Ngày 2/1, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, HOSE: ACB) đã nâng lãi suất tiền gửi trực tuyến tại một số kỳ hạn thêm cao nhất là 0,3 điểm %, theo đó đi ngược lại với xu hướng giảm lãi suất đang diễn ra ở hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần.
Hình minh họa. |
Cụ thể, đối với kỳ hạn 1 tháng và 3 tháng, lãi suất huy động tại ACB được cộng thêm 0,3 điểm %, lần lượt lên mức 2,9%/năm và 3,2%/năm. Trong khi đó, ngân hàng này vẫn giữ nguyên lãi suất đối với kỳ hạn 9 tháng như lần điều chỉnh trước.
Với kỳ hạn 9 tháng, ngân hàng này đã tăng lãi suất tiền gửi thêm 0,1 điểm %, lên 4,2%/năm. Tương tự, ở kỳ hạn 12 tháng, lãi suất cũng được nâng lên 4,8%/năm, cao hơn 0,1 điểm % so với kỳ điều chỉnh trước. Tất cả những lãi suất trên áp dụng cho khoản tiền gửi dưới 200 triệu.
Từ mức cơ sở trên, nếu gửi từ 200 đến 1 tỷ đồng, khách hàng sẽ được cộng thêm 0,1 điểm % vào lãi suất ở tất cả các kỳ hạn. Với số dư từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng, lãi suất sẽ được cộng thêm 0,15 điểm %. Còn với khoản tiền gửi trị giá hơn 5 tỷ đồng, ACB sẽ có ưu đãi lãi suất cao hơn 0,2 điểm % so với ban đầu.
Như vậy, mức lãi suất cao nhất mà khách hàng có thể nhận được khi gửi tiền online tại ACB là 5%/năm, với số dư trên 5 tỷ đồng. Còn nếu gửi tại quầy, lãi suất cao nhất vãn chỉ là 4,6%/năm. Mặc dù đã điều chỉnh tăng, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại ACB vẫn đang thấp hơn so với đa số các thành viên trong nhóm Big4.
Mới đây, trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết lãi suất huy động hiện nay đã rất thấp, và có thể sẽ tăng dần lên trong năm 2024.
Theo các chuyên viên phân tích, lãi suất thấp hiện nay phần nhiều do nhu cầu vốn của nền kinh tế còn yếu, khiến các ngân hàng không có nhiều áp lực trong huy động. Kết quả là các ngân hàng tránh được tình trạng cạnh tranh lãi suất tiền gửi, vốn thường thấy trong những giai đoạn nền kinh tế sôi động vào các năm trước.
VDSC cho rằng mức độ hỗ trợ của Thông tư 26 về việc cho phép tính tiền gửi của Kho bạc Nhà nước vào tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) sẽ giảm dần từ năm 2024, ít nhiều khiến áp lực chi phí huy động tăng lan tỏa dần trong hệ thống.
Các nhà phân tích kỳ vọng lãi suất huy động có thể sẽ nhích dần trong năm 2024, dự theo tốc độ phục hồi cả hoạt động kinh tế.
Ngoài VDSC, Chứng khoán MB (MBS) cũng đưa ra dự báo rằng lãi suất đầu vào sẽ tạo đáy trong quý I/2024 và khó có thể giảm thêm nữa. Đến cuối năm 2024, MBS cho rằng lãi suất tiền gửi có thể tăng 0,25 đến 0,5 điểm %.
Theo TS. Nguyễn Xuân Thành, chuyên gia kinh tế Fulbright, hiện đã hết dư địa giảm tiếp lãi suất và “mặt bằng lãi suất năm 2024 duy trì như hiện nay đã là tích cực”. Mức lãi suất huy động và cho vay của các ngân hàng thương mại đến thời điểm cuối năm 2023 đã vượt kỳ vọng cơ quan quản lý đặt ra từ đầu năm. Do đó, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, các chuyên gia phân tích tài chính cho rằng, cần tập trung sử dụng nhiều hơn chính sách tài khóa; đẩy mạnh các giải pháp kích cầu đầu tư, tiêu dùng, thay vì chỉ kích cung vốn hiện nay, trong khi sức hấp thụ vốn yếu.
Các nhà phân tích của Ngân hàng UOB Việt Nam nhận định rằng, Ngân hàng Nhà nước đã phản ứng nhanh chóng trước tình trạng suy thoái kinh tế hồi đầu năm nay bằng việc cắt giảm lãi suất điều hành. Lần giảm lãi suất chính sách cuối cùng diễn ra vào tháng 6/2023 đã hạ lãi suất tái cấp vốn tích lũy 1,5%/năm, xuống còn 4,5%/năm. Tuy nhiên, với tốc độ của các hoạt động kinh tế đang được cải thiện và tỷ lệ lạm phát đã giảm xuống dưới mức mục tiêu, khả năng cắt giảm lãi suất tiếp theo đã giảm xuống. Thực tế, Chính phủ đã chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước đảm bảo đủ nguồn cung tín dụng trong thời gian còn lại của năm nay, vì mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 - 15% trong năm nay “hụt” vài điểm phần trăm.
Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh tiền tệ UOB Việt Nam dự báo, Ngân hàng Nhà nước sẽ duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức hiện tại là 4,5%/năm. Ngân hàng này cũng rút lại dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành thêm 1%/năm đưa ra trước đó.
Năm 2024, ngành ngân hàng có gì đáng chú ý? Trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước sẽ không đặt vấn đề tăng lãi suất điều hành nhưng sẽ định hướng tăng trưởng tín dụng ... |
Lãi suất huy động không còn nhiều dư địa để giảm thêm Theo giới chuyên gia, lãi suất huy động không còn nhiều dư địa để giảm thêm vì chênh lệch lãi suất giữa Việt Nam và ... |
Thùy Chi (T/H)