FTD được nhà đầu tư đặc biệt quan tâm khi VN-Index ngày 25/5/2022 tăng 2,84%, với khối lượng giao dịch được cải thiện, gần bằng trung bình 50 phiên (655 triệu cổ phiếu, tương đương 16.574 tỷ đồng). Dòng tiền và tâm lý chung đều cho thấy sự hưng phấn.
Nhiều môi giới cho rằng, khi FTD xuất hiện thì xác suất thị trường tạo đáy rất cao và đó là thời điểm nhà đầu tư nên mạnh tay giải ngân và dùng đòn bẩy (giao dịch ký quỹ - margin) nhiều hơn.
Thống kê tại thị trường Mỹ cho thấy, không có thị trường tăng giá mới nào bắt đầu diễn ra mà không có sự xác nhận bởi FTD. Tại Việt Nam, thị trường cũng thường tăng giá sau khi FTD xuất hiện (xem đồ thị).
Một số ngày bùng nổ theo đà trong 2 năm qua.
Thực tế, khi FTD xuất hiện, nhà đầu tư có cảm giác về một cú tăng bùng nổ: mạnh mẽ, dứt khoát và thuyết phục. Có khoảng 75% cổ phiếu tăng giá, tâm lý lo lắng của nhà đầu tư được giải tỏa, niềm vui và sự lạc quan quay trở lại.
Tuy nhiên, sự lạc quan có thể khiến nhà đầu tư mắc phải sai lầm trong trường hợp FTD thất bại. Theo thống kê, có 1/3 số lần FTD thất bại và thị trường tiếp tục giảm điểm.
Sự hưng phấn và mong muốn tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng sẽ thôi thúc nhà đầu tư giải ngân, thậm chí “full margin” (margin tối đa). Xác suất FTD thành công cao hơn là thất bại, nhưng chúng ta không nên vội vàng mua ngay, bởi FTD chỉ là tín hiệu để chú ý hơn đến thị trường và từ từ giải ngân đối với những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, tăng trưởng doanh số và EPS cao, kết hợp với nền giá chặt chẽ.
Chúng ta nên đếm số ngày “phân phối”. Ngày phân phối là ngày mà một trong các chỉ số thị trường giảm điểm ít nhất 0,2% với khối lượng giao dịch cao hơn phiên hôm trước. Ngày phân phối xuất hiện 1 - 2 ngày sau FTD thì khả năng 90% xu hướng tăng thất bại; sau 3 ngày thì khả năng thất bại là 80%; sau 4 - 5 ngày thì khả năng thất bại là 30%.
Đáng lưu ý, chu kỳ tăng giá của thị trường thường kéo dài 1 - 2 năm, nếu FTD xuất hiện ở giai đoạn cuối của thị trường tăng giá thì khả năng cao là thị trường sẽ không tiếp tục bùng nổ.
FTD chỉ là điều kiện cần để thị trường tăng điểm. Điều kiện đủ là chúng ta phải nhìn thấy các cổ phiếu thoả mãn tiêu chí về nền tảng cơ bản, tăng trưởng doanh số, tăng trưởng EPS thoát ra khỏi nền giá chặt chẽ sau ngày thị trường chung xuất hiện FTD.
Với dấu hiệu FTD ngày 25/5 vừa qua, nhà đầu tư nên quan sát thêm trước khi mạnh tay giải ngân. Giải pháp giải ngân từ từ là một lựa chọn hợp lý. Bởi vì, sau đợt điều chỉnh mạnh của thị trường (chỉ số chung giảm hơn 24%), nhiều cổ phiếu giảm 30 - 50% trong một thời gian ngắn, phá toàn bộ các đường trung bình động quan trọng thể hiện xu hướng tăng như MA50 ngày, MA200 ngày, hầu như không có cổ phiếu nào còn nền giá.
Ngay cả những cổ phiếu có yếu tố cơ bản tốt, tăng trưởng mạnh như nhóm hoá chất, thuỷ sản, năng lượng cũng không hình thành được nền giá chặt chẽ, dù trước đó giá giảm ít hơn thị trường chung và hồi phục nhanh từ đáy.
Nhìn chung, dòng tiền trên thị trường không thật sự mạnh mẽ, vì tâm lý nhà đầu tư vẫn bị ảnh hưởng bởi thị trường rơi nhanh và mạnh, một phần dòng tiền bị rút ra, chu kỳ tăng giá trước đó kéo dài (2 năm).
Để quản trị rủi ro, nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm lý cho kịch bản FTD lần này thất bại. Những yếu tố cần chú ý bao gồm diễn biến ngày phân phối, mốc kháng cự gần nhất của VN-Index là 1.280 điểm, thanh khoản toàn thị trường. Nếu thanh khoản những phiên giao dịch tới không tăng rõ rệt và sự tăng điểm không dứt khoát, nhà đầu tư nên thận trọng hơn với các lệnh mua.
Trần Vũ Cường/ĐTCK
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam