Lộ rõ thách thức với mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% trong năm 2024 VEPR dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2024 khoảng 5,5-6% |
Báo triển vọng kinh tế Việt Nam 2024 của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm nay chỉ nằm trong khoảng từ 5,5-6%. Để làm rõ hơn dự báo này, phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Quốc Việt – Phó Viện trưởng VEPR.
Báo cáo Triển vọng kinh tế Việt Nam của VEPR đưa ra dự báo, tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 chỉ nằm trong khoảng 5,5%-6%, dự báo này thấp hơn mục tiêu của Quốc hội và một số tổ chức quốc tế đưa ra. Cơ sở nào để VEPR đưa ra dự báo này, thưa ông?
Dự báo tăng trưởng GDP trong khoảng 5,5-6% dựa trên các yếu tố. Cụ thể, chúng tôi có rà soát, đánh giá dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam của các tổ chức kinh tế lớn như Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong khoảng 3 đến 4 năm trở lại đây, nhận thấy ngoại trừ năm 2022 có bước tăng trưởng đột biến, còn hầu hết tăng trưởng kinh tế Việt Nam ở mức trung bình hoặc thấp hơn so với các dự báo tăng trưởng đó. Năm 2024, cho đến thời điểm tháng 4/2024, các tổ chức quốc tế dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam ở mức từ 5,5% đến hơn 6%.
TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện VEPR |
Bên cạnh đó, nhìn vào động lực tăng trưởng từ phía cung cho đến phía cầu, ta thấy quý I/2024 và 4 tháng đầu năm nhìn về phía cung tăng trưởng về xuất khẩu, đặc biệt là từ khu vực sản xuất công nghiệp tương đối khả quan, tuy nhiên mức độ khả quan như vậy dựa trên nền tăng trưởng thấp của năm 2023 và cũng có rất nhiều yếu tố không ổn định, ví dụ như Chỉ số PMI hay chỉ số sản xuất công nghiệp cũng chưa phục hồi như thời điểm những năm 2021-2022.
Trong khi nhìn từ phía cầu, tăng trưởng tiêu dùng nội địa vừa có xu hướng giảm và không đạt được mức trung bình trước đại dịch. Trung bình trước đại dịch tăng trưởng của cầu tiêu dùng vào khoảng 10%, nhưng trong năm 2023 và quý I/2024 chỉ khoảng 5%, nếu trừ yếu tố tăng giá và nhìn rộng ra, hầu hết các nước châu Á khi biến động toàn cầu ảnh hưởng đến mục tiêu tăng trưởng đều phải nhìn vào mục tiêu tăng trưởng của cầu nội địa để phục hồi tăng trưởng, nên năm 2024 các yếu tố từ cầu nội địa và đầu tư, đặc biệt là đầu tư tư nhân và khó khăn của doanh nghiệp trong nước cũng là những yếu tố khiến chúng tôi rất thận trọng trong việc đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 chỉ khoảng 6%. Nếu có yếu tố bất lợi rủi ro như sự trì hoãn, cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), bất lợi thời tiết thì tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2024 còn thấp hơn nữa.
Với những phân tích trên, Việt Nam cần có những giải pháp gì để kích thích tăng trưởng GDP trong năm 2024, thưa ông?
Trong báo cáo Triển vọng tăng trưởng năm 2024, chúng tôi cũng nêu ra một số giải pháp, trong đó giải pháp đầu tiên là thúc đẩy đầu tư công. Với giải pháp này, từ năm 2023 cũng như quý I/2024, chúng ta kỳ vọng thúc đẩy đầu tư công sẽ là “bệ đỡ” cho tăng trưởng. Tuy nhiên, để tăng hiệu quả đầu tư công cần sự tập trung trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt là hình thành các dự án cơ sở hạ tầng có tính chất phục vụ và kết nối giữa các địa phương, vùng để tạo nền tảng nâng cao năng lực cạnh tranh và sức cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia.
Một giải pháp nữa là tháo gỡ khó khăn của khu vực doanh nghiệp, giải pháp này phải rất cụ thể, trúng, phù hợp với doanh nghiệp. Ví dụ như chương trình hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu của năm 2023, tôi cho rằng đây là chính sách phù hợp. Nên duy trì cắt giảm 2% thuế VAT cho đến cuối năm 2024, trong đó có thể mở rộng thêm các đối tượng mặt hàng. Ngoài ra, chúng ta không nên tạo thêm gánh nặng và khó khăn để phục hồi cầu tiêu dùng trong nước và không tăng thêm các loại phí, thuế trong năm 2024.
Kích cầu tiêu dùng trong nước cũng là một giải pháp quan trọng, tôi cho đây là một trong những giải pháp rất quan trọng. Để kích cầu tiêu dùng trong nước cần thúc đẩy tiêu dùng định hướng vào những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao và định hướng tiêu dùng tích cực hơn vào những lĩnh vực tiêu dùng xanh, tiêu dùng tiết kiệm năng lượng, hay những chính sách tiêu dùng đặc thù mà tiêu dùng trực tiếp cho những người mua sắm những mặt hàng hoặc dịch vụ mà trong xu hướng tiêu dùng xanh, xu hướng tuần hoàn.
Đồng thời, cần xem xét những chính sách tiền tệ linh hoạt, đặc biệt kể cả vấn đề về lãi suất để làm sao vừa ủng hộ cho doanh nghiệp, vừa đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, nhất là khi có biến động về tỷ giá, giá một số tài sản, đặc biệt là giá vàng hay một số phân khúc bất động sản thì vấn đề chúng ta cân nhắc giữa chính sách tiền tệ hợp lý.
Đương nhiên, chúng tôi cũng phân tích trong báo cáo các dư địa kể cả về mặt tài khoá cũng như những chính sách dư địa về tiền tê thì khá hạn hẹp trong những năm gần đây. Tuy nhiên, chúng ta có thể dựa vào những kinh nghiệm trong quá khứ, đặc biệt ngân hàng nhà nước để có cơ chế linh hoạt, hoá giải, làm sao vẫn duy trì lãi suất phù hợp, vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô để tạo đà tăng trưởng cho năm 2024.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là một trong những giải pháp kích thích tăng trưởng năm 2024 |
Theo ông, năm 2024, liệu chúng ta có kiểm soát được lạm phát mục tiêu từ 4-4,5% trong bối cảnh giá vàng từ đầu năm đến nay đã tăng mạnh và nhiều mặt hàng có xu hướng gia tăng?
Về lạm phát dù đến tháng 4/2024, lạm phát 4 tháng vẫn dưới mục tiêu Quốc hội đưa ra, nhưng đã xuất hiện những yếu tố cho thấy lạm phát có áp lực gia tăng trong thời gian tới. Trong rổ hàng hoá tính lạm phát rất nhiều yếu tố đóng góp quan trọng vào rổ lạm phát mà phía nhà nước khó kiểm soát. Chúng ta có thể kiểm soát bằng việc không tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục nhưng giá các mặt hàng liên quan thực phẩm, giao thông hay một số yếu tố liên quan đến chi phí đẩy, ví dụ như tỷ giá, hay có sự nhích lên về mặt lãi suất sẽ ảnh hưởng chi phí đẩy của doanh nghiệp và có thể ảnh hưởng đến hàng hoá cuối cùng.
Ngoài ra, kỳ vọng lạm phát khi có những yếu tố biến động về giá cả như lãi suất, tỷ giá cũng có tác động đến lạm phát thực, khi kỳ vọng lạm phát tác động đến lạm phát thực thì rất khó kiểm soát mục tiêu lạm phát của Quốc hội trong vòng 4-4,5%. Chính vì vậy, để kiểm soát lạm phát bên cạnh việc cố gắng kết hợp các chính sách tài khoá, tiền tệ thì việc kiểm soát, bình ổn biến động giá tài sản USD, vàng là quan trọng.
Xin cảm ơn ông!