Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 12/3/2024: Giá vàng vẫn vượt ngưỡng 82 triệu đồng/lượng Giá vàng hôm nay 13/3/2024: Vàng trong nước biến động trái chiều, thế giới giảm mạnh |
Giá vàng biến động liên tục
Giá vàng ở trong nước hôm nay (13/3) biến động liên tục. Vào lúc 9h sáng nay, giá vàng miếng thương SJC niêm yết ở mức 80,00 triệu đồng/lượng mua vào và 81,95 triệu đồng/lượng bán ra. Giá vàng nhẫn tại Bảo tín Minh Châu giao dịch quanh mức 68,88 triệu đồng/lượng mua vào và 70,18 triệu đồng/lượng bán ra
Giá vàng hôm nay biến động liên tục |
Trên thế giới, giá vàng sáng nay tiếp tục quay đầu giảm, với vàng giao ngay giảm 23,6 USD xuống 2.158,5 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.165,2 USD/ounce, giảm 23,7 USD so với rạng sáng qua.
Giá xăng dầu tăng trở lại
Sau chuỗi ngày giảm mạnh, giá xăng dầu hôm nay quay đầu tăng tốc, bởi tồn kho xăng dầu của Mỹ giảm và hy vọng về lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas tan biến.
Vào lúc 8 giờ sáng nay (theo giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 82,29 USD/thùng, tăng 0,27 USD, tương đương 0,45% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 77,92 USD/thùng, tăng 0,36 USD, tương đương 0,46% so với phiên liền trước.
Ở trong nước, giá bán lẻ xăng dầu được áp dụng theo mức giá của phiên điều hành chiều 7/3.Theo đó, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu (trừ dầu mazut) được liên bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh giảm. Cụ thể, giá xăng E5 hạ xuống 22.510 đồng/lít. Còn giá xăng RON95 giảm về mức 23.550 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm xuống 20.470 đồng/lít, giá dầu hoả giảm còn 20.600 đồng/lít.
Đẩy nhanh thủ tục cấp C/O điện tử 2 chiều
Với số lượng hồ sơ chứng nhận xuất xứ (C/O lên đến 7.000 hồ sơ mỗi ngày, việc thành công cấp hoàn toàn C/O điện tử 2 chiều cho 14 mẫu giữa Việt Nam và các nước bạn là nỗ lực không nhỏ để tạo thuận lợi cho xuất khẩu.
Với một chứng nhận xuất xứ C/O, nếu thực hiện thủ tục trên giấy, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ mất từ một ngày tại Việt Nam và khoảng 3-5 ngày chuyển giấy tờ đi nước ngoài. Với C/O điện tử, thời gian rút ngắn chỉ còn 2 giờ và đối tác có thể nhận được.
Đến nay, khoảng 60 thị trường đã có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam, chiếm khoảng trên 60% kim ngạch xuất khẩu của nước ta.
Tổ chức tín dụng phải công khai lãi suất cho vay
Để thực hiện đồng bộ, có hiệu quả việc công bố lãi suất, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục thực hiện việc công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân, lãi suất cho vay các chương trình tín dụng, gói tín dụng và các loại lãi suất cho vay khác (nếu có) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Ngân hàng Nhà nước.
Tổ chức tín dụng gửi đường dẫn của chuyên mục công bố các loại lãi suất về Ngân hàng Nhà nước trước ngày 1/4/2024.
Đề xuất miễn visa cho khách Trung Quốc, hợp tác với Thái Lan
Để thu hút khách quốc tế giới chuyên gia cũng như đại diện nhiều doanh nghiệp lữ hành kiến nghị Việt Nam cần có chính sách hấp dẫn hơn nữa về visa. Thái Lan, Malaysia, Singapore đã miễn visa cho Trung Quốc nên đại diện Saigontourist cũng đề xuất miễn visa cho du khách từ các thị trường trọng điểm.
Về xúc tiến thương mại du lịch, ngoài việc đồng hành cùng tham gia các sự kiện, hội chợ, các đơn vị cũng mong muốn du lịch Việt Nam sớm có văn phòng xúc tiến ở châu Âu, Mỹ, ASEAN, Trung Quốc...
Bên cạnh đó, giới chuyên gia lưu ý, cân nhắc việc liên kết với Thái Lan - điểm đến được khách quốc tế lựa chọn nhiều và các nước trong khu vực, để thu hút khách quốc tế. Mới đây, Thái Lan bày tỏ mong muốn liên kết đổi mới đường bay, sản phẩm du lịch, để khách tới Thái Lan sẽ đi tiếp sang các nước lân cận như Việt Nam, Campuchia... Đây cũng là một hướng mới để tăng doanh thu, số khách đến và khách quay trở lại.
Năm 2024, Việt Nam đặt mục tiêu đón 17-18 triệu khách quốc tế, 110 triệu khách nội địa. Đây là mục tiêu khá tham vọng trong bối cảnh trên thế giới vẫn có những bất ổn về kinh tế và chính trị.
Thanh Tâm