Doanh nghiệp dược phẩm "đón sóng" chuyển đổi giữa kênh ETC và OTC? |
Sự trở lại của kênh ETC
Những năm gần đây, hầu hết các doanh nghiệp ngành dược đều có xu hướng chuyển dịch sản xuất từ kênh ETC (kênh bán trong bệnh viện) sang kênh OTC (kênh bán ngoài tiệm) xuất phát từ nhu cầu của người tiêu dùng Việt.
Từ sau năm 2013, quy định mới về chọn thuốc trúng thầu tại các bệnh viện lại ưu tiên thuốc “giá thấp”, dẫn đến việc phát triển kênh OTC có thể củng cố vị thế, đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thị trường và trở thành ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp.
Hơn nữa, khi các nhà thuốc bán lẻ “mọc lên như nấm” nhưng số lượng bệnh viện vẫn không tăng cũng khiến các doanh nghiệp dần “quay lưng” với kênh ETC vì khó thu hồi vốn.
Tuy nhiên, theo báo cáo phân tích của VDSC, thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc kéo dài xuyên suốt năm 2022 đã thúc đẩy cơ quan quản lý đưa ra biện pháp phát triển kênh ETC trong cả trung và dài hạn.
Ngay từ đầu năm, hàng hoạt các chính sách mới được ban hành nhằm đưa kênh ETC phát triển trở lại. Mặt khác, sự gia tăng về thị phần của kênh ETC và dịch COVID-19 đã đi qua khiến kênh OTC có tín hiệu giảm tốc.
Theo Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt - VDSC (HOSE: VDS) thống kê, năm 2022, tổng giá trị trúng thầu kênh ETC về mức 42.000 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó thuốc nội địa và thuốc ngoại lần lượt giảm còn 13.500 tỷ đồng và 28.600 tỷ đồng, tương đương giảm 21% và 5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 32% và 68%. Điều này đã gây ra tình trạng thiếu thuốc trong thời gian dài trên kênh ETC.
Theo VDSC thống kê, năm 2022, tổng giá trị trúng thầu kênh ETC về mức 42.000 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm ngoái. |
Ngay sau đó, hàng loạt những chính sách khơi thông tắc nghẽn cho kênh ETC đã liên tục được ban hành bởi thuốc kê đơn luôn có khả năng chữa trị tốt nhất trong bệnh viện. Trong ngắn hạn và trung hạn, Nhà nước đã ban hành Nghị quyết 80/2023/QH15, Nghị định 07/2023/ND-CP, Nghị quyết số 30/NQ-CP, Thông tư 06/2023/TT-BYT, Luật khám, chữa bệnh 15/2023/QH15 và Luật đấu thầu 2023 để giải quyết những vấn đề về cả ngắn hạn và dài hạn.
Với các chính sách giải quyết trong trung hạn, các Nghị định 07/2023/NĐ-CP, Nghị quyết 80/2023/QH15, Nghị quyết 30/2023/NQ-CP đã góp phần tháo gỡ những khó khăn về nguồn cung thuốc kê đơn cho các bệnh viện trên toàn quốc.
Tuy nhiên, VDSC cũng khuyến nghị, việc đưa ra chính sách đẩy mạnh kênh ETC quá nhanh có thể khiến bệnh viện, doanh nghiệp mất nhiều thời gian thích nghi với những chính sách mới. Hơn nữa, cạnh tranh giữa các doanh nghiệp ngày càng lớn khi liên tục chạy đua nâng cao chất lượng dây chuyền sản xuất.
Một tín hiệu tốt cho thấy, sau ban hành chính sách, hoạt động đấu thầu đã trở lại mạnh mẽ, lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, tổng giá trị trúng thầu đạt 27.500 tỷ đồng, tăng 85% so với cùng kỳ năm ngoái, thuốc nội địa và thuốc ngoại lần lượt đạt 7.000 tỷ đồng (tăng 37%) và 20.500 tỷ đồng (tăng 109%).
Qua đó, VDSC kỳ vọng kênh ETC sẽ tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng hai chữ số trong nửa cuối năm 2023 nhờ những chính sách mới đưa ra đã tháo gỡ nhiều vướng mắc đối với bệnh viện và doanh nghiệp sản xuất trong việc đấu thầu, gia hạn số đăng ký thuốc và thiết bị y tế.
Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của Nhà nước kỳ vọng sẽ kích thích các bệnh viện, cơ sở y tế mạnh dạn tổ chức đấu thầu, doanh nghiệp sản xuất có dư địa tăng giá thuốc đấu thầu phù hợp với điều kiện thị trường.
Mặc dù hiện nay, thuốc ngoại chiếm tỷ lệ lên tới 75% tổng giá trị trúng thầu thuốc trên kênh ETC đe dọa đến thị phần của thuốc nội địa nhưng các doanh nghiệp nội địa vẫn có những điểm tựa để tăng trưởng, cạnh tranh với thuốc ngoại nếu đảm bảo về khả năng điều trị, khả năng cung cấp và giá thuốc hợp lý.
Nhìn chung, những Nghị định, Thông tư và Luật sửa đổi cho thấy cơ quan quản lý đang hướng tới tạo điều kiện phát triển kênh ETC trong dài hạn, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội. VDSC nhận định, hoạt động đấu thầu thuốc sẽ diễn ra sôi nổi hơn trong năm 2024.
DBD, IMP và DHG “lọt” top doanh nghiệp ngành dược
Trong ngành dược hiện nay, VDSC đề cập tới 3 “ông lớn” tiêu biểu bao gồm: Công ty CP Dược - Trang thiết bị Y tế Bình Định (HOSE: DBD), Công ty CP Dược phẩm IMEXPHARM (HOSE: IMP) và Công ty CP Dược Hậu Giang (HOSE: HDG) với mức lãi cao trong nửa đầu năm 2023.
Theo báo cáo tài chính bán niên 2023, doanh thu thuần của DBD 6 tháng đầu năm đạt gần 820 tỷ đồng, lợi nhuận gộp đạt 397 tỷ đồng, tăng lần lượt 12,5% và 16% so với cùng kỳ năm ngoái. Do chi phí điều hành tăng cao nên lợi nhuận trước thuế quý 2 của Bidiphar đạt 176 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Như vậy, sau 2 quý đầu năm, DBD đã hoàn thành 45,6% chỉ tiêu doanh thu (1.800 tỷ đồng) và 58,7% chỉ tiêu lợi nhuận (300 tỷ đồng).
Với kết quả kinh doanh khả quan như trên, VDSC dự phóng doanh thu kênh OTC nửa cuối năm 2023 của DBD đạt 308 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Đến năm 2024, doanh thu kênh OTC là 634 tỷ đồng, tăng 8%, doanh thu kênh OTC giảm tốc so với giai đoạn 2020 – 2022.
Bên cạnh đó, sự xuất hiện của nhà đầu tư sẽ hỗ trợ về tài chính và công nghệ giúp DBD duy trì tăng trưởng trong dài hạn. DBD có dự án xây dựng hai nhà máy mới thuốc tiêm vô trùng và thuốc viên OSD theo tiêu chuẩn EU – GMP với số vốn đầu tư lên tới 1.600 tỷ đồng, trong đó 1.200 tỷ đồng dự kiến được thu từ việc phát hành cổ phiếu.
Trong 6 tháng đầu năm, IMP mang về 919 tỷ đồng doanh thu, tăng 37% so với cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận trước thuế đạt 199 tỷ đồng, tăng 59%. Năm 2023, Imexpharm đặt kế hoạch doanh thu đạt 1.750 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 350 tỷ đồng. Với kết quả này, IMP đã thực hiện được 53% chỉ tiêu doanh thu và 57% chỉ tiêu lợi nhuận.
VDSC cho rằng, kênh ETC là động lực tăng trưởng chính của IMP trong khi đó, kênh OTC lại giảm tốc khi nỗi lo về dịch COVID đã qua đi. Tuy nhiên, doanh thu của IMP có thể sẽ giảm tốc trên kênh ETC do tính chất chu kỳ của ngành dược. Nửa cuối năm 2023, VDSC dự phóng lợi nhuận sau thuế của IMP đạt 381 tỷ đồng, tăng 63% so với cùng kỳ.
Kênh ETC là động lực tăng trưởng chính của IMP trong khi đó, kênh OTC lại giảm tốc khi nỗi lo về dịch COVID đã qua đi. |
Còn đối với DHG, theo báo cáo tài chính soát xét bán niên năm 2023, doanh thu thuần 6 tháng đầu năm 2023 đạt 2.381 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái đạt. Lợi nhuận sau thuế đạt 624 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2022. Với kết quả đạt được của 6 tháng đầu năm 2023, DHG đã hoàn thành được 48% chỉ tiêu doanh thu (5.000 tỷ đồng) và 60% chỉ tiêu lợi nhuận (1.130 tỷ đồng).
Với kết quả kinh doanh khả quan như trên, VDSC cho rằng dù tốc độ tăng trưởng nhanh trong nửa đầu 2023, nhưng thị phần kênh OTC dự báo giảm tốc khiến lợi nhuận tăng trưởng chậm trong nửa cuối 2023. Trong khi đó, kênh ETC của DHG sẽ tiếp tục hưởng lợi nhờ chính sách.
VDSC khuyến nghị, DHG cần phải đầu tư tiêu chuẩn cao nhà máy Betalactam (kháng sinh) để duy trì phát triển và giữ vững sự tăng trưởng của các sản phẩm trụ cột. Đồng thời, kênh OTC có dấu hiệu bão hòa trong những năm trở lại đây khiến cho thị phần trên kênh OTC của DHG khó có thể bứt phá.
Chưa dừng lại ở đó, DHG có thị trường xuất khẩu nhiều tiềm năng với sự hỗ trợ của Taisho (công ty dược phẩm có thị phần lớn nhất kênh OTC tại Nhật Bản) sẽ giúp DHG tiến xa hơn ở thị trường quốc tế.
Về cổ phiếu ngành dược, VDSC đánh giá cổ phiếu ngành dược đã có chặng đường tăng giá bền bỉ khi hầu hết các công ty đều có bước tăng trưởng đột phá về lợi nhuận trong nửa đầu năm 2023. Theo đó, VDSC khuyến nghị mua 2 mã cổ phiếu DBD và IMP với mức giá lần lượt là 65.800 đồng/cp và 84.000 đồng/cp.
Ngành dược "lên hương", DNM vẫn nhận án hủy niêm yết bắt buộc DNM từng được coi là một trong những cổ phiếu "nóng" nhất sàn HNX khi cổ phiếu này có nhịp tăng gần 600% chỉ sau ... |
Imexpharm (IMP) "nhét hầu bao" cả tỷ đồng mỗi ngày, cao nhất lịch sử hoạt động Lũy kế 6 tháng đầu năm, Imexpharm (IMP) ghi nhận doanh thu đạt 920 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 200 tỷ đồng, lần ... |
Cổ phiếu ngành dược: Có đem lại "liều thuốc" tốt cho nhà đầu tư? Theo Agriseco, ngành dược được biết đến là ngành mang tính phòng thủ trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh ... |
Ngọc Bích