Định hướng năm 2023: Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt

22/01/2023 - 02:42
(Bankviet.com) Các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) trong năm 2022 đã khẳng định được sự chủ động, linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh diễn biến kinh tế thế giới còn nhiều biến động khó lường, Lãnh đạo NHNN khẳng định sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả, kịp thời, nhận diện, đánh giá khó khăn, tác động ngay từ đầu năm để có những biện pháp phù hợp…
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chúc mừng năm mới Quý Mão 2023

Năm 2022, ngành Ngân hàng đã đóng góp tích cực vào các thành quả nổi bật của nền kinh tế

Chia sẻ trước thềm Tết Nguyên đán năm 2023, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, năm 2022 đã khép lại, mặc dù trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng dưới sự chỉ đạo tích cực, quyết liệt, cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) với những chỉ số, kết quả tích cực.

Có thể nói, việc điều hành CSTT năm 2022 đối mặt với những khó khăn, thách thức chưa từng có từ biến động phức tạp, khó lường của kinh tế thế giới và trong nước, đặc biệt là vấn đề lạm phát, lãi suất tăng cao ở một số quốc gia, tình hình địa chính trị quốc tế diễn biến khó lường… Với các giải pháp điều hành CSTT được triển khai đồng bộ, năm 2022, ngành Ngân hàng đã đóng góp tích cực vào các thành quả nổi bật của nền kinh tế.

NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, tiếp tục chỉ đạo các TCTD giảm lãi suất
Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%, tiếp tục chỉ đạo các TCTD giảm lãi suất.

Theo đó, lạm phát năm 2022 được kiểm soát theo mục tiêu đề ra, trong đó lạm phát CPI bình quân cả năm 2022 là 3,15%, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, đây là mức cao nhất trong nhiều năm gần đây. Các áp lực lớn trên thị trường tiền tệ, ngoại hối trong nước được hóa giải, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng. Đáng chú ý, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s và S&P đã nâng mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia cho Việt Nam. Nhờ đó, niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân vào môi trường và triển vọng kinh tế trung hạn tiếp tục được giữ vững.

Chia sẻ về việc điều hành tỷ giá thời gian qua, Phó Thống đốc cho rằng, việc duy trì được tỷ giá hiện nay là một thành công và thành công này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Một là điều hành đã tạo độ thông thoáng cho các ngân hàng thương mại trong việc mở rộng thêm biên độ giao dịch của các NHTM từ ±3% lên ±5 %. Hai là việc can thiệp ngoại tệ vào những lúc cần thiết với mức độ phù hợp.

“Bên cạnh các chính sách của NHNN, còn các chính sách kinh tế vĩ mô khác mà Chính phủ, các bộ ngành đang có sự gắn kết để tạo ra hiệu ứng tốt, tích cực cho tỷ giá thời gian qua. Tình hình thế giới những tháng gần đây cũng có dịu bớt các tác động đến Việt Nam nên chúng ta đang duy trì tỷ giá tích cực hơn cả so với các nước, kể các các nước phát triển và các nước trong khu vực”, Phó Thống đốc cho hay.

Điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt trong năm 2023

Bối cảnh kinh tế toàn cầu thời gian tới tiếp tục còn nhiều yếu tố bất lợi và khó lường, các ngân hàng trung ương tiếp tục duy trì thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất để tiếp tục kiểm soát lạm phát. Trong bối cảnh nền kinh tế của Việt Nam có độ mở cửa lớn, những biến động kinh tế thế giới tác động tới kinh tế, tiền tệ trong nước là không tránh khỏi.

Phó Thống đốc đánh giá điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy bất định như hiện nay đối mặt với rất nhiều khó khăn, thử thách, đòi hỏi phải theo sát diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, trên cơ sở phân tích, dự báo để phối kết hợp đồng bộ, nhuần nhuyễn các công cụ phù hợp với thời điểm, hoàn cảnh.

Từ những kinh nghiệm trong một năm khó khăn vừa qua, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, định hướng điều hành năm 2023, NHNN sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả và kịp thời, nhận diện, đánh giá khó khăn, tác động ngay từ đầu năm để có những biện pháp phù hợp. Chẳng hạn có chính sách linh hoạt, phù hợp trong vấn đề xác định và điều hành tỷ giá, lãi suất, lượng tiền cung ứng nhằm đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định giá trị đồng tiền, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế… Từ đó có thể, chủ động ứng phó những yếu tố bất ngờ từ nền kinh tế thế giới cũng như nội tại trong nước.

Phó Thống đốc khẳng định, năm 2023, lãi suất và tỷ giá là một trong những nội dung trọng tâm của điều hành chính sách tiền tệ. Trong điều hành chính sách tỷ giá, lãi suất, NHNN nghiên cứu và đánh giá kỹ chính sách của các nước lớn, đặc biệt là của Mỹ trong vấn đề tăng lãi suất và thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt đến mức độ nào hoặc nới lỏng bớt đi bao nhiêu… Từ đó, xác định hướng điều hành chính sách để làm sao tiếp tục duy trì sự ổn định của lãi suất cũng như tỷ giá hiện nay.

Định hướng năm 2023: Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt

Với điều hành tỷ giá, Phó Thống đốc cho biết, NHNN sẽ cố gắng duy trì sự ổn định, đảm bảo hài hòa cho chính sách xuất khẩu cũng như nhập khẩu, đặc biệt là tạo điều kiện tiếp tục thu hút dòng vốn nước ngoài về Việt Nam, cũng như đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh và sử dụng đồng ngoại tệ, đảm bảo nguồn lực mà Chính phủ, các doanh nghiệp đang vay ở nước ngoài, hạn chế rủi ro cho các doanh nghiệp khi tỷ giá có những biến động, hạn chế tâm lý kỳ vọng của thị trường.

“Nếu trong thời gian tới có những điều kiện thuận lợi hỗ trợ ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát thì chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo, vận động các NHTM tiếp tục cắt giảm chi phí để giảm bớt lãi suất so với mức giảm lãi suất đã cam kết đồng thuận vào cuối năm 2022 vừa qua, thêm một lần nữa, tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, cho nền kinh tế vay vốn với mức lãi suất thấp hơn”, Phó Thống đốc thông tin thêm.

Về chính sách tín dụng, trên cơ sở kết quả đạt được của năm 2022 khoảng 14,17%, Phó Thống đốc cho biết, NHNN đã tính toán định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 vào khoảng 14-15%, nhưng vẫn có điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế. Ngoài đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 14-15%, tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2023 vừa ban hành ngày 17/01/2023 nêu rõ, điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh; hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; đảm bảo hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT giao thông; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Bên cạnh đó, trong năm 2023, ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ của Ngành tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó, chú trọng triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, các chương trình tín dụng chính sách thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội. Ngoài ra, hoạt động cấp tín dụng của tổ chức tín dụng được theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ, đảm bảo dòng vốn hướng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên. Việc cấp tín dụng sẽ được xem xét ưu tiên theo Danh mục phân loại xanh, cho vay đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án nhà ở thương mại giá rẻ có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ, đáp ứng điều kiện theo quy định.

Hồng Giang

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán