Đâu là lý do khiến giá cà phê Robusta xuất khẩu tăng cao nhất lịch sử?

07/06/2024 - 01:35
(Bankviet.com) Giá cà phê Arabica xuất khẩu thấp hơn Robusta tới 32 USD/tấn, đây là điều chưa từng có. Đâu là lý do khiến giá cà phê Robusta tăng cao nhất lịch sử 50 năm qua?
Xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang thị trường Tây Ban Nha tăng trưởng khả quan Giá cà phê xuất khẩu tăng vọt, Robusta hướng tới đỉnh lịch sử? 5 tháng, xuất khẩu cà phê thu về 2,9 tỷ USD

Giá cà phê Robusta xuất khẩu ghi nhận mức cao kỷ lục

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, tháng 5/2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 95 nghìn tấn, trị giá 400 triệu USD, giảm 37,5% về lượng và giảm 30,2% về trị giá so với tháng 4/2024; giảm 36,5% về lượng, nhưng tăng 3,9% về trị giá so với tháng 5/2023.

Đâu là nguyên nhân khiến giá cà phê Robusta xuất khẩu tăng cao nhất lịch sử
Đâu là nguyên nhân khiến giá cà phê Robusta xuất khẩu tăng cao nhất lịch sử?

Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 833 nghìn tấn, trị giá 2,9 tỷ USD, giảm 3,9% về lượng, nhưng tăng 43,9% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Ước tính, tháng 5/2024, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 4.208 USD/tấn, tăng 11,7% so với tháng 4/2024 và tăng 63,6% so với tháng 5/2023. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân cà phê của Việt Nam ước đạt mức 3.482 USD/tấn, tăng 49,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đáng chú ý, theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), trong tháng 5, các doanh nghiệp xuất khẩu được 71.569 tấn cà phê nhân Robusta, với đơn giá 3.920 USD/tấn và 6.831 tấn cà phê Arabica, đơn giá 3.888 USD/tấn, Như vậy, giá cà phê Arabica xuất khẩu thấp hơn Robusta tới 32 USD/tấn.

Trước đó, trong 4 tháng đầu năm 2024, Việt Nam tăng xuất khẩu tất cả các chủng loại cà phê. Trong đó, Robusta là chủng loại cà phê xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, lượng đạt xấp xỉ 650,57 nghìn tấn, trị giá trên 2 tỷ USD, tăng 0,4% về lượng và tăng 58,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ trọng xuất khẩu cà phê Robusta chiếm 82,17% tổng lượng và chiếm 82,15% tổng kim ngạch trong 4 tháng đầu năm 2024. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu cà phê Robusta đóng góp phần lớn vào tốc độ tăng trưởng của ngành.

Về giá, 4 tháng đầu năm 2024, giá xuất khẩu bình quân cà phê Robusta của Việt Nam đạt mức 3.157 USD/tấn, tăng 57,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê Robusta sang tất cả các thị trường lớn tăng mạnh. Trong đó, giá xuất khẩu bình quân cà phê Robusta sang Đức tăng 50,4%, đạt mức 3.211 USD/ tấn; Italia tăng 59,2%, đạt mức 3.085 USD/tấn; Tây Ban Nha tăng 135,8%, đạt mức 3.164 USD/tấn…

Với sự bứt phá của giá cà phê Robusta xuất khẩu, đây được xem là điều chưa từng có trong lịch sử hơn 50 năm của ngành cà phê thế giới. Trước đó, tại niên vụ cà phê (tính từ tháng 10 năm trước đến tháng 9 năm sau) 2021 - 2022, giá cà phê Robusta xuất khẩu bình quân là 1.980 USD/tấn, cà phê Arabica là 4.333 USD/tấn (gấp gần 2,2 lần). Đến niên vụ 2022 - 2023, khoảng cách này thu hẹp dần, khi Arabica giảm còn 4.071 USD/tấn, trong khi giá Robusta tăng lên 2.180 USD/tấn.

Trong bối cảnh Việt Nam chủ yếu sản xuất cà phê Robusta (chiếm hơn 94% diện tích và sản lượng) còn cà phê Arabica (chủ yếu giống Catimo) chiếm tỉ trọng thấp. Điều này có nghĩa ngành cà phê Việt Nam đã hưởng lợi từ diễn biến lạ này của giá 2 loại cà phê chính trên thế giới.

Nguyên nhân của sự đổi ngôi này là theo các doanh nghiệp xuất khẩu cà phê, do trước đây, các nhà rang xay, chế biến dần thay đổi công thức sử dụng nguyên liệu cà phê Robusta nhiều hơn vì giá rẻ, lợi nhuận nhiều hơn. Khi Robusta được sử dụng nhiều mà nguồn cung bị hụt nên giá tăng trong khi công thức rang xay, chế biến không thể thay đổi một chiều.

Theo các chuyên gia trong ngành, Arabica và Robusta là hai dòng cà phê chính trong pha chế. Mỗi loại có một hương vị đặc trưng riêng, một mùi thơm riêng. Cà phê Arabica hay còn gọi là cà phê chè. Đây là loại đồ uống ưa thích của người dân phương Tây, một phần vì vị nhẹ nhàng, không bị đắng gắt, phần vì mùi thơm đặc trưng quyến rũ của nó. Hàm lượng cafein từ 0,9 - 1,7%, nên uống khá nhẹ chỉ giữ tinh thần tỉnh táo chứ không đến mức tăng nhịp tim. Arabica có vị đặc trưng là chua thanh và đắng nhẹ.

Trong khi đó, cà phê Robusta là loại cà phê ưa thích của người Việt Nam, bởi vị đắng đặc trưng của loại này là người uống thấy sảng khoái, tinh thần phấn chấn. Hàm lượng cafein từ 1,8 – 3,5%, nên hương vị rất đậm đà và khá mạnh, ngoài việc giữ tinh thần tỉnh táo, còn có thể tăng nhịp tim, tăng huyết áp. Robusta có vị đắng đặc trưng, vị bùi béo của hạt cà phê thơm.

Câu hỏi đặt ra là cà phê Robusta và cafe Arabica loại nào ngon? Các chuyên gia cho hay, nếu người tiêu dùng là một người thích sự nhẹ nhàng, không cần quá đậm đà thì Arabica sẽ là món uống ưa thích. Nhưng người tiêu dùng là người thích sự mạnh mẽ, phóng khoáng thì bạn sẽ mê mẩn vị bùi bùi, đắng gắt của ly cà phê Robusta. Vì mỗi hạt cà phê mang trong mình một hương vị riêng, phù hợp với cá tính của bản thân, nên ta không thể đánh giá nào ngon hơn được.

Đẩy mạnh quảng bá, đưa nâng cao thương hiệu cà phê Việt

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2023 xuất khẩu cà phê Việt Nam đã xác lập kỷ lục mới với kim ngạch đạt 4,24 tỷ USD. Trong khi đó, giá trị ngành cà phê toàn cầu trong năm 2023 đạt hơn 115 tỷ USD. Điều này chứng tỏ tiềm năng phát triển to lớn của ngành, được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu dùng tăng cao.

giới thiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế
Giới thiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường quốc tế

Do đó, những hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại cà phê Việt Nam là hết sức quan trọng. Ngày 6/6, trong khuôn khổ Triển lãm Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế 2024 (Viet Nam International Sourcing 2024), Central Retail Việt Nam phối hợp cùng Bộ Công Thương lần đầu tiên quảng bá tổng thể ngành hàng cà phê Việt Nam ra thế giới. Hoạt động này giúp mở ra cơ hội để doanh nghiệp trong lĩnh vực cà phê có điều kiện gặp gỡ, kết nối với các đối tác, khách hàng tiềm năng, từ đó mở rộng thị trường và phát triển thương hiệu…Đồng thời là cơ sở để các nhà mua hàng quốc tế tiếp cận, tìm kiếm cơ hội kinh doanh; cũng như giúp họ có cái nhìn toàn diện hơn về ngành cà phê Việt Nam, đã và đang phát triển theo chiều hướng nâng cao chuỗi giá trị, chế biến sâu, đa dạng về danh mục cà phê…, thay vì xuất khẩu nguyên liệu thô như trước.

Ông Olivier Langlet - Tổng Giám đốc Điều hành Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam – cho hay, Central Retail mong muốn hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp sản xuất cà phê Việt Nam và cùng nhau đưa những sản phẩm độc nhất chinh phục thị trường quốc tế thông qua các sáng kiến đổi mới sáng tạo và nghiên cứu phát triển (R&D) cụ thể.

“Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp trong các lĩnh vực như: Xác định và phát triển các sản phẩm cà phê có giá trị gia tăng cao; Nâng cao năng lực sản xuất và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; Kết nối với các nhà phân phối toàn cầu. Với tầm nhìn chiến lược, sự hợp tác chặt chẽ và nỗ lực không ngừng nghỉ, chúng tôi tin tưởng rằng cà phê Việt Nam sẽ vươn xa hơn nữa trên bản đồ cà phê thế giới”, ông Olivier Langlet nói thêm.

Ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) - chia sẻ, Thái Lan hiện đang là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN trong khi Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Thái Lan trong ASEAN sau Malaysia. Do đó, với sự chung tay của Tập đoàn Central Retail sẽ góp phần thúc đẩy ngành cà phê Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương