Định hình bức tranh ngân hàng trong tương lai

02/11/2024 - 15:18
(Bankviet.com) Thông qua ứng dụng sản phẩm công nghệ hiện đại và trải nghiệm khách hàng chưa từng có, ngành Ngân hàng đã minh chứng cho quan điểm lấy khách hàng hàng là trung tâm, nâng cao trải nghiệm khách hàng là thước đo, góp phần định hình bức tranh ngân hàng trong tương lai...

Chiều ngày 28/10, tại Hà Nội đã diễn ra phiên Tọa đàm cấp cao “Tương lai ngành Ngân hàng Việt Nam”. Tọa đàm diễn ra trong khuôn khổ Sự kiện Smart Banking 2024 do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tập đoàn IEC phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng, Vụ Thanh toán, NHNN khẳng định, với vai trò “huyết mạch” của nền kinh tế, chuyển đổi số trong lĩnh vực ngân hàng là một trong những yếu tố then chốt cho chuyển đổi số quốc gia nói chung và thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực khác nói riêng. Thời gian qua, triển khai tầm nhìn của Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030 (Quyết định 749/QĐ-TTg năm 2020), ngành Ngân hàng đã nỗ lực không ngừng nghỉ và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong công cuộc chuyển đổi số.

tiev0234.jpg
Ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu

Đáng chú ý, Quyết định 810/QĐ-NHNN về Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng được Thống đốc NHNN ban hành từ năm 2021 đã đóng vai trò là “kim chỉ nam” cho hoạt động chuyển đổi số của ngành. Đến nay, ngành Ngân hàng đã có nhiều bước phát triển vượt bậc với những kết quả đáng khích lệ. Hầu hết các nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100%; nhiều ngân hàng Việt Nam có tỷ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số…

Ngày nay, công nghệ số trở thành lực lượng sản xuất cơ bản, nhân tài số trở thành nguồn lực cơ bản, đổi mới số trở thành động lực cơ bản cho sự phát triển.

Nắm bắt được xu thế phát triển tất yếu, các ngân hàng tại Việt Nam không ngừng thúc đẩy hiện đại hóa hệ thống của mình bằng giải pháp ngân hàng lõi khắc phục hạn chế hệ thống core đã lỗi thời, đầu tư chuyển đổi mạnh mẽ để tối ưu nền tảng số hóa, “bộ não” dữ liệu và các năng lực trí tuệ nhân tạo (AI) và trí tuệ nhân tạo tạo sinh (Gen AI) tạo ra những sự chuyển đổi to lớn trong thúc đẩy siêu cá nhân hóa trải nghiệm người dùng, chuyển đổi cách làm ngân hàng và tối ưu quy trình hoạt động và cung cấp dịch vụ. Đặc biệt, các ngân hàng lớn tại Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đạt được những thành tựu đáng kể trên tiến trình chuyển đổi số.

“Có thể thấy, thông qua ứng dụng sản phẩm công nghệ hiện đại nhất và trải nghiệm khách hàng chưa từng có, ngành Ngân hàng đã minh chứng cho quan điểm lấy khách hàng hàng là trung tâm, nâng cao trải nghiệm khách hàng là thước đo, góp phần định hình bức tranh ngân hàng trong tương lai”, ông Lê Anh Dũng chỉ rõ.

Nhận định về xu hướng phát triển ngành Ngân hàng tại Việt Nam, ông Bruce Delteil, Giám đốc điều hành McKinsey & Co Việt Nam phát biểu: “Các ngân hàng hiện tại đang nỗ lực cải thiện giá trị của mình thông qua chuyển số. Những ngân hàng số tiên phong không ngừng thúc đẩy đổi mới, tận dụng những nền tảng công nghệ mới như Big Data hay AI để mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng”.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình chuyển đổi số cũng như áp dụng các mô hình mới dựa trên công nghệ hiện đại, ngành Ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức về bài toán đầu tư hiệu quả; sự đồng bộ và chuẩn hóa các cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi cho kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng; sự thay đổi thường xuyên, liên tục về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng và xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, dưới hình thức phức tạp.

“Từ đó đặt ra cho ngành Ngân hàng phải chuyển đổi số một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm”, ông Lê Anh Dũng nhấn mạnh.

tiev0248.jpg
Quang cảnh toạ đàm

Phiên toạ đàm cấp cao với sự tham gia của đại diện từ ngân hàng thương mại, chuyên gia tư vấn và chuyên gia công nghệ đã cùng thảo luận về các chủ đề “Xu hướng và thách thức mà ngành Ngân hàng đang đối mặt trong kỷ nguyên số”, “Ngân hàng tương lai: Số hóa phần lõi và đơn giản hóa quy trình”, “Đổi mới công nghệ ngân hàng để đạt được tốc độ, quy mô và sự linh hoạt” đồng thời cùng chia sẻ quan điểm, ý kiến, trao đổi xoay quanh chủ đề về “Tương lai ngành Ngân hàng Việt Nam”. Bên cạnh đó, toạ đàm cũng đã lắng nghe các kinh nghiệm thực tế từ các case study thành công tại thị trường quốc tế.

Các diễn giả và chuyên gia cho rằng, lĩnh vực tài chính - ngân hàng đang thay đổi với cấp số nhân, các ngân hàng truyền thống với hệ thống ngân hàng lỗi thời đang dần tụt hậu, không còn đáp ứng được mong đợi ngày càng cao của khách hàng hiện đại. Để trở thành một ngân hàng hàng đầu trong kỷ nguyên số, cần có một hệ thống nền tảng không chỉ vững chắc và dễ dàng nâng cấp quy mô, mà còn phải đủ linh hoạt để cùng phối hợp các đối tác trong hệ sinh thái tạo những sản phẩm mang tính cá nhân hóa cao...

Bên cạnh đó, xây dựng hệ thống ngân hàng số theo phương thức phát triển phần mềm linh hoạt sẽ mang lại cho ngân hàng nhiều lợi thế, bao gồm khả năng dễ dàng hiện đại hóa, tận dụng những tính năng tốt nhất hiện có, và thúc đẩy tốc độ đổi mới trong các sản phẩm và dịch vụ.

Quỳnh Lê

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ