Điểm tin nóng thế giới ngày 30/8: Ukraine mất chiến cơ F-16 đầu tiên; Israel tiêu diệt chỉ huy Jihad

31/08/2024 - 12:35
(Bankviet.com) Một máy bay F-16 của Ukraine đã bị rơi khi đang đẩy lùi một cuộc tấn công lớn của Nga; Israel sát hại một chỉ huy phong trào Thánh chiến Hồi giáo ở Bờ Tây.
Chiến sự Nga-Ukraine hôm nay ngày 17/7/2024: Nga treo thưởng cho máy bay F-16 đầu tiên bị hạ tại Ukraine? Chiến sự Nga-Ukraine ngày 28/8/2024: Ukraine kiểm soát 100 khu dân cư Kursk; máy bay F-16 của Ukraine xung trận Điểm tin nóng thế giới ngày 29/8: UAV Nga ‘thổi bay’ xe tăng Ukraine; Mỹ giáng đòn trừng phạt Israel

Ukraine xác nhận mất chiến đấu cơ F-16 đầu tiên

Theo RT, một máy bay chiến đấu F-16 mà phương Tây cung cấp cho Kiev đã bị rơi khi đang đẩy lùi một cuộc tấn công lớn của Nga hôm 26/8, đây là tổn thất đầu tiên kể từ khi các máy bay do Mỹ sản xuất được chuyển tới Ukraine.

Điểm tin nóng thế giới ngày 30/8: Ukraine mất chiến cơ F-16 đầu tiên; Israel tiêu diệt chỉ huy Jihad
Tiêm kích F-16 được phương Tây viện trợ cho Ukraine (Ảnh: ITN)

Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine, sự cố xảy ra khi các máy bay chiến đấu F-16 được triển khai "cùng với các đơn vị của lực lượng tên lửa phòng không" để đẩy lùi một cuộc tấn công phối hợp của Nga. Vào một thời điểm nào đó, "liên lạc với một trong những máy bay đã bị mất" trước khi xác nhận rằng nó "bị rơi".

Chia sẻ với Reuters, một quan chức quốc phòng Mỹ cho rằng vụ tai nạn như không phải do hỏa lực của Nga gây ra, và nguyên nhân có thể là do lỗi của phi công hoặc do trục trặc kỹ thuật.

Không quân Ukraine tuyên bố rằng phi công tử nạn Aleksey Mes, biệt danh 'Moonfish', một trong số ít người được đào tạo ở phương Tây để lái máy bay F-16, đã bắn hạ được "ba tên lửa hành trình và một UAV tấn công". Không quân cũng giữ im lặng về nguyên nhân của vụ việc.

Nga tiến công ào ạt trên mặt trận Pokrovsk

Theo Pravda, báo cáo từ Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, quân đội Nga đã thực hiện 40 cuộc tấn công trên mặt trận Pokrovsk trong ngày 29/8. Đồng thời, đã có 30 cuộc giao tranh giữa Nga và Ukraine trên mặt trận Kurakhove.

Điểm tin nóng thế giới ngày 30/8: Ukraine mất chiến cơ F-16 đầu tiên; Israel tiêu diệt chỉ huy Jihad
Một trường học bị phá hủy tại Pokrovsk do các cuộc giao tranh (Ảnh: Reuters)

Theo đó, tổng cộng đã có 156 cuộc giao tranh diễn ra kể từ đầu ngày. Lực lượng Nga đã tiến hành ba cuộc tấn công bằng tên lửa và 43 cuộc không kích, thả 60 quả bom dẫn đường, triển khai hơn 500 máy bay không người lái kamikaze và đã bắn khoảng 3.000 lần vào các vị trí và khu định cư của Ukraine bằng nhiều loại vũ khí khác nhau.

Bộ Tổng Tham mưu Ukraine cho biết: "Nga đã tiến hành 40 cuộc tấn công trong ngày. Cường độ tấn công lớn nhất của quân chiếm đóng Nga được ghi nhận. Quân phòng thủ Ukraine đã đẩy lùi 32 cuộc tấn công trên mặt trận này và tám cuộc tấn công khác vẫn đang tiếp diễn. Tình hình rất khó khăn, nhưng quân đội của chúng tôi đang làm mọi cách có thể để ngăn chặn Nga tiến sâu vào lãnh thổ Ukraine".

Israel tiêu diệt chỉ huy Thánh chiến Hồi giáo

Theo Reuters, quân đội Israel đã sát hại một chỉ huy địa phương của phong trào Thánh chiến Hồi giáo (Islamic Jihad) do Iran hậu thuẫn ở Bờ Tây và 4 chiến binh khác hôm 29/8, sau một chiến dịch tấn công lớn ở vùng lãnh thổ do Israel chiếm đóng trong nhiều tháng.

Quân đội cho biết họ đã tiêu diệt Muhhamad Jabber, còn gọi là Abu Shujaa, chỉ huy mạng lưới chiến binh tại trại tị nạn Nur Shams, trong một "cuộc đấu súng dữ dội" xung quanh một nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Tulkarm.

Sư đoàn Tulkarm thuộc lực lượng vũ trang Jihad Hồi giáo đã xác nhận cái chết của ông, nâng tổng số người Palestine thiệt mạng trong hai ngày qua lên 17, và cho biết các chiến binh đã tấn công lực lượng Israel gần nhà thờ Hồi giáo Abu Ubaida.

Israel-Hamas tạm dừng giao tranh ở Gaza trong ba ngày

Theo Reuters, quân đội Israel và phong trào Hamas đã đồng ý tạm dừng giao tranh trong ba đợt riêng biệt để tiêm vaccine bại liệt cho khoảng 640.000 trẻ em ở Gaza.

Điểm tin nóng thế giới ngày 30/8: Ukraine mất chiến cơ F-16 đầu tiên; Israel tiêu diệt chỉ huy Jihad
Người dân Palestine đi ngang qua những ngôi nhà bị phá hủy sau các cuộc giao tranh giữa Israel và Hamas, tại trại tị nạn Jabalia, ở phía bắc dải Gaza (Ảnh: Reuters)

Ông Rik Peeperkorn, một quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phụ trách y tế các vùng lãnh thổ Palestine cho biết, chiến dịch tiêm chủng dự kiến ​​bắt đầu vào ngày 1/9, với thời gian tạm dừng diễn ra từ 6 giờ sáng đến 3 giờ chiều.

Chiến dịch tiêm vaccine bắt đầu ở miền Trung Gaza với lệnh tạm dừng giao tranh trong ba ngày, sau đó chuyển đến miền Nam Gaza rồi đến miền Bắc Gaza với điều kiện tương tự. Ông Peeperkorn nói thêm rằng, đã có một thỏa thuận kéo dài thời hạn ngừng bắn nhân đạo thêm một ngày tại mỗi khu vực nếu cần thiết.

Những lệnh ngừng bắn nhân đạo này không phải là lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas mà các nhà trung gian là Mỹ, Ai Cập và Qatar đang tìm kiếm trong các cuộc đàm phán.

Bà Harris nới rộng khoảng cách với ông Trump

Trong cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos được công bố ngày 29/8, 45% số người được hỏi cho biết họ ủng hộ ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Kamala Harris, trong khi tỷ lệ ủng hộ ông Donald Trump là 41%.

Điểm tin nóng thế giới ngày 30/8: Ukraine mất chiến cơ F-16 đầu tiên; Israel tiêu diệt chỉ huy Jihad
Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris

Lợi thế 4% trong số những cử tri đã đăng ký rộng hơn so với lợi thế 1% trong các cuộc thăm dò hồi cuối tháng 7. Được tiến hành từ ngày 21-28/08 và có biên độ sai số 2%, cuộc thăm dò mới nhất này cũng cho thấy bà Kamala Harris đang nhận được sự ủng hộ gia tăng của phụ nữ và người gốc Tây Ban Nha. Trong khi đó, ông Donald Trump lại dẫn trước về tỷ lệ ủng hộ trong số cử tri da trắng và nam giới.

Những con số này cho thấy cuộc đua vào Nhà Trắng đã bị xáo trộn không ít trong suốt mùa hè. Tổng thống Joe Biden, 81 tuổi, đã khép lại chiến dịch tranh cử của mình vào ngày 21/7 sau màn tranh luận thiếu thuyết phục với ông Trump. Kể từ đó, bà Harris đã giành được lợi thế trước ông Trump trong các cuộc thăm dò ý kiến toàn quốc và tại những tiểu bang quan trọng.

EU coi trọng 'công thức hòa bình' của Tổng thống Zelensky

Theo RT, người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell, Liên minh châu Âu hiện coi "công thức hòa bình" của Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky là lựa chọn khả thi duy nhất để đạt được một giải pháp "công bằng" cho cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Kế hoạch của ông Zelensky đòi hỏi Moscow phải đầu hàng trên thực tế, yêu cầu Kiev khẳng định quyền kiểm soát đối với tất cả các vùng lãnh thổ mà họ tuyên bố chủ quyền, cùng với bồi thường chiến tranh và một tòa án dành cho các quan chức cấp cao của Nga. Moscow đã nhiều lần bác bỏ sáng kiến ​​do phương Tây hậu thuẫn này vì cho rằng nó hoàn toàn tách biệt với thực tế và không đáng để xem xét.

Trong một cuộc họp báo hôm 29/8, ông Borrell tuyên bố rằng mục tiêu chiến lược của EU là đạt được "hòa bình toàn diện, công bằng và lâu dài tại Ukraine, dựa trên Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế". Tuy nhiên, ông tuyên bố rằng "chỉ có Công thức hòa bình của Tổng thống Zelensky mới đáp ứng được yêu cầu này".

Khánh Ly

Theo: Báo Công Thương