân tích trên, ông Nguyễn Minh Đức kiến nghị, chưa bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường lớn hơn 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB vì cơ quan soạn thảo chưa nghiên cứu, đánh giá đầy đủ các tác động kinh tế trong bối cảnh rủi ro thương mại quốc tế đang gia tăng.

Nếu trong trường hợp Chính phủ đã nghiên cứu và có đầy đủ cơ sở khoa học, thực tiễn, bao gồm cả kinh nghiệm quốc tế, đại diện Hội đồng Doanh nghiệp Hoa Kỳ – ASEAN cho rằng, nên xem xét lùi thời hạn áp thuế TTĐB đối với mặt hàng nước giải khát có đường tới 1/1/2028 với mức thuế suất khởi đầu là 5% nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị nguồn lực tài chính, điều chỉnh công thức sản phẩm, giúp doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng, góp phần đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng 8% năm 2025 và hai con số trong những năm tới.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, so với phương án thuế suất 10%, thì mức thuế 5% có mức tác động giảm nhẹ hơn nhiều, giảm tác động đối với doanh nghiệp mà vẫn điều tiết được tiêu dùng, nâng cao nhận thức của người dân, đảm bảo mục tiêu thu ngân sách.

Ngành đồ uống có đường sẽ tác động lan toả tới hơn 20 ngành liên quan, bao gồm: Công nghiệp chế biến; dịch vụ ăn uống; dịch vụ lưu trú; mía đường; chè; cà phê; sữa và các sản phẩm từ sữa… Do đó, việc áp thuế TTĐB với đồ sẽ thể làm ảnh hưởng đến 20 ngành liên quan và tác động đến mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025.

Nguyễn Hòa

Theo: Báo Công Thương