Đến năm 2030, tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghiệp chế biến chế tạo lên khoảng 90%

11/01/2023 - 02:04
(Bankviet.com) Đây là một trong những mục tiêu đáng chú ý trong lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa tại dự thảo Đề án tái cơ cấu ngành Công Thương đến năm 2030.
Bàn giải pháp thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang thị trường khu vực EVFTA và CPTPP trong bối cảnh mới Tận dụng hiệp định thương mại tự do thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong bối cảnh mới Tận dụng cơ hội thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa Việt Nam trong bối cảnh mới

Xuất nhập khẩu đạt nhiều kỷ lục

Theo số liệu thống kê sơ bộ Tổng cục Hải quan công bố mới đây, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước đạt được trong năm 2022 là 730,21 tỷ USD. Đây là con số cao nhất từ trước đến nay. Đặt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, con số này càng có ý nghĩa lớn.

Đến năm 2030, tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghiệp chế biến chế tạo lên khoảng 90%
Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt 730,21 tỷ USD

Để đạt được con số này, thời gian qua, Bộ Công Thương và nhiều Bộ ngành khác đã nỗ lực tạo thuận lợi cho thương mại và cải cách hành chính để hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp gặp nhiều thuận lợi nhất. Theo đó, Bộ Công Thương đã tăng cường chuyển giao cho doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ. Nếu như trước đây, phần lớn đều là doanh nghiệp phải đến các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương để được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) thì hiện nay, Bộ Công Thương đang đi theo xu hướng sẽ chuyển dịch dần sang cho doanh nghiệp tự chứng nhận nhằm giảm bớt thời gian và chi phí.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đang tiến hành là đẩy mạnh việc cấp C/O điện tử. Hiện nay trong ASEAN đã cấp C/O điện tử 100%. Ngoài ra, Bộ Công Thương đang chủ động cấp C/O điện tử và trao đổi dữ liệu điện tử, công nhận dữ liệu điện tử để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi với rất nhiều đối tác, trong đó có Hàn Quốc, khối EAEU…

Đặc biệt, một trong những điểm sáng của hoạt động xuất khẩu năm 2022 là nhóm hàng nông sản đã có sự tăng trưởng ấn tượng ở nhiều nhóm hàng như cà phê, chè, tiêu, sắn, gạo…

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu tiếp tục cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu xuất khẩu, chiếm hơn 86% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Ưu tiên phát triển các mặt hàng có quy mô và giá trị

Giai đoạn tới, mục tiêu hoạt động xuất nhập khẩu hướng tới là phát triển xuất nhập khẩu hàng hóa theo chiều sâu. Chính vì vậy, tại Dự thảo đề án Bộ Công Thương gửi Thủ tướng Chính phủ, đối với tái cơ cấu lĩnh vực xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương xác định tập trung ưu tiên phát triển xuất khẩu các mặt hàng có quy mô xuất khẩu lớn, lợi thế cạnh tranh cao (điện tử, dệt may, da giày, nông sản, đồ gỗ..) gắn với đa dạng hóa và nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Bên cạnh đó, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa có hàm lượng chế biến sâu, công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tỷ lệ nội địa hoá lớn, đáp ứng tiêu chuẩn cao về chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường.

Trong đó, đối với nhóm hàng nhiên liệu, khoáng sản, sẽ giảm dần xuất khẩu đối với khoáng sản quan trọng kể cả dưới dạng tinh quặng. Với nhóm hàng nông, lâm, thủy sản, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng, mở rộng thị trường và thương hiệu hàng hóa của Việt Nam. Chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu hướng mạnh vào chế biến sâu, chất lượng cao và các sản phẩm công nghệ cao. Nâng cao khả năng đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, môi trường phát thải các bon thấp và lao động.

Đến năm 2030, tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghiệp chế biến chế tạo lên khoảng 90%
Dự thảo đề án cũng phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghiệp chế biến chế tạo lên khoảng 90%

Riêng với nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, tiếp tục mở rộng xuất khẩu, khai thác có hiệu quả tiềm năng thị trường gắn với chuyển dịch cơ cấu xuất khẩu theo hướng các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, có tỷ lệ nội địa hoá lớn và đáp ứng tiêu chuẩn cao về tiêu chuẩn chất lượng và phát triển bền vững của các thị trường. Nâng cao thị phần xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước.

Đối với cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu, Dự thảo đề án cũng phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghiệp chế biến chế tạo lên khoảng 90%, trong đó tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa công nghệ trung bình và cao tăng lên khoảng 70%.

Riêng với các nhóm hàng mới, Bộ Công Thương xác định rà soát các mặt hàng mới, có kim ngạch hiện nay còn thấp nhưng có tiềm năng tăng trưởng cao trong thời gian tới để có các chính sách khuyến khích phát triển, tạo sự đột phá trong xuất khẩu như các sản phẩm Halal sang các thị trường Hồi giáo, sản phẩm Kosher sang thị trường Do thái, các loại quả tươi sang thị trường châu Âu và Hoa Kỳ, các loại hàng hóa xanh và tuần hoàn, thân thiện môi trường và khí hậu, hàng hóa môi trường và các bon thấp... Phấn đấu đến năm 2030 có thêm khoảng 10 nhóm sản phẩm gia nhập nhóm 1 tỷ USD.

Tăng cường đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Để không phụ thuộc quá lớn vào một số thị trường và giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ các cuộc xung đột thương mại, Bộ Công Thương xác định sẽ chú trọng phát triển xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới, hệ thống phân phối nước ngoài.

4016-dsc-0249
Đa dạng hóa thị trường xuất khẩu

Trong đó, đối với thị trường châu Á – châu Phi, duy trì tăng trưởng xuất khẩu ở mức cao hơn so với nhập khẩu và kiểm soát nhập siêu từ các thị trường châu Á và đối với các mặt hàng công nghiệp chế biến, chế tạo, nông sản... Tạo bước đột phá mở rộng các thị trường xuất khẩu có tiềm năng với các sản phẩm Halal sang các thị trường Hồi giáo và sản phẩm Kosher sang thị trường Do thái (Ấn Độ, các nước Nam Á khác và Trung Đông).

Song song với đó, thúc đẩy chuyển nhanh và mạnh sang thương mại chính ngạch đối với các nước có chung đường biên giới gắn với tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, gian lận thương mại. Phấn đấu tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường châu Á chiếm khoảng 46-47% vào năm 2030.

Đối với thị trường châu Âu, đẩy mạnh xuất khẩu nhằm duy trì vững chắc và mở rộng thị phần xuất khẩu tại các thị trường Đức, Pháp, Hà Lan, Anh, Italia, Thụy Sỹ, Tây Ban Nha và các nước thành viên Liên minh kinh tế Á - Âu. Thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng có hàm lượng công nghệ cao, sản xuất chế tạo và chế biến có giá trị gia tăng cao, các loại hàng hóa xanh và tuần hoàn, thân thiện môi trường và khí hậu, hàng hóa môi trường và các bon thấp... nhằm khai thác tốt lợi thế về thuế của Hiệp định EVFTA, UKVFTA.

Song song với đó, đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường các nước EAEU nhóm hàng thực phẩm, gạo, dệt may, đồ da, đồ gỗ, thủy sản, hàng điện tử, điện thoại gắn với nâng cao chất lượng, tiêu chuẩn sản phẩm. Thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, công nghệ cao, công nghiệp năng lượng như: năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, dệt may, điện tử, chế biến thực phẩm, ô-tô và phương tiện vận tải.... Phấn đấu tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường châu Âu chiếm khoảng 18-19% vào 2030.

Đối với thị trường châu Mỹ, tiếp tục củng cố và mở rộng thị phần xuất khẩu tại thị trường Hoa Kỳ, Canada và Mexico những nhóm hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt nhóm hàng dệt may, da giày, điện, điện tử, đồ gỗ, cơ khí, các loại hàng hóa xanh và tuần hoàn, thân thiện môi trường và khí hậu, hàng hóa môi trường...

Thúc đẩy xuất khẩu nhóm hàng giày dép, ba lô, túi xách, nông sản, hàng thủ công mỹ nghệ, dệt may, điện, điện tử, cơ khí, động cơ điện, thiết bị máy móc, đồ gỗ vào khu vực Mỹ Latinh. Phấn đấu đến năm 2025, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 33-34% vào năm 2030.

Cùng với việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, Bộ Công Thương cũng xác định sẽ đa dạng hóa thị trường nhập khẩu, đặc biệt là thị trường nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất, hạn chế phụ thuộc lớn vào một thị trường; từng bước cải thiện cán cân thương mại với các thị trường Việt Nam nhập siêu theo hướng cân bằng hơn. Tăng cường quản lý nhập khẩu linh hoạt, hiệu quả, bảo đảm lợi ích hợp pháp và chính đáng của quốc gia và phù hợp với các cam kết quốc tế. Kiểm soát có hiệu quả gian lận thương mại và nâng cao tính tuân thủ tự nguyện của doanh nghiệp phù hợp với các cam kết quốc tế. Ưu tiên nhập khẩu máy móc, thiết bị, vật tư đầu vào được tạo ra từ công nghệ cao, công nghệ tiên tiến mà trong nước chưa sản xuất được.

Chú trọng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ các công nghệ tiên tiến gắn với việc chuyển giao công nghệ, bí quyết kỹ thuật công nghệ.

Ngoài ra, tiếp tục tăng cường năng lực xuất khẩu cho các địa phương và đa dạng hóa các địa bàn xuất khẩu. Phát triển các vùng, địa bàn xuất khẩu mới gắn với quá trình chuyển dịch và phân công lại sản xuất từ các trung tâm kinh tế ra các vùng đệm đối với các ngành xuất khẩu thâm dụng lao động, phát huy lợi thế về lao động và chi phí sản xuất thấp.

Nhằm duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững, Bộ Công Thương xác định sẽ hình thành được hệ thống các doanh nghiệp xuất khẩu lớn, có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Phát triển thương hiệu hàng Việt Nam ở nước ngoài. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước chiếm 35-40%, mỗi ngành hàng xuất khẩu chủ lực có trên 2-3 doanh nghiệp Việt Nam có thương hiệu và năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Đặc biệt, tiếp tục tập trung tạo thuận lợi và cắt giảm chi phí thương mại thông qua phát triển đồng bộ, hiệu quả hệ thống hạ tầng phục vụ thương mại, gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, hạ tầng số nhằm tối ưu hóa kết nối sản xuất và thương mại, đưa Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất và logistics của khu vực. Phấn đấu đến năm 2030, chi phí logistics giảm xuống tương đương 10% - 15% GDP, xếp hạng theo Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Bảo Ngọc

Theo: Báo Công Thương