Mới đây, Công ty CP DNP Holding (HNX: DNP) đã công bố thông tin về việc điều chỉnh kỳ hạn lô trái phiếu DNP2019-B001.
Đây là lô trái phiếu có tổng giá trị hơn 456 tỷ đồng, được phát hành vào 20/11/2019 với lãi suất 5%/năm, kỳ hạn trả lãi 6 tháng/lần. Trước điều chỉnh, lô trái phiếu này có kỳ hạn 4 năm, tương ứng ngày đáo hạn là 28/12/2023, có thể gia hạn 1 năm theo đề nghị của chủ sở hữu trái phiếu, tối đa là đến ngày 28/12/2024.
DNP Holding gia hạn lô trái phiếu 450 tỷ đồng thêm 7 tháng |
Sau điều chỉnh, lô trái phiếu DNP2019-B001 được DNP Holding gia hạn thêm 7 tháng, tương ứng ngày đáo hạn là 30/6/2024. Các điều kiện và điều khoản khác không thay đổi.
Thông tin điều chỉnh trái phiếu của DNP Holding |
Hiện tại, DNP Holding vẫn chưa công bố báo cái tài chính quý IV/2023. Theo báo cáo tài chính gần nhất của doanh nghiệp này, tại ngày 30/9/2023, tổng nợ vay ghi nhận ở mức 6.856 tỷ đồng, chiếm 44% tổng nguồn vốn. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thuyết minh chi tiết các khoản vay này.
Theo thông tin tình hình thanh toán lãi, gốc trái phiếu bán niên 2023 gần nhất mà DNP công bố trên Chuyên trang trái phiếu doanh nghiệp Cbonds, tính đến ngày 30/6/2023, ngoài lô trái phiếu DNP2019-B001, DNP Holding còn lưu hành 1 lô trái phiếu khác mang mã DNPH2025001 được phát hành ngày 27/11/2020 với tổng giá trị là 300 tỷ đồng, có kỳ hạn 5 năm, lãi suất 9,5%/năm. Với lô trái phiếu này, doanh nghiệp đã mua lại trước hạn 100 tỷ đồng nên giá trị lưu hành còn 200 tỷ đồng.
Tính tới ngày 30/9/2023, quy mô tài sản của DNP Holding đạt gần 15.600 tỷ đồng. Với quy mô vốn điều lệ chưa đến 1.200 tỷ đồng, phần lớn tài sản của doanh nghiệp hình thành từ nguồn vốn vay gần 7.000 tỷ đồng và lợi ích của cổ đông không kiểm soát là hơn 3.000 tỷ đồng.
Vay nợ lớn cũng khiến DNP Holding có tỷ suất lợi nhuận ròng thấp. Cụ thể, luỹ kế 9 tháng đầu năm 2023, mặc dù doanh thu thuần đạt hơn 5.300 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp này chỉ đạt 140 tỷ đồng, trong khi chi phí lãi vay phải trả lên đến gần 520 tỷ đồng. Dù vậy, nếu so với mục tiêu doanh thu đạt 8.432 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 124 tỷ đồng đã đề ra, chưa hết năm, doanh nghiệp này đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Cũng cần nói thêm, trong quý III/2023, DNP Holding vẫn tiếp tục chủ trương thoái vốn tại các công ty con. Tại thời điểm ngày 30/9/2023, doanh nghiệp này sở hữu 4 công ty con trực tiếp, 18 công ty con gián tiếp và 6 công ty liên kết, giảm 2 công ty con gián tiếp so với cuối quý II.
Kết quả kinh doanh quý gần nhất của DNP Holding |
Theo tìm hiểu, DNP Holding tiền thân là Công ty CP Nhựa đồng Nai, thành lập từ năm 1976 với mô hình công ty đầu tư. Năm 2004, doanh nghiệp này được cổ phần hoá với vốn điều lệ ban đầu là 3 tỷ đồng. Hai năm sau đó, Nhựa Đồng Nai chính thức niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) với mã giao dịch là DNP.
Năm 2012, cùng với sự gia nhập của doanh nhân Vũ Đình Độ, doanh nghiệp này bắt đầu tạo ra được những dấu ấn trên thị trường. Đáng chú ý, từ sau khi ông Độ tiếp quản vị trí Tổng Giám đốc vào năm 2014 rồi ngồi vào ghế Chủ tịch HĐQT, Nhựa Đồng Nai liên tục tăng vốn. Đây được xem là sự chuẩn bị tiềm lực tài chính theo đuổi thị trường cung cấp nước sạch.
Tới năm 2022, Nhựa Đồng Nai chính thức đổi tên thành DNP Holding, mà theo doanh nghiệp, điều này nhằm tạo thuận lợi cho quá trình kết nối với các đối tác chiến lược để tạo điều kiện giao dịch và kinh doanh theo định hướng phát triển của công ty. Với mô hình kinh doanh holding, DNP định hướng phát triển 4 lĩnh vực chính gồm: nước (DNP Water); vật liệu xây dựng (DongNai Water Pipes, DNP Hawaco), đồ gia dụng (Inochi) và bao bì (TanPhu Packaging, Dong Nai Packaging).
Tuy nhiên, năm 2023, doanh nghiệp này đã liên tục “đánh tiếng” về việc muốn thoái vốn tại các công ty con và công ty liên kết trong ngành nước, đặt ra rất nhiều thắc mắc cho cổ đông. Lý giải về điều này, lãnh đạo DNP Holding cho hay, đây là một phần trong chiến lược tinh gọn cơ cấu doanh nghiệp. Bằng cách thoái một số các đơn vị liên kết, các công ty quy mô nhỏ, DNP Holding sẽ tập trung nguồn lực cho các dự án, công ty quy mô lớn hơn. Bên cạnh đó, điều này cũng nhằm chuyển đổi mục tiêu, ưu tiên các công ty tiềm năng quy mô lớn, các dự án liên vùng, quy mô lớn ở TP.HCM như dự án Vùng 1 đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư với công suất 300.000 m3/ngày đêm tại Long An, Bến Tre, đã cơ bản mua được một số công ty ngành nước như Sài Gòn Water… Cuối cùng, với dự báo tình hình kinh tế vĩ mô sẽ có những khó khăn, lãi suất tăng, chủ trương thoái vốn cũng giúp giảm nợ.
"Sống khỏe" nhờ bán vốn công ty con, hệ sinh thái DNP Holding còn lại gì? Thuyết minh báo cáo tài chính quý II của Công ty CP DNP Holding (HNX: DNP) cho thấy, tại thời điểm ngày 30/6/2023, doanh nghiệp ... |
DNP Holding của doanh nhân Vũ Đình Độ bị xử phạt, truy thu thuế Công ty CP DNP Holding (HNX: DNP) vừa công bố thông tin quyết định xử phạt vi phạm thuế. Quyết định này đã được Thanh ... |
Thấy gì sau quyết định "thay vỏ, đổi tên" SVC Holdings của Tasco (HUT)? SVC Holdings chính thức đổi tên thành Tasco Auto không lâu sau màn M&A lịch sử giữa doanh nghiệp này và “trùm BOT” Tasco. Đây ... |
Hà Lê