Điện tăng giá: Nhóm ngành hưởng lợi và những doanh nghiệp “chuyển đổi để thích ứng”
Giá điện tăng đang tạo ra sự phân hóa rõ rệt trong khối doanh nghiệp khi bên cải thiện dòng tiền, bên lại đối mặt thêm áp lực.
Cổ phiếu ngành điện hưởng lợi
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa công bố điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân lên 2.204,06 đồng/kWh từ ngày 10/5/2025, tăng 4,8% so với lần điều chỉnh gần nhất vào tháng 10/2024. Theo phân tích của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), động thái này dự kiến sẽ khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân năm 2025 tăng thêm khoảng 0,09 điểm phần trăm.
EVN cho biết mức tăng lần này được cân nhắc kỹ trên cơ sở biến động chi phí đầu vào (giá than, khí cho sản xuất điện) và chi phí tiền điện phải trả của người dân, doanh nghiệp.

Theo ông Phan Quốc Bửu - Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty CK BSC, đối với việc giá điện bán lẻ lần này có thể chia làm 2 nhóm ngành: Nhóm được hưởng lợi và nhóm có thể bị ảnh hưởng.
Ở chiều tích cực, các doanh nghiệp điện sẽ được cải thiện dòng tiền nhờ nguồn thu tăng, qua đó đẩy nhanh tiến độ thanh toán công nợ từ EVN. Điều này giúp các nhà máy điện có điều kiện tái đầu tư và mở rộng công suất. Đồng thời, EVN cũng sẽ tăng đầu tư vào hạ tầng truyền tải, tạo cơ hội việc làm cho các doanh nghiệp xây lắp điện.
Đặc biệt, trong bối cảnh các nguồn thủy điện rẻ tiền đã tiệm cận giới hạn khai thác, EVN buộc phải huy động nhiều hơn các nguồn điện chi phí cao như khí hóa lỏng (LNG) và năng lượng tái tạo (NLTT). Do đó, việc tăng giá điện được coi là tất yếu để bảo đảm cân bằng tài chính và phát triển hạ tầng điện bền vững.
Tháng 4/2025, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt Quyết định 768/QĐ-TTg, điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (QHĐ8) cho giai đoạn 2021-2030. Một trong những nội dung nổi bật của bản điều chỉnh lần này là việc nâng tổng công suất nguồn điện mục tiêu đến năm 2030 lên 197.000 MW, tăng 26% so với mức 155.000 MW trong quy hoạch trước đó. Động thái này phản ánh nhu cầu cấp thiết trong việc mở rộng quy mô hệ thống điện quốc gia nhằm đáp ứng tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng trong kỷ nguyên công nghiệp mới.
Cơ cấu nguồn điện trong quy hoạch mới có sự điều chỉnh đáng kể với công suất thủy điện tăng 13%, điện mặt trời tăng mạnh tới 126%, và các nguồn khác như pin lưu trữ, điện nhập khẩu tăng 153% so với quy hoạch cũ. Sự điều chỉnh này nhằm bù đắp cho việc nhiều dự án điện khí sử dụng khí nội địa chậm tiến độ, dẫn tới giảm 27% quy mô công suất so với kế hoạch ban đầu. Về điện gió, quy hoạch điều chỉnh tăng 19% công suất điện gió trên bờ và gần bờ đến năm 2030. Riêng với điện gió ngoài khơi, Chính phủ quyết định dời lộ trình phát triển chính sang giai đoạn 2030-2035, phù hợp hơn với tiến độ chuẩn bị về cơ chế, hạ tầng và công nghệ.
Những điều chỉnh này thể hiện rõ định hướng phát triển bền vững của Chính phủ, ưu tiên mạnh mẽ các nguồn NLTT nhằm hiện thực hóa mục tiêu kép vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa thực hiện cam kết trung hòa carbon theo lộ trình COP26.
Trong khi việc tăng giá điện là tín hiệu tích cực đối với cổ phiếu ngành điện vì sẽ hỗ trợ dòng tiền của các nhà máy điện thì cổ phiếu ở nhóm các ngành công nghiệp nặng sử dụng nhiều điện năng, đặc biệt là các ngành thép, xi măng, hoá chất… lại chịu tác động ở chiều ngược lại.
Ông Phan Quốc Bửu - Phó Giám đốc Trung tâm Phân tích Công ty CK BSC
Áp lực giá điện, ngành sản xuất dần chuyển đổi xanh
Ở chiều ngược lại, đối với ngành hóa chất, điện chiếm khoảng 20-30% giá vốn. Với mỗi 1% tăng giá điện, chi phí sản xuất có thể tăng 0,2-0,3%. Tác động này sẽ có mức độ khác nhau tùy vào đặc điểm sản phẩm và vị thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp có sản phẩm chuyên biệt hoặc hợp đồng dài hạn sẽ dễ dàng chuyển phần chi phí tăng sang giá bán, nhờ đó hạn chế ảnh hưởng đến biên lợi nhuận. Ngược lại, doanh nghiệp sản xuất hóa chất phổ thông, mang tính cạnh tranh cao, sẽ gặp khó khăn trong việc điều chỉnh giá bán, dẫn đến rủi ro sụt giảm biên lợi nhuận gộp.
Tương tự, ngành xi măng với chi phí điện chiếm khoảng 10-12% tổng chi phí sản xuất, cũng sẽ chịu tác động rõ rệt. Trong bối cảnh lợi nhuận toàn ngành đang thấp và nhiều doanh nghiệp báo lỗ trong quý 1, đợt tăng giá điện lần này ước tính có thể khiến chi phí sản xuất toàn ngành tăng thêm khoảng 0,1%.
Với ngành thép, riêng Hòa Phát được đánh giá là ít chịu tác động nhất nhờ sử dụng công nghệ lò cao và khả năng tự chủ điện. Trong khi đó, các doanh nghiệp sử dụng lò điện như Pomina, Vina Kyoei, có thị phần nhỏ hơn và biên lợi nhuận thấp hơn sẽ chịu ảnh hưởng rõ rệt hơn khi chi phí điện chiếm khoảng 12-15% chi phí sản xuất. Ông Bửu nhận định nhóm này sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn trong thời gian tới.
Trong bối cảnh giá điện tiếp tục có xu hướng tăng, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang chủ động thích nghi bằng cách chuyển đổi sang các giải pháp năng lượng bền vững. Trong ngành dệt may, một số doanh nghiệp như TNG đã triển khai hệ thống điện mặt trời áp mái tại Chi nhánh Việt Thái, đáp ứng khoảng 55% nhu cầu tiêu thụ điện tại đơn vị này.
Với ngành thép, Hòa Phát đã nhiều năm ứng dụng công nghệ thu hồi và tái sử dụng nhiệt dư, khí dư để phát điện, qua đó giúp tự chủ 75-80% nhu cầu điện nội bộ.
Ở lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng xanh, năng lượng xanh, một số doanh nghiệp tiên phong như SCL đã tận dụng xỉ than từ nhà máy nhiệt điện để sản xuất gạch nhẹ và vữa khô - hướng đến mô hình kinh tế tuần hoàn. Ngoài ra, dự án điện rác tại Sóc Sơn (Hà Nội) cũng là một ví dụ điển hình cho xu hướng chuyển đổi năng lượng từ chất thải.
Mặc dù giá điện tăng tạo áp lực ngắn hạn lên chi phí sản xuất - kinh doanh, đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp nặng, nhưng giới phân tích cho rằng triển vọng phục hồi kinh tế và tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ vẫn là xu thế chủ đạo trong trung và dài hạn.
“Tóm lại, việc điều chỉnh tăng giá điện tuy gây ra không ít áp lực trong ngắn hạn đối với các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều điện. Trong bối cảnh giá điện có thể tăng gây áp lực lên chi phí sản xuất - kinh doanh, tôi cho rằng xu hướng phục hồi kinh tế và nhu cầu vẫn tiếp tục là xu hướng chủ đạo, dưới sự thực đẩy rõ rệt từ các chính sách kích thích kinh tế của Chính phủ”, ông Phan Quốc Bửu nói.