Giá nguyên liệu ổn định, P/E thấp: Ngành bia có đang vào “vùng mua”?

26/04/2025 - 14:25
(Bankviet.com) Thị trường bia Việt Nam phục hồi mạnh sau đại dịch, dẫn đầu khu vực với tiềm năng tăng trưởng 5%/năm đến 2030. Dù chịu tác động từ thuế tiêu thụ đặc biệt và thay đổi thị hiếu, nhóm cổ phiếu như SAB, WSB, HLB vẫn duy trì ROE cao, cổ tức ổn định, định giá hấp dẫn – mở ra cơ hội đầu tư dài hạn.
Báo cáo - Phân tích

Giá nguyên liệu ổn định, P/E thấp: Ngành bia có đang vào “vùng mua”?

Anh Vũ 25/04/2025 12:01

Thị trường bia Việt Nam phục hồi mạnh sau đại dịch, dẫn đầu khu vực với tiềm năng tăng trưởng 5%/năm đến 2030. Dù chịu tác động từ thuế tiêu thụ đặc biệt và thay đổi thị hiếu, nhóm cổ phiếu như SAB, WSB, HLB vẫn duy trì ROE cao, cổ tức ổn định, định giá hấp dẫn – mở ra cơ hội đầu tư dài hạn.

Báo cáo phân tích ngành bia của Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, thị trường bia Việt Nam đang trên đà phục hồi sau giai đoạn trầm lắng do ảnh hưởng từ đại dịch COVID-19 và các chính sách siết chặt liên quan đến nồng độ cồn. Tuy nhiên, với dân số trẻ, thu nhập gia tăng và văn hóa tiêu dùng đặc thù, ngành bia vẫn duy trì tiềm năng tăng trưởng vững chắc trong trung và dài hạn.

Ngành bia Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào các nguyên liệu nhập khẩu như đại mạch, hoa bia và vỏ nhôm – chiếm 45–50% giá thành sản xuất. Những nguyên liệu này được nhập từ các quốc gia có khí hậu ôn hòa như châu Âu, Úc, Mỹ. Quy trình sản xuất bia bao gồm các bước: nghiền, đường hóa, lọc bã, nấu hoa bia, lên men và đóng gói.

a11.jpg
Nguồn: Mirae Asset tổng hợp

Thị trường hiện do 4 ông lớn chi phối gồm Heineken, Sabeco, Carlsberg và Habeco – chiếm hơn 90% thị phần (Euromonitor). Tổng công suất thiết kế toàn ngành đạt khoảng 6,5 tỷ lít/năm, trong đó Sabeco dẫn đầu với 3,01 tỷ lít. Sau đại dịch, tiêu dùng bia có xu hướng dịch chuyển từ kênh nhà hàng sang siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Đến năm 2023, khoảng 63% lượng tiêu thụ qua các kênh bán lẻ hiện đại.

Theo Chứng khoán Mirae Asset, Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tiêu thụ bia lớn nhất thế giới và xếp thứ 2 châu Á, chỉ sau Trung Quốc. Trung bình mỗi người Việt tiêu thụ khoảng 43 lít bia/năm, với CAGR đạt 4,7% trong giai đoạn 2009–2023. Dự báo giai đoạn 2025–2030, mức tăng trưởng sẽ đạt khoảng 5%/năm nhờ lực đẩy từ tăng trưởng kinh tế, dân số trẻ và đô thị hóa.

a2.jpg
Nguồn: Mirae Asset tổng hợp

Mirae Asset đánh giá, tác động từ Nghị định 100 và xu hướng sống lành mạnh khiến nhóm tuổi 18–25 dần dịch chuyển khỏi đồ uống có cồn. Bia không cồn vì thế trở thành phân khúc tiềm năng. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ còn khiêm tốn, chỉ chiếm khoảng 3% tổng thị trường, do giá cao, hương vị nhạt và lo ngại vi phạm nồng độ cồn dù gắn nhãn “không cồn”.

Bên cạnh đó, giá nguyên liệu có diễn biến tích cực. Đại mạch năm 2024 giảm 15%, 2025 ước tính tiếp tục duy trì thấp ở mức 225 USD/tấn. Nhôm tăng 7% trong 2024 do căng thẳng cung ứng từ Trung Quốc; năm 2025 dự báo đạt trung bình 2.400 USD/tấn, không tăng mạnh do nhu cầu toàn cầu suy yếu.

Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt từ mức hiện tại 65% theo 2 phương án: Phương án 1 tăng 5%/năm từ 2026, đạt 90% vào 2030. Phương án 2 tăng 15% năm 2026, đạt 100% vào 2030.

a4.jpg
Nguồn: Mirae Asset tổng hợp

Dù có thể gây sức ép ngắn hạn lên tiêu thụ, thực tế các lần tăng thuế trước đây cho thấy thị trường thường phục hồi mạnh sau giai đoạn thích nghi. Doanh nghiệp thường chuyển phần lớn gánh nặng thuế cho người tiêu dùng, giúp biên lợi nhuận không bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, các doanh nghiệp như SAB, SMB, HLB đều duy trì ROE trên 15%, thể hiện năng lực tài chính vững chắc. Trong khi đó, P/E toàn ngành đang thấp hơn trung bình 5 năm, mở ra cơ hội tích lũy dài hạn. Cổ tức tiền mặt ổn định: SAB (3.500 – 5.000đ/cp), WSB (3.000 – 5.000đ/cp), HLB (1.500 – 2.000đ/cp).

Năm 2024, Sabeco tiếp tục giữ vững vị thế đầu ngành, với doanh thu hơn 31.800 tỷ đồng (+4,6% YoY), lợi nhuận sau thuế 4.400 tỷ đồng (+5,6% YoY), trong khi biên lợi nhuận giữ ổn định quanh mức 27%.

a5.jpg
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành bia ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu nhờ sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng nội địa

Bất chấp các thách thức như cạnh tranh, thay đổi thị hiếu và chính sách thuế, thị trường bia Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những thị trường tăng trưởng hấp dẫn nhất khu vực châu Á, nhờ vào nền tảng tiêu dùng nội địa mạnh mẽ, lực lượng lao động trẻ và dư địa lớn trong phân khúc bia cao cấp và không cồn.

Anh Vũ

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán