Điểm danh những thị trường Việt Nam nhập khẩu hàng hóa có kim ngạch từ 10 tỷ USD

30/09/2024 - 15:52
(Bankviet.com) 6 thị trường mà Việt Nam nhập khẩu hàng hóa có kim ngạch 10 tỷ USD gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, EU.
Những thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam sau 8 tháng 2024 Nhập khẩu hàng hóa đón tín hiệu tích cực

Hết tháng 8, theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan ghi nhận 6 thị trường mà nước ta nhập khẩu hàng hóa có kim ngạch đạt 10 tỷ USD trở lên.

Cụ thể, 6 thị trường có kim ngạch 10 tỷ USD gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, EU. Trong đó, riêng thị trường Trung Quốc đạt 92,5 tỷ USD, đã tăng mạnh tới 34,4% (tương ứng tăng 23,66 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước, chiếm đến 37,47% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.

Vị trí thị trường thứ hai là Hàn Quốc đạt 36,78 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc gấp 2,5 lần.

Điểm danh những thị trường Việt Nam nhập khẩu hàng hóa có kim ngạch từ 10 tỷ USD
Điểm danh những thị trường Việt Nam nhập khẩu hàng hóa có kim ngạch từ 10 tỷ USD. Ảnh minh họa

Kim ngạch của các thị trường lớn còn lại lần lượt là: ASEAN đạt 30,27 tỷ USD; Đài Loan (Trung Quốc) đạt 14,49 tỷ USD; Nhật Bản đạt 14,32 tỷ USD; EU đạt 10,8 tỷ USD.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, thị trường Trung Quốc góp mặt trong hầu hết các nhóm hàng nhập khẩu quan trọng của nước ta từ nông sản đến nguyên phụ liệu dệt may, da giày; linh kiện điện tử; hàng tiêu dùng; sắt thép…

Đặc biệt, hết tháng 8 nhưng có đến 15 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên.

Trong đó, 5 nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất từ Trung Quốc gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 22,65 tỷ USD, tăng 59,8% (tương ứng tăng 8,47 tỷ USD); máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng đạt 18,43 tỷ USD, tăng 29,2% (tương ứng tăng 4,17 tỷ USD); nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may da giày đạt 10,16 tỷ USD, tăng 23,7% (tương ứng tăng 1,94 tỷ USD); điện thoại các loại và linh kiện tăng 5,41 tỷ USD, tăng 28,8% (tương ứng tăng 1,21 tỷ USD); sắt thép các loại đạt 4,71 tỷ USD, tăng 44,4% (tương ứng tăng 1,45 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, riêng 5 nhóm hàng kể trên có tổng kim ngạch đạt 62,36 tỷ USD, chiếm 66% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường Trung Quốc.

Ở chiều ngược lại, xuất khẩu của nước ta sang thị trường Trung Quốc trong 8 tháng đạt 38,28 tỷ USD, tăng nhẹ 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 1,44 tỷ USD).

Hết tháng 8 có 10 nhóm hàng xuất khẩu của nước ta sang Trung Quốc đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên, nhưng chưa có nhóm hàng nào đạt kim ngạch chục tỷ USD như chiều nhập khẩu.

Các nhóm hàng xuất khẩu lớn của nước ta có thể kể đến như: Điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy ảnh, máy quay phim và linh kiện; rau quả; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng…

Như vậy, hết tháng 8, Việt Nam nhập siêu đến 54,22 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc. So với cùng kỳ năm ngoái, con số nhập siêu từ Trung Quốc tăng gần 22 tỷ USD, thậm chí, mới hết tháng 8 nhưng nhập siêu từ thị trường láng giềng này cũng vượt xa so với cả năm 2023 (năm 2023 nhập siêu gần 50 tỷ USD).

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương