Đến MB gửi tiết kiệm,khách hàng được tư vấn “tách sổ”, nhận về “chứng nhận bảo hiểm” đáo hạn khi 100 tuổi

08/09/2023 - 08:02
(Bankviet.com) Xuất hiện nhiều trường hợp khách hàng phản ánh đến ngân hàng gửi tiết kiệm bị nhân viên tư vấn lái sang mua bảo hiểm nhân thọ không đúng với mong muốn ban đầu.
Quy định về tiền gửi tiết kiệm Chuyển cơ quan điều tra vụ gửi tiết kiệm tại SCB thành mua bảo hiểm Manulife

Thời gian vừa qua, xuất hiện nhiều trường hợp khách hàng phản ánh đến ngân hàng gửi tiết kiệm nhưng bị nhân viên tư vấn lái sang mua bảo hiểm nhân thọ, không đúng với mong muốn ban đầu. Phản ánh đến báo Đại biểu Nhân dân, anh Đinh Tùng Mậu (SN 1978, trú tại Hà Nội) cho biết mình gặp phải trường hợp tương tự.

Bất ngờ với “chứng nhận bảo hiểm” đáo hạn vào năm 100 tuổi

Theo đơn kiến nghị của anh Mậu, khoảng 14 giờ 30 phút ngày 31.1.2023, anh Mậu ra Ngân hàng TMCP Quân đội chi nhánh Thanh Xuân tại địa chỉ: 275 Nguyễn Trãi, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội để gửi tiết kiệm với số tiền 170 triệu đồng.

“Từ khi bước vào cửa, nhân viên đã hỏi tôi làm gì, tôi đã trả lời tôi đến gửi tiết kiệm và lấy số chờ đến lượt. Khi đến lượt mình, tôi có nói mục đích mình đến gửi tiết kiệm và được 2 nhân viên tư vấn, trong đó có một nhân viên tên là Đ.Q, tư vấn chính và thực hiện các thủ tục trong suốt quá trình gửi tiền”, anh Mậu kể lại.

Sau đó, nhân viên tên Đ.Q tư vấn cho anh Mậu rằng, nên tách làm 2 sổ để hưởng lãi suất cao. Cụ thể lãi suất tiết kiệm hiện lúc đó là 7,6% và nếu tách 2 sổ lãi suất sẽ là 9,1%. “Sau khi nghe tư vấn, tôi có nói với nhân viên nếu tách mà không ảnh hưởng gì thì tách cho anh. Lúc đó, nhân viên tư vấn không hề nhắc đến việc mua bảo hiểm hay tách thành sổ bảo hiểm nhân thọ. Tôi nghĩ rằng đó là gửi tiết kiệm thông thường nên tôi đồng ý”, anh Mậu viết trong đơn.

Theo anh Mậu, hai tư vấn viên làm các thủ tục và đưa cho anh tờ giấy để ký vào chỗ cần ký, trong lúc đưa anh Mậu ký, tư vấn viên che phần nội dung phía trên nên anh không đọc được nội dung. Các tư vấn viên cũng không đưa hợp đồng cho anh Mậu đọc lại. “Đây là sai sót của tôi khi không yêu cầu xem hợp đồng, bởi chúng tôi tin tưởng uy tín của Ngân hàng Quân đội trong suốt gần 20 năm gia đình tôi gửi tiết kiệm tại đây”, anh Mậu chia sẻ.

Sau đó, nhân viên tư vấn đưa anh Mậu một sổ tiết kiệm trị giá 120 triệu đồng, 50 triệu còn lại dùng tách sổ thứ 2. Do anh Mậu chỉ đồng ý tách 30 triệu nên Ngân hàng chuyển về tài khoản của khách hàng 20 triệu. Lúc ra về, anh Mậu chỉ được cầm sổ tiết kiệm trị giá 120 triệu; còn sổ tiết kiệm trị giá 30 triệu các tư vấn viên hẹn sẽ lấy sau.

Đến ngân hàng MB gửi tiết kiệm, khách hàng được tư vấn “tách sổ”, bất ngờ nhận về “chứng nhận bảo hiểm” đáo hạn vào năm 100 tuổi -0
Chứng nhận bảo hiểm khách hàng được nhận

Sau đó khoảng 2 tuần, anh Mậu không thấy Ngân hàng trả sổ thứ 2 (sổ tiết kiệm trị giá 30 triệu đồng) nên có gọi điện để hỏi, sau nhiều lần trao đổi, anh Mậu mới nhận được sổ thứ 2. Lúc này anh Mậu tá hoả khi đó không phải là sổ tiết kiệm mà là “chứng nhận bảo hiểm”.

“Tờ giấy chứng nhận bảo hiểm khổ A5 tôi nhận được không ghi quyền lợi tôi được hưởng mà chỉ ghi một số thông tin hết sức chung chung về số hợp đồng, tên sản phẩm bảo hiểm, định kỳ đóng tiền, số tiền cần đóng, mã số khách hàng. Trong bản chứng nhận này còn có một thông tin vô lý và hết sức nực cười. Đó là ngày đáo hạn là ngày 17.2.2078, khi đó tôi 100 tuổi”, anh Mậu bức xúc kể.

Bảo hiểm từ chối huỷ hợp đồng

Khi nhận được bản chứng nhận bảo hiểm khác với mục đích ban đầu của gia đình (là đi gửi tiết kiệm thông thường), vợ chồng anh Mậu đã làm việc nhiều lần với Ngân hàng Quân đội (chi nhánh Thanh Xuân) cũng như gửi thông tin lên trụ sở Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life tại tầng 15, Tòa nhà 21 Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội với mục đích rút tiền khỏi Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ

Trong quá trình trao đổi với các nhân viên ở Ngân hàng Quân đội liên quan đến bảo hiểm (cả trực tiếp và qua tổng đài điện thoại) cho anh Mậu biết: Đối với một bộ hồ sơ hợp đồng bảo hiểm sẽ yêu cầu hồ sơ yêu cầu bảo hiểm điện tử, khách hàng sẽ kê khai thông tin cá nhân, thông tin sức khỏe trên hồ sơ điện tử, khách hàng phải được ký hoặc kê khai thông tin trên iPad. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng tại Ngân hàng ngày 31.1, anh Mậu chỉ ký tay trên 2 tờ giấy và không hề kê khai hay ký trên bất kỳ loại máy tính nào.

Cũng theo khách hàng, trong quá trình thực hiện hợp đồng, anh không được nhân viên tư vấn về việc nhận “sổ bảo hiểm rút gọn” nhưng đến khi nhận về chỉ có một tờ giấy khổ A5 với những thông tin hết sức chung chung và không hề thể hiện quyền lợi bảo hiểm của khách hàng trên đó.

“Tôi cho rằng, tôi đã bị lừa tham gia bảo hiểm nhân thọ trong khi tôi không có nhu cầu, không đồng ý và cũng chưa từng ký vào các giấy tờ điện tử. Tôi có yêu cầu trả lại tiền, không tham gia bảo hiểm nữa. Tôi đã gửi kiến nghị này tới trụ sở Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life tại tầng 15, Tòa nhà 21 Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội, tôi cũng đã phản ánh về tình trạng tư vấn viên thực hiện không đúng và đề đạt nguyện vọng này với ông Tuấn Anh – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life

Ngày 23.5.2023, tôi nhận được thư trả lời phản ánh của Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life. Trong thư, Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life trả lời “ở thời điểm hiện tại chúng tôi chưa đủ cơ sở để giải quyết phản ánh của quý khách”, anh Mậu cho biết.

Khách hàng băn khoăn về nhiều điểm bất thường

Sau khi đi đòi tiền thất bại, anh Mậutiến hành tra cứu thông tin hợp đồng 190000193762 và anh cho rằng có nhiều điểm bất thường sau:

Thứ nhất: Trong file PDF về Thông tin hợp đồng có tất cả 5 chữ ký mang tên anh Mậu gồm: 2 chữ ký tại trang 8/9 của Yêu cầu bảo hiểm; 1 chữ ký tại trang 19/19 Tài liệu minh họa và 2 chữ ký ở trrang 2/2 Thư xác nhận. Tuy nhiên, trong số 5 chữ ký này, chỉ có 2 chữ ký ở trang 2/2 Thư xác nhận là chính xác của anh Mậu, 3 chữ ký còn lại không phải do anh trực tiếp ký.

Đến ngân hàng MB gửi tiết kiệm, khách hàng được tư vấn “tách sổ”, bất ngờ nhận về “chứng nhận bảo hiểm” đáo hạn vào năm 100 tuổi -0
Khách hàng cho biết, một số chữ ký không phải do đích thân khách hàng ký.

Thứ hai, về thông tin bên mua Bảo hiểm tại Trang 1/9 và trang 2/9 của yêu cầu bảo hiểm có phần thông tin về email của anh Mậu là: noemailcomvn@gmail.com. Tuy nhiên, anh Mậu cho biết mình không có email này.

Thứ ba, trong yêu cầu Bảo hiểm có phần VI, thông tin về sức khỏe và các thông tin khác của BMBH/NĐBH từ trang 3 đến trang 5, có nêu rất nhiều thông tin về tình trạng sức khỏe, bệnh lý, tiền sử bệnh lý của gia đình anh. Tuy nhiên, anh Mậu cho biết, tại buổi làm việc với tư vấn viên Đ.Q, chị Q chỉ hỏi tôi “anh có uống rượu hay hút thuốc không” và tôi trả lời là “anh không”, chứ không trả lời thông tin chi tiết như trong yêu cầu bảo hiểm.

Thứ tư, thời hạn đáo hạn của Hợp đồng là ngày 17.2.2078, khi đó anh Mậu tròn 100 tuổi. Nếu sống được đến lúc đó, thì việc đáo hạn sẽ theo hợp đồng. Tuy nhiên, anh Mậu băn khoăn rằng, trong trường hợp anh không sống được đến năm 2078, thì ai sẽ thụ hưởng Hợp đồng này? Trong Chứng nhận Bảo hiểm không hề nói đến việc ủy quyền thụ hưởng.

Ngân hàng MB nói gì?

Liên quan đến sự việc nêu trên, Báo Đại biểu Nhân dân đã có liên hệ tới ngân hàng TMCP Quân đội. Ngày 23.8, phía ngân hàng này cho biết, Ngân hàng đã cho rà soát, kiểm tra và tính đến thời điểm thông tin, ngân hàng MB chưa có đủ cơ sở để giải quyết phản ánh của khách hàng. Bên cạnh đó, ngân hàng MB cũng cho biết, vụ việc này cũng được phía Công ty cổ phần bảo hiểm nhân thọ MB (MBAL) gửi phản hồi chi tiết bằng văn bản tới khách hàng Đinh Tùng Mậu.

Phát hiện nhiều vi phạm ở các đại lý của Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas

Theo Thanh tra Bộ Tài chính, năm 2021, Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ MB Ageas. phát hành mới 66.757 hợp đồng bảo hiểm qua kênh bancass, trong đó 3.946 hợp đồng bảo hiểm bị hủy bỏ trong thời gian cân nhắc (tương ứng với tỷ lệ 5,91% ), tình hình hủy bỏ và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm sau thời gian cân nhắc (năm thứ nhất) của các hợp đồng bảo hiểm phát hành qua kênh bancass là 32,4%.

Năm 2021, Công ty tiếp nhận 595 khiếu nại về hợp đồng bảo hiểm phát hành qua kênh bancass thông qua 2 nguồn chính là từ đường dây nóng (hotline 57,48%) và các phòng ban trong Công ty (29,4%). Qua công tác điều tra, xử lý thông tin khiếu nại từ khách hàng, Công ty đã phát hiện vi phạm và xử lý vi phạm đối với các đại lý bảo hiểm cá nhân theo các Quy trình kiểm tra, kiểm soát, xử lý đại lý và quy định của Công ty.

daibieunhandan.vn

Theo: Báo Công Thương