Khoản 1, Điều 257, Luật Đất đai năm 2024 về chuyển tiếp sử dụng bảng giá đất quy định: "Bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025; trường hợp cần thiết, UBND cấp tỉnh quyết định điều chỉnh bảng giá đất theo quy định của Luật này cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương."
Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho biết, việc rà soát, điều chỉnh bảng giá đất là cần thiết, để các địa phương thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa giá đất trong bảng giá đất hiện tại với mặt bằng giá đất trên thực tế tại địa phương.
Đồng thời, từng bước xây dựng bảng giá đất theo Luật Đất đai năm 2024 để áp dụng từ ngày 01/01/2026 tránh cú sốc tăng giá đột biến trong bảng giá đất ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất, dẫn đến phản ứng từ phía người dân, doanh nghiệp.
Việc điều chỉnh bảng giá đất là nhiệm vụ thường xuyên của UBND cấp tỉnh đã được quy định xuyên suốt từ Luật Đất đai năm 2013 đến nay và có nhiều địa phương đã thực hiện rất tốt quy định này.
Đối với các địa phương có sự điều chỉnh bảng giá đất đúng theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 đảm bảo giá đất trong bảng giá đất tiệm cận với mặt bằng thực tế tại địa phương, thì việc áp dụng khoản 1 Điều 257 Luật Đất đai năm 2024 không có vướng mắc, không ảnh hưởng đến việc thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất.
Thực tế, các địa phương không có sự điều chỉnh kịp thời thì giá đất trong bảng giá đất có sự chênh lệch lớn so với mặt bằng thực tế tại địa phương. Điều này dẫn đến khi triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2024 gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Đó là, trường hợp khi Bảng giá đất điều chỉnh có sự thay đổi lớn, tăng cao đột biến, chênh lệch rất lớn so với giá đất tại bảng giá đất hiện hành sẽ dẫn đến sự phản ứng của các đối tượng chịu tác động như người dân, doanh nghiệp sử dụng đất. Số tiền mà người dân, doanh nghiệp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính sẽ tăng cao đột biến so với khi áp dụng bảng giá đất hiện hành của địa phương đó.
Một trong những khó khăn, vướng mắc khác là do bảng giá đất không được điều chỉnh quá thấp so với giá đất thực tế ở địa phương, dẫn đến việc có thể gây thất thu cho ngân sách nhà nước…
Để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trên, Thứ trưởng Lê Minh Ngân cho rằng, các địa phương cần tập trung hoàn thiện chính sách hướng dẫn Luật Đất đai năm 2024 thuộc thẩm quyền; đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến Luật đến tất cả các cấp, các ngành, người dân, doanh nghiệp nhằm tạo sự đồng thuận, thống nhất trong nhận thức và tổ chức thực hiện.
Bên cạnh đó, các địa phương rà soát, điều chỉnh bảng giá đất phù hợp với tình hình thực tế giá đất tại địa phương theo quy định tại khoản 1, Điều 257, Luật Đất đai năm 2024.
“Trong quá trình thực hiện, các địa phương cần phân tích, đánh giá kết quả thực hiện bảng giá đất hiện hành, xem xét giá đất trong bảng giá đất so với mặt bằng giá đất tại địa phương; đánh giá tác động của bảng giá đất đối với đối tượng áp dụng, có lộ trình phù hợp, mức tăng phù hợp với từng khu vực, vị trí, loại đất…”, Thứ trưởng Lê Minh Ngân nhấn mạnh.