Sacombank không quay lại với "người cũ", sự chú ý đổ dồn vào một cổ phiếu chứng khoán sàn HNX

28/04/2025 - 01:06
(Bankviet.com) Sau khi Sacombank khẳng định không mua lại SBS, cổ phiếu SBS lập tức lao dốc mạnh, trong khi dòng tiền nhà đầu tư tiếp tục đổ dồn vào một cổ phiếu chứng khoán khác sàn HNX.
Nhịp đập thị trường

Sacombank không quay lại với "người cũ", sự chú ý đổ dồn vào một cổ phiếu chứng khoán sàn HNX

Cao Trung 27/04/2025 08:16

Sau khi Sacombank khẳng định không mua lại SBS, cổ phiếu SBS lập tức lao dốc mạnh, trong khi dòng tiền nhà đầu tư tiếp tục đổ dồn vào một cổ phiếu chứng khoán khác sàn HNX.

Ngày 25/04/2025, thị trường chứng khoán chứng kiến diễn biến đáng chú ý liên quan tới cổ phiếu của Công ty CP Chứng khoán SBS (UPCoM: SBS). Kết phiên, cổ phiếu SBS giảm kịch sàn 13,79%, rơi xuống mức 5.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng giao dịch khớp lệnh tăng vọt lên gần 11,3 triệu đơn vị, cho thấy lực bán mạnh mẽ từ phía nhà đầu tư.

Trước đó, từ ngày 8/4 đến 24/4, SBS đã có chuỗi ba phiên tăng trần liên tiếp, với tổng mức tăng hơn 33% trong khoảng thời gian ngắn, tương đương 1.500 đồng/cổ phiếu.

Động lực tăng giá chủ yếu xuất phát từ kỳ vọng của nhà đầu tư vào khả năng Sacombank (HOSE: STB) sẽ mua lại công ty chứng khoán SBS, sau khi ngân hàng này công bố tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025, hé lộ chiến lược mở rộng hoạt động ngân hàng đầu tư thông qua việc góp vốn hoặc mua cổ phần công ty chứng khoán.

Tuy nhiên, trong phiên họp đại hội cổ đông sáng 25/04, Tổng Giám đốc Sacombank, bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, đã chính thức khẳng định Sacombank không có kế hoạch mua lại SBS. Thay vào đó, ngân hàng sẽ tìm kiếm một công ty chứng khoán mới phù hợp hơn với định hướng phát triển ngân hàng đầu tư trong tương lai.
Theo bà Diễm, dù Sacombank hiện vẫn là cổ đông lớn nhất của SBS với tỷ lệ sở hữu gần 13,8%, nhưng thực tế ngân hàng đã không còn là công ty mẹ của SBS từ năm 2011.

sacombank4.jpg
Lãnh đạo Sacombank tại đại hội đã thẳng thắn bày tỏ quan điểm không mua lại SBS

Thông tin này đã xóa tan những kỳ vọng trước đó, khiến giá cổ phiếu SBS lập tức quay đầu giảm sâu. Việc đà tăng nóng bị dập tắt nhanh chóng sau thông tin chính thức cho thấy mức độ nhạy cảm cao của nhà đầu tư đối với các biến động liên quan đến chiến lược thâu tóm, M&A trong lĩnh vực tài chính.

Trong khi SBS chịu áp lực bán mạnh, sự chú ý của dòng tiền trên thị trường bất ngờ chuyển hướng sang một cổ phiếu chứng khoán khác, đó là Công ty CP Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam (HNX: VIG).

Cụ thể, cổ phiếu VIG đã có ba phiên tăng trần liên tiếp từ ngày 23/4 đến 25/4, đưa thị giá VIG tăng mạnh từ 6.200 đồng lên 8.100 đồng/cổ phiếu. Riêng phiên 25/4, cổ phiếu này ghi nhận khối lượng giao dịch đột biến với hơn 2,3 triệu đơn vị, gấp nhiều lần khối lượng giao dịch trung bình 10 phiên trước đó.

Diễn biến tích cực của VIG được cho là đến từ những tín hiệu cải thiện về hoạt động kinh doanh trong năm 2024 cũng như kế hoạch mở rộng đáng chú ý trong năm 2025.

Theo báo cáo tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 tổ chức ngày 10/4, VIG cho biết trong năm 2024, doanh thu hoạt động của công ty đạt 42,87 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 20,79 tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng lần lượt 103,57% và 66,59% so với năm 2023. Tính đến 31/12/2024, tổng tài sản của VIG đạt 373,4 tỷ đồng, tăng gần 7,4% so với đầu năm.

daihoivig1.jpg
Đại hội đồng cổ đông thường niên 2025 tổ chức ngày 10/4 của VIG

Chỉ tiêu an toàn tài chính của VIG đạt 214,36%, vượt xa mức yêu cầu tối thiểu 180% theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Nhờ đó, VIG đã đủ điều kiện để được đưa ra khỏi diện kiểm soát và mở rộng thêm các nghiệp vụ kinh doanh mới, như bảo lãnh phát hành và tư vấn tài chính doanh nghiệp.

Đại hội cổ đông VIG cũng đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu tổng doanh thu đạt 77,3 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế ước đạt 38,3 tỷ đồng. Đồng thời, VIG sẽ chào bán riêng lẻ 70 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, giá phát hành dự kiến 10.000 đồng/cổ phiếu. Số tiền thu được từ đợt phát hành sẽ được sử dụng để bổ sung vốn cho hoạt động cho vay ký quỹ và tự doanh chứng khoán.

Cao Trung

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán