Đất Phú Thọ có ‘sốt’ khi sắp xếp đơn vị hành chính?

15/04/2025 - 23:01
(Bankviet.com) Sáp nhập xã, nâng cấp đô thị, đất Phú Thọ rục rịch biến động. Giá tăng vì nhu cầu thực hay vì chiêu trò “thổi giá” của môi giới?
Phú Thọ tháo dỡ công trình trục lợi dự án đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên Pháo hoa thắp sáng Phú Thọ dịp Giỗ Tổ Hùng Vương Ngày mai 14/4, Phú Thọ tổ chức hội nghị sáp nhập tỉnh

Thông tin về việc Phú Thọ sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, xã đang khiến thị trường bất động sản tại địa phương này xuất hiện những tín hiệu xáo trộn.

Câu hỏi đặt ra là: Liệu việc sáp nhập có làm đất ở Phú Thọ “sốt giá”? Và nếu có, "cơn sốt" này xuất phát từ nhu cầu thực hay chỉ là kỳ vọng tâm lý và chiêu trò của giới đầu cơ?

Tâm lý kỳ vọng từ “lên phường, thành phố”

Việc sắp xếp đơn vị hành chính thường kéo theo thay đổi về diện mạo đô thị, đầu tư hạ tầng và hệ thống dịch vụ công. Khi một xã được sáp nhập, nâng cấp thành phường, hoặc khi một huyện trở thành thành phố, người dân thường kỳ vọng đất ở đây sẽ tăng giá nhờ “áo mới” hành chính.

Huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ (Ảnh: Wyndham Thanh Thủy).
Huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Wyndham Thanh Thủy

Trường hợp huyện Phù Ninh được xem xét sáp nhập với TP. Việt Trì hay nhiều xã vùng ven được quy hoạch thành khu đô thị mới đã khiến không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ bắt đầu “gom hàng”.

Một số khu vực tại xã Trạm Thản, Hà Thạch, Thụy Vân ghi nhận hiện tượng chào bán tăng 15 - 20% so với đầu năm. Tuy nhiên, quan sát kỹ hơn, đây mới là mức giá kỳ vọng, không phản ánh giao dịch thực.

Thực lực hạ tầng vẫn là "bài toán" then chốt

Tỉnh Phú Thọ là tỉnh đang phát triển, với nền tảng hạ tầng và đô thị hóa chưa thật sự đồng đều giữa các địa phương. Việc sáp nhập đơn vị hành chính, nếu chỉ mang tính hành chính thuần túy mà không đi kèm kế hoạch phát triển đô thị, đầu tư công bài bản, rất khó tạo nên lực đẩy thực chất cho bất động sản.

Những khu vực được “đồn đoán” sẽ thành phường, thành phố, nhưng nếu hạ tầng giao thông, cấp điện - nước, y tế, giáo dục… vẫn “đứng yên”, thì kỳ vọng tăng giá đất chỉ dừng lại ở những cuộc săn tin và thổi giá ngắn hạn.

Thực tế, một số địa phương trước đây từng ghi nhận hiện tượng đất tăng nóng sau khi có chủ trương sáp nhập xã thành phường, như Thái Nguyên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc nhưng chỉ kéo dài trong 1 - 2 quý trước khi thị trường quay lại trạng thái bình ổn.

Với Phú Thọ, bài học này càng cần được nhìn nhận thận trọng khi nhiều khu vực từng sốt đất như Thanh Thủy, Lâm Thao hiện vẫn dư cung và lượng giao dịch rất thấp.

Nguy cơ đầu cơ và hệ lụy “thổi giá ảo”

Khi thông tin hành chính được giới đầu cơ nắm bắt, họ thường tạo sóng bằng tin đồn quy hoạch, tăng giá ảo rồi rút lui, để lại thị trường hoang hóa và nhà đầu tư cá nhân “ôm đất” trong bế tắc. Nếu không kiểm soát tốt thông tin, hiện tượng “tát nước theo mưa” rất dễ lan rộng.

Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường bất động sản đang tìm điểm cân bằng sau giai đoạn trầm lắng kéo dài, bất kỳ yếu tố nào có tính kích thích tâm lý, dù không đủ cơ sở cũng dễ bị lợi dụng để tạo hiệu ứng sốt ảo.

Cẩn trọng vẫn hơn chờ “cơn sóng”

Về dài hạn, sắp xếp đơn vị hành chính là xu thế cần thiết để tinh gọn bộ máy, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Tuy nhiên, để thị trường bất động sản thực sự phát triển bền vững, yếu tố quyết định vẫn là chất lượng hạ tầng, quy hoạch cụ thể và sức hút của địa phương về đầu tư, dân cư, dịch vụ.

Nhà đầu tư cá nhân nên theo dõi các kế hoạch quy hoạch được công bố chính thức, tránh mua theo phong trào hoặc tâm lý “sợ mất cơ hội”.

Phú Thọ có thể sẽ có những điểm nhấn mới về hành chính, nhưng “đất có sốt hay không”, đó không chỉ là chuyện tên gọi, mà là cả câu chuyện của tầm nhìn phát triển dài hạn và người tỉnh táo sẽ là người chiến thắng.

Thanh Bình

Theo: Báo Công Thương