Diễn biến mới tại doanh nghiệp từng là "vua cổ tức" trên sàn chứng khoán

27/04/2025 - 19:03
(Bankviet.com) Năm 2023, doanh nghiệp kém tiếng này gây ‘chấn động’ khi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 350% - kỷ lục của toàn thị trường.
Cổ tức - Phát hành

Diễn biến mới tại doanh nghiệp từng là "vua cổ tức" trên sàn chứng khoán

Cao Thái 27/04/2025 11:27

Năm 2023, doanh nghiệp kém tiếng này gây ‘chấn động’ khi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 350% - kỷ lục của toàn thị trường.

UBCKNN vừa công bố thông tin về việc tiếp nhận đầy đủ tài liệu báo cáo phát hành cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu của Công ty CP Logistics Portseco (HNX: PRC). Trước đó, HĐQT PRC đã phê duyệt phương án phát hành thêm 1,9 triệu cổ phiếu, qua đó nâng vốn điều lệ công ty từ 12 tỷ đồng lên 31 tỷ đồng. Nguồn vốn cho đợt phát hành dự kiến sẽ đến từ hơn 13 tỷ đồng trích từ quỹ đầu tư phát triển, cùng với khoảng 5,96 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Logistics Portserco vốn có lịch sử phát triển khá lâu đời. Tiền thân của Công ty là Xí nghiệp dịch vụ tổng hợp Cảng Đà Nẵng, được thành lập năm 1993 và sau đó chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần vào năm 2002.

prc2.jpg
Logistics Portseco tiền thân là Xí nghiệp dịch vụ tổng hợp Cảng Đà Nẵng

Với vốn điều lệ hiện tại chỉ 12 tỷ đồng, PRC duy trì quy mô khiêm tốn so với nhiều doanh nghiệp logistics khác. Tuy nhiên, trong lĩnh vực vận tải hàng hóa đường bộ qua cảng Đà Nẵng, Công ty lại nắm giữ thị phần ấn tượng, vận chuyển khoảng 1-1,2 triệu tấn hàng hóa mỗi năm, chiếm 40-45% tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng này. Các đối tác chiến lược và khách hàng lớn của Portserco khá đa dạng, bao gồm cả các doanh nghiệp nước ngoài như Acutech (Thái Lan), SMT (Lào) và nhiều tập đoàn trong nước như Prime Group, Xi măng Hải Vân, Xi măng Cosevco, Thép Đà Nẵng Ý, Thép Thái Bình Dương...

PRC chính thức niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) từ ngày 29/11/2010, nhưng trong nhiều năm liền, doanh nghiệp này hầu như không gây chú ý trên thị trường.

Lập kỷ lục cổ tức, thượng tầng biến động

Quý 1/2025, Portserco ghi nhận doanh thu thuần đạt 31,7 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lãi gộp chỉ đạt 2,1 tỷ đồng, thấp hơn mức cùng kỳ, phản ánh biên lợi nhuận vẫn đang chịu áp lực lớn. Lợi nhuận sau thuế trong kỳ ghi nhận 655,8 triệu đồng, tăng hơn 10% so với quý 1/2024, cho thấy một sự cải thiện nhẹ về hiệu quả vận hành, nhưng vẫn còn khiêm tốn so với kỳ vọng.

Tính đến ngày 31/3/2025, tổng tài sản của Portserco đạt 71,7 tỷ đồng, tăng trưởng mạnh so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 33,4 tỷ đồng, nổi bật với khoản phải thu ngắn hạn 26 tỷ đồng, phản ánh nhu cầu thanh toán gia tăng từ khách hàng trong bối cảnh hoạt động kinh doanh mở rộng. Tiền và tương đương tiền đạt hơn 3 tỷ đồng, đảm bảo khả năng thanh khoản ở mức ổn định.

prc1.jpg
Sau năm 2022 đạt lợi nhuận đột biến nhờ thanh lý tài sản, Portserco quay lại với lợi nhuận nhỏ giọt

Đặc biệt, tài sản dài hạn đạt 38,3 tỷ đồng, với phần lớn tập trung vào chi phí xây dựng cơ bản dở dang (23,8 tỷ đồng). Điều này cho thấy Portserco đang đẩy mạnh đầu tư mở rộng hệ thống kho bãi và hạ tầng logistics, nhằm chuẩn bị cho những bước đi chiến lược dài hạn.

Về cơ cấu nguồn vốn, nợ phải trả đạt 35,6 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn (30,4 tỷ đồng). Dù áp lực nợ ngắn hạn tương đối cao, vốn chủ sở hữu đạt 36,1 tỷ đồng, đảm bảo cân đối giữa nợ và vốn tự có. Các khoản lợi nhuận giữ lại và thặng dư vốn cổ phần chiếm tỷ trọng lớn trong vốn chủ sở hữu, cho thấy công ty đang giữ lại phần lớn lợi nhuận để tái đầu tư thay vì chia cổ tức cao như trước.

Trong kỳ, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh đạt dương 4,4 tỷ đồng, tiếp tục là tín hiệu tích cực cho thấy khả năng tạo dòng tiền từ hoạt động cốt lõi. Tuy nhiên, dòng tiền đầu tư ghi nhận âm 11,9 tỷ đồng, do chi phí đầu tư cơ bản tăng mạnh, nhất quán với chiến lược nâng cấp hạ tầng logistics. Dòng tiền tài chính bù đắp phần thiếu hụt này, giúp tiền và tương đương tiền cuối kỳ duy trì ở mức trên 3 tỷ đồng.

Điểm nhấn lớn nhất trong lịch sử gần đây của Logistics Portserco chính là mức cổ tức kỷ lục năm 2023. Với tỷ lệ 350%, tương đương 35.000 đồng/cổ phiếu, Portserco trở thành doanh nghiệp trả cổ tức cao nhất toàn thị trường chứng khoán Việt Nam trong năm. Tổng số tiền chi trả lên tới 42 tỷ đồng, gần bằng toàn bộ lợi nhuận đột biến 50 tỷ đồng thu được năm 2022.

Đáng chú ý, sự bùng nổ lợi nhuận này không xuất phát từ hoạt động kinh doanh cốt lõi. Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của PRC âm 1,4 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận sau thuế gần 50 tỷ đồng chủ yếu đến từ thu nhập bất thường liên quan đến thanh lý tài sản.

Sự kiện chia cổ tức "khủng" đã khiến cổ phiếu PRC lập đỉnh giá 35.800 đồng/cp vào ngày 21/3/2023. Tuy nhiên, đà tăng không duy trì được lâu, cổ phiếu nhanh chóng lao dốc trong 11 phiên liên tiếp, rơi về mức 20.800 đồng/cp vào ngày 11/4/2023, phản ánh sự tháo chạy của dòng tiền đầu cơ.

Thoái vốn dồn dập – Dấu hỏi cho tương lai

Ngay sau đợt chi trả cổ tức gây "sốt", nhóm cổ đông chủ chốt, bao gồm cả Chủ tịch HĐQT PRC, đã liên tục đăng ký bán hơn 83% vốn tại doanh nghiệp. Đây là lần thoái vốn thứ ba trong năm 2024 sau hai lần bất thành vào tháng 3 và tháng 8. Đáng lưu ý, động thái này diễn ra trong bối cảnh Portserco vẫn báo cáo lợi nhuận 9 tháng năm 2024 vượt gấp 3 lần kế hoạch cả năm, khiến giới đầu tư không khỏi nghi ngại về định hướng dài hạn của công ty.

prc3.jpg
Cổ phiếu PRC giao dịch khá trầm lắng trong thời gian gần đây. Dữ liệu: Fitrade.kinhtechungkhoan.vn

Thực tế, sau cú bùng nổ nhất thời từ việc thanh lý tài sản, hiệu quả kinh doanh cốt lõi của Portserco không cải thiện đáng kể. Năm 2023, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt gần 101 tỷ đồng, giảm 6% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế chỉ còn khoảng 115 triệu đồng, hoàn thành vỏn vẹn 33% kế hoạch đề ra, xác nhận mức độ phụ thuộc lớn vào các khoản thu nhập bất thường.

Hiện tại, cổ phiếu PRC đang giao dịch quanh mức giá 26.000 đồng/cổ phiếu, với hệ số P/E khoảng 13,9 và P/B khoảng 0,83. Mặc dù các chỉ số này cho thấy định giá không quá đắt, nhưng biên lợi nhuận gộp thấp (7,8%) và ROE chỉ đạt 6% lại phản ánh hiệu quả sử dụng vốn còn hạn chế.

Trong bối cảnh doanh nghiệp đang đầu tư mở rộng nhưng nền tảng kinh doanh chưa thực sự vững vàng, nhà đầu tư cần hết sức thận trọng. Tương lai của Logistics Portserco sẽ phụ thuộc lớn vào việc tái cơ cấu bộ máy quản lý, khả năng khai thác hiệu quả các tài sản mới đầu tư và việc duy trì ổn định dòng tiền từ hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Cao Thái

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán