Thị trường chứng khoán Việt Nam thời gian qua rung lắc mạnh, kéo theo thanh khoản giảm sâu. Tính từ đầu tháng 4, thị trường có 21 phiên thanh khoản dưới 20.000 tỷ đồng. Trong đó, hơn nửa tháng qua chỉ có bốn phiên giao dịch vượt được mốc 15.000 tỷ đồng. Mức thanh khoản trên rất thấp so với trung bình 26.000 tỷ đồng trong quý đầu năm.
Trong một hội thảo về đầu tư gần đây, ông Lê Chí Phúc - CEO SGI, một trong những quỹ đầu tư có tỷ suất lợi nhuận cao nhất thị trường, đặt giả thuyết rằng thanh khoản giảm có thể do giảm dòng vốn "dễ dãi", mang tính đầu cơ để lại cho thị trường dòng vốn đầu tư chất lượng.
Ông phân tích, nhiều nhà đầu tư F0 vào thị trường trong vài tháng gần đây có thể không trang bị nhiều kiến thức, ngay lập tức đã chịu nhiều tổn thương nên lượng lớn rời bỏ thị trường để dồn tiền qua các kênh khác. Tức là, họ đã "nhường chỗ" cho các nhà đầu tư dài hạn, nhà đầu tư tổ chức...
Báo cáo mới đây của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng chỉ rõ, trong giai đoạn 2020-2021 thị trường tăng trên diện rộng nhờ dòng tiền "dễ dãi". Thời gian tới, dòng tiền sẽ phân hóa rất mạnh giữa các nhóm ngành và cổ phiếu trong bối cảnh tâm lý ngại rủi ro nói chung của thị trường.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cũng nêu quan điểm, trong quý II, nhóm cổ phiếu đầu cơ nhiều khả năng "lặng sóng" trong một thời gian dài. Dòng tiền xu hướng quay trở lại các mã có yếu tố cơ bản tốt, đặc biệt là nhóm vốn hóa lớn.
Ở tầm nhìn vĩ mô, ông Lã Giang Trung - Tổng giám đốc Passion Investment, cho rằng dòng tiền đang được định hướng lại bởi chính sách tiền tệ, với xu hướng đổ về những khu vực kinh tế mang lại tăng trưởng GDP tốt hơn. Trong giai đoạn 2020-2021, GDP tăng trưởng thấp nhưng tín dụng vẫn giữ tốc độ tăng ổn định. Điều này cho thấy, dòng vốn không chảy hoàn toàn hoạt động sản xuất mà đã đổ nhiều vào các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản...
Theo ông Lê Anh Tuấn - giám đốc hoạch định chiến lược đầu tư Dragon Capital Việt Nam, việc giảm thanh khoản như hiện tại là bình thường. Khi chứng khoán đang trong chu kỳ đi xuống, thanh khoản thường giảm theo tương ứng.
Theo chuyên gia này, thị trường chứng khoán Việt Nam và kinh tế vĩ mô có mối liên quan rất ít. Ông lấy ví dụ, năm 2020, tăng trưởng kinh tế thấp nhưng tăng trưởng của nhiều doanh nghiệp vẫn cao, thị trường vẫn diễn biến tích cực. Do đó, những mối lo về vĩ mô ảnh hưởng đến thị trường như lạm phát nên được nhìn nhận đúng mức.
Cùng quan điểm, ông Lê Chí Phúc cho rằng thị trường chứng khoán không đại diện cho cả nền kinh tế, mà chỉ đại diện cho nhóm ưu tú của nền kinh tế. Ông lưu ý, đôi khi nhịp điều chỉnh ngắn hạn không phản ánh xu hướng dài hạn.
Với luận điểm trên, các chuyên gia cho rằng thị trường còn nhiều tín hiệu tích cực. SGI dự đoán năm nay các doanh nghiệp niêm yết có thể tăng lợi nhuận 20-25% so với cùng kỳ. Mức này tốt hơn giai đoạn trước và tốt hơn mặt bằng kinh tế vĩ mô. Trên thị trường, nhiều doanh nghiệp tự tin đề ra kế hoạch dài hơi 3-5 năm với các chỉ tiêu tham vọng, có đơn vị muốn tăng trưởng với tốc độ 30%.
Các chuyên gia cho rằng thị trường còn nhiều tín hiệu tích cực (Nguồn ảnh: Internet)
Trước mắt trong quý đầu năm, VnDirect thống kê đến cuối tháng 4 có khoảng 529 công ty đã công bố kết quả kinh doanh. Theo đó, tổng doanh thu và lợi nhuận của các công ty này tăng lần lượt 31,5% và hơn 68% so với cùng kỳ. VnDirect cho rằng, kết quả kinh doanh tích cực của các doanh nghiệp sẽ là động lực tăng trưởng cho thị trường.
Tuy vậy, ông Lã Giang Trung, thị trường chứng khoán chưa thật sự hấp dẫn để đầu tư trong lúc này. "Thị trường có thể còn giảm hơn nữa, tiếp tục điều chỉnh sau thời kỳ neo mức quá cao", ông Trung dự đoán.
VnDirect cũng lưu ý, căng thẳng Nga - Ukraine kéo dài và việc Trung Quốc giãn cách xã hội nghiêm ngặt làm tăng thêm lo ngại về sự gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Mặt khác, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh hơn và lạm phát trong nước cao hơn dự kiến có thể cản trở đà phục hồi kinh tế, khiến chính sách tiền tệ thắt chặt sớm hơn.
Về dòng tiền, VDSC nêu quan điểm thận trọng với nhóm nhà đầu tư cá nhân. Trong ngắn hạn, các nhà đầu tư cá nhân sẽ khó có thể quay trở lại thị trường với việc mua vào mạnh mẽ. Điều này do mùa kết quả kinh doanh kết thúc và ít tin tức hỗ trợ hơn.
Linh Đan
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam