Đào tạo cán bộ phục vụ hội nhập quốc tế: Từng bước chuẩn hóa

08/08/2023 - 23:04
(Bankviet.com) Công tác đào tạo cán bộ phục vụ hội nhập quốc tế đã từng bước được chuẩn hóa. Nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, còn nhiều rào cản và thách thức đặt ra.

Đào tạo cán bộ ứng phó với sự cố hóa học, sinh học và hạt nhân

Xây dựng Đề án Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế

Từng bước chuẩn hóa cán bộ

Trong những năm qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức ngành Công Thương phục vụ công tác hội nhập quốc tế đã được quan tâm, triển khai thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, từng bước đạt chuẩn theo yêu cầu chức danh lãnh đạo, quản lý, vị trí việc làm, gắn với công tác đánh giá, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng, quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức.

Lớp bồi dưỡng kiến thức về logistics tại TP. Hồ Chí Minh - Ảnh VITIS
Lớp bồi dưỡng kiến thức về logistics tại TP. Hồ Chí Minh - Ảnh VITIS

Theo đó, Bộ Công Thương đã tập trung nội dung đào tạo các kiến thức chung về hội nhập kinh tế quốc tế như: Đường lối chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, các hình thức hội nhập kinh tế quốc tế Việt Nam đã, đang tham gia và ký kết; các kiến thức chuyên sâu như: Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, các liên minh thuế quan trong thương mại quốc tế, khả năng đáp ứng các cam kết thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp, các tổ chức tài chính quốc tế, chuyển giao công nghệ, cơ chế hợp tác đa phương, di chuyển tự do các nguồn lực trong APEC,…

Bên cạnh đó, công tác truyền thông được chú trọng ngay từ những năm đầu tiên của giai đoạn, từ các phương thức truyền thống như: Báo giấy, hội thảo đến các hình thức truyền thông hiện đại, đa phương tiện đã được áp dụng.

Bà Phạm Ngô Thùy Ninh - Chuyên viên cao cấp – Phụ trách Đào tạo, bồi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực - Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) cho biết: Các hoạt động trên đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế trên cả nước nói chung và Bộ Công Thương nói riêng. Đồng thời, chính quá trình hội nhập kinh tế quốc tế tạo ra môi trường thực tế để rèn luyện đội ngũ cán bộ công chức. Từ đó, đã xuất hiện nhiều cán bộ năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh trước xu thế hội nhập, có kỹ năng đàm phán, có kiến thức vững vàng và khả năng làm việc hiệu quả trong môi trường quốc tế. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chất lượng đội ngũ vẫn còn khoảng cách so với tiêu chuẩn khu vực, quốc tế và cần đáp ứng tốt hơn nữa với nhu cầu, đòi hỏi thực tiễn.

Cũng theo bà Phạm Ngô Thùy Ninh, hiện chưa có con số thống kê cụ thể về số lượng cán bộ công chức, viên chức làm công việc về hội nhập kinh tế quốc tế, nhưng có thể phân thành 2 nhóm: Cán bộ tại các bộ, ngành tham gia vào hoạt động đặc thù theo lĩnh vực quản lý nhà nước được phân công; cán bộ tại các địa phương thì tham gia vào nhiều lĩnh vực đa dạng khác nhau.

“Thực tế cho thấy số cán bộ có đầy đủ năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năng đối ngoại, khả năng ngoại ngữ và kinh nghiệm thực tiễn để có thể làm việc trong môi trường quốc tế còn chưa nhiều, chủ yếu tập trung ở các bộ, ngành Trung ương và các địa phương lớn có nhiều hoạt động hợp tác quốc tế”- bà Phạm Ngô Thùy Ninh nhấn mạnh

Bám sát với nhu cầu thực tế

Mặc dù Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng được xây dựng sát với yêu cầu thực tế, đầy đủ các nhiệm vụ trọng tâm. Nội dung, chương trình bồi dưỡng ngày càng hoàn thiện theo hướng gắn với vị trí việc làm, với yêu cầu công việc. Hình thức đào tạo đa dạng, linh hoạt hơn, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số khó khăn, hạn chế.

Cụ thể, chương trình đào tạo bồi dưỡng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, nặng tính hàn lâm, thiếu thực tiễn.

Nguyên nhân được cho là do việc cử cán bộ đi học không hoàn toàn căn cứ vào nhu cầu công việc và nhu cầu cần hoàn thiện các kiến thức, kỹ năng cần thiết để phục vụ cho công việc của bản thân cán bộ, công chức, chủ yếu chỉ nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tiêu chuẩn liên quan đến nâng ngạch, bổ nhiệm.

Bên cạnh đó, đội ngũ giảng viên của cơ sở đào tạo bồi dưỡng chưa được thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ và phương pháp sư phạm; chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích cán bộ công chức tích cực tự học để nâng cao trình độ, năng lực thực hiện công vụ; chưa gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tạo môi trường văn hóa học tập…

Do vậy, thời gian tới, mục tiêu đào tạo bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức Bộ Công Thương sẽ tập trung: Bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng để nâng cao khả năng đàm phán, ký kết các thỏa thuận, các hiệp định; năng lực nghiên cứu, phân tích, cung cấp thông tin chính sách, pháp luật cho các doanh nghiệp; năng lực tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các cam kết, các nội dung hợp tác hội nhập kinh tế quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại…

Minh Kỳ

Theo: Báo Công Thương