Doanh nghiệp sản xuất chip lớn nhất thế giới công bố lợi nhuận giảm sâu

24/01/2024 - 02:22
(Bankviet.com) Doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn hàng đầu Đài Loan (TSMC) mới đây công bố lợi nhuận ròng quý IV/2023 giảm 19,3% từ ngưỡng kỷ lục trước đó 1 năm.
tsmcapnews.jpeg
Ảnh: APNews

Tuy nhiên triển vọng thời gian tới có thể sáng sủa hơn bởi xuất hiện ngày một nhiều kỳ vọng về sự phát triển của điện toán trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ giúp làm gia tăng nhu cầu bán dẫn trong năm nay.

Lợi nhuận ròng tại doanh nghiệp sản xuất chip lớn nhất thế giới này trong quý IV/2023 giảm xuống còn 238,71 tỷ đôla Đài Loan, tương đương 7,5 tỷ USD tính trên doanh thu đạt 625,52 tỷ đôla Đài Loan, mức doanh thu này không thay đổi nhiều so với cùng kỳ năm trước.

Tổng doanh thu cả năm 2023 giảm 4,5% xuống còn 2,161 nghìn tỷ đôla Đài Loan, ghi nhận năm giảm doanh thu đầu tiên tính từ năm 2009.

Ngành công nghệ chật vật với khó khăn trong năm 2023, nguyên nhân chính bởi những thách thức trong kinh tế toàn cầu cũng như quá trình phục hồi của kinh tế Trung Quốc chậm hơn so với kỳ vọng ngay cả khi các biện pháp phong tỏa thời kỳ đại dịch COVID-19 đã được gỡ bỏ hoàn toàn.

Tuy nhiên, không ít chuyên gia tin rằng với sự phát triển mạnh của điện toán trí tuệ nhân tạo, với những tính năng đảm nhận được phần nào hoạt động của con người như ChatGPT, có lý do để hy vọng hoạt động kinh doanh của những doanh nghiệp như TSMC sẽ khá hơn trong thời gian tới.

Nhiều doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hoặc nhà vận hành trung tâm dữ liệu đã tham gia trong cuộc chạy đua để xây dựng máy chủ AI.

Từ cuối năm 2023, nhiều doanh nghiệp sản xuất điện thoại thông minh đã bắt đầu gia tăng dự trữ chip bởi họ tính đến khả năng nhu cầu sẽ phục hồi trong năm nay. Những nỗ lực ứng dụng AI vào máy tính và điện thoại thông minh dự kiến sẽ làm gia tăng nhu cầu của năm 2024.

TSMC là đối tác sản xuất quan trọng của tất cả các doanh nghiệp phát triển chip lớn nhất toàn cầu, trong đó bao gồm Apple, Nvidia, Qualcomm, Broadcom và MediaTek. Theo các chuyên gia ngành và chuyên gia phân tích, kết quả kinh doanh của TSMC có thể coi như “hàn thử biểu” của triển vọng ngành điện tử toàn cầu.

TSMC đang tính đến việc mở rộng trên quy mô toàn cầu tại Mỹ, Nhật và Đức bởi áp lực từ khách hàng liên quan đến việc đa dạng hóa hoạt động sản xuất nhằm làm tăng tính ổn định cho chuỗi cung ứng. Trong năm 2024, TSMC dự kiến cũng sẽ có thay đổi trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao. Chủ tịch Mark Liu vào cuối năm 2023 đã công bố ông sẽ về hưu vào cuối tháng 6/2024. Ông C.C. Wei dự kiến sẽ lên kế vị.

Các chip AI dự kiến sẽ mang đến động lực tăng trưởng quan trọng cho TSMC, theo chuyên gia phân tích Charlie Chan thuộc Morgan Stanley. Ông Chan dự báo các sản phẩm bán dẫn liên quan đến AI tới năm 2027 sẽ chiếm khoảng 15% doanh thu của TSMC, như vậy tốc độ tăng trưởng của riêng bộ phận này sẽ đạt đến 18%/năm.

Đài Loan trong thời gian gần đây thể hiện rõ ràng mục tiêu duy trì vị thế thống trị về sản xuất chip. Từ nhiều năm nay, giới chức quản lý đã hạ giá trị của đồng đô la Đài Loan nhằm hỗ trợ xuất khẩu (bao gồm cả chip) và trợ giá năng lượng và nước – hai thứ mà các nhà sản xuất chip tiêu tốn rất nhiều. Morris Chang, người đồng sáng lập TSMC, đã tiết lộ rằng ngay cả mạng lưới đường sắt cao tốc của Đài Loan cũng có thể đã được thiết kế với mục đích sản xuất chip, để cho phép công nhân di chuyển giữa các địa điểm sản xuất.

Kế hoạch mới nhất của Đài Loan sẽ hỗ trợ ngành thiết kế chip của Đài Loan - một lĩnh vực đang do các công ty Mỹ như AMD và Nvidia thống trị. MediaTek, nhà thiết kế lớn nhất của Đài Loan, mới xếp thứ năm trên thế giới về doanh số bán bản thiết kế. Tham vọng của họ là nâng tỷ trọng doanh thu thiết kế chip toàn cầu của Đài Loan từ 21% lên 40%.

Tháng 9/2023, Đài Loan đã công bố khoản trợ cấp 25 triệu USD để giúp các công ty bán dẫn vừa và nhỏ thiết kế những con chip kém tiên tiến hơn. Nhiều ưu đãi hơn sẽ được đưa vào kế hoạch 10 năm tiếp theo của Đài Loan dành cho ngành công nghiệp chip, dự kiến vào năm tới.

Đăng Tuấn

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ