Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 6/2/2024: Giá vàng trong nước trái chiều với thế giới; đồng USD phi mã

06/02/2024 - 16:54
(Bankviet.com) Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 6/2: Giá vàng trong nước trái chiều với thế giới; đồng USD phi mã; trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1/7…
Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 5/2/2024: Giá vàng xoay quanh mức 78 triệu đồng/lượng Giá vàng biến động, có nên mua vàng tích trữ chờ ngày vía Thần Tài?

Giá vàng trong nước trái chiều với thế giới

Giá vàng trong nước hôm nay 6/2 ngược chiều với diễn biến trên thị trường vàng thế giới. Hiện tại, giá vàng miếng thương hiệu SJC niêm yết ở mức 76,2 triệu đồng/lượng mua vào và 78,42 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng 600.000 đồng chiều mua và 300.000 đồng chiều bán.

Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 6/2/2024: Giá vàng trong nước trái chiều với thế giới; đồng USD phi mã
Giá vàng SJC hôm nay điều chỉnh tăng 600.000 đồng chiều mua và 300.000 đồng chiều bán

Trong khi giá vàng thế giới rạng sáng nay giảm, với vàng giao ngay giảm 13,2 USD xuống 2.024,9 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.041,5 USD/ounce, giảm 12,2 USD so với rạng sáng qua.

Đồng USD phi mã

Rạng sáng nay, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với USD giảm 5 đồng, hiện ở mức 23.954 đồng. Trong khi đó, trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) tăng 0,55%, đạt mốc 104,48.

Đồng USD đã tăng lên mức cao nhất trong gần 3 tháng so với các loại tiền tệ khác vào phiên giao dịch vừa qua, khi các nhà giao dịch giảm bớt kỳ vọng vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ mạnh tay cắt giảm lãi suất trong năm nay, sau khi dữ liệu kinh tế mới được công bố.

Không để người bệnh tự mua thuốc điều trị trong Tết

Bảo hiểm Xã hội yêu cầu toàn ngành thực hiện nghiêm trực Tết, thông báo số đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của bà con nhằm kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc.

Các đơn vị có trách nhiệm tổng hợp danh sách bệnh nhân bảo hiểm y tế điều trị nội trú trong Tết để đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc, vật tư, thiết bị y tế được Quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Tuyệt đối không để người bệnh tự mua trong quá trình điều trị.

Bên cạnh đó, cơ quan này còn yêu cầu ngành tạm ứng, thanh quyết toán kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định; cấp, đổi, gia hạn thẻ bảo hiểm y tế kịp thời; tiếp nhận ngay hồ sơ, thu tiền đối với trường hợp tăng mới, gia hạn thẻ bảo hiểm y tế tại cơ quan bảo hiểm xã hội…

2 nhóm hàng nhập khẩu tỷ USD

Theo thống kê sơ bộ mới nhất của Tổng cục Hải quan, nửa đầu tháng 1/2024, kim ngạch nhập khẩu máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,27 tỷ USD, tăng 8,37% so với cùng kỳ năm ngoái và tiếp tục duy trì vị thế nhóm hàng nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu của nhóm hàng kể trên là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…

Nhóm hàng thứ hai đạt kim ngạch tỷ USD là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng với kim ngạch 1,92 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Các thị trường nhập khẩu chủ yếu của nhóm hàng này cũng đến từ châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

So với cùng kỳ 2023, số lượng nhóm hàng nhập khẩu tỷ USD không thay đổi nhưng kim ngạch của từng nhóm đều có tăng trưởng khá. Riêng 2 nhóm hàng kể trên chiếm tới hơn 42% kim ngạch nhập khẩu cả nước trong cùng thời điểm.

Trình Chính phủ tăng lương tối thiểu vùng 6% từ ngày 1/7

Hội đồng tiền lương quốc gia vừa chính thức khuyến nghị với Chính phủ xem xét điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 từ ngày 1/7. Theo đó, mức tăng được hội đồng đề xuất 6%, tương ứng tăng 200.000 đồng - 280.000 đồng.

Cụ thể, lương vùng 1 nâng lên 4,96 triệu đồng; vùng 2 là 4,41 triệu; vùng 3 là 3,86 triệu và vùng 4 đạt 3,45 triệu đồng. Lương hiện hành các vùng đang dao động 3,25-4,68 triệu đồng. Mức lương tối thiểu giờ cũng tăng tương ứng 6% từ giữa năm 2024. Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất hai mức tăng 6,48% hoặc 7,3%, từ ngày 1/7/2024, cùng lúc với cải cách tiền lương khu vực nhà nước. Mức tăng căn cứ kinh tế khởi sắc, đơn hàng doanh nghiệp tăng trở lại.

Quy định mới về định giá đất

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 12/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 44/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định về giá đất và Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 3/4/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

Theo đó có 4 phương pháp định giá đất: Phương pháp so sánh được thực hiện bằng cách điều chỉnh mức giá của các thửa đất có cùng mục đích sử dụng đất, tương đồng nhất định về các yếu tố có ảnh hưởng đến giá đất đã chuyển nhượng trên thị trường, đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quyết định trúng đấu giá thông qua việc phân tích, so sánh các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất sau khi đã loại trừ giá trị tài sản gắn liền với đất (nếu có) để xác định giá của thửa đất cần định giá.

Phương pháp thu nhập được thực hiện bằng cách lấy thu nhập ròng bình quân năm trên một diện tích đất chia cho lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân của loại tiền gửi bằng tiền Việt Nam kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trên địa bàn cấp tỉnh của 03 năm liền kề tính đến hết quý gần nhất có số liệu trước thời điểm định giá.

Phương pháp thặng dư được thực hiện bằng cách lấy tổng doanh thu phát triển ước tính trừ đi tổng chi phí phát triển ước tính của thửa đất, khu đất trên cơ sở sử dụng đất có hiệu quả cao nhất (hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, số tầng cao tối đa của công trình) theo quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất được thực hiện bằng cách lấy giá đất trong bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh giá đất. Hệ số điều chỉnh giá đất do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành thông qua việc so sánh giá đất trong bảng giá đất với giá đất phổ biến trên thị trường.

Thanh Tâm

Theo: Báo Công Thương