Doanh nghiệp tự tính toán và công bố giá xăng dầu: Một mũi tên trúng hai đích!

15/07/2024 - 19:33
(Bankviet.com) Việc để doanh nghiệp tự tính toán và công bố giá xăng dầu là mũi tên trúng hai đích, vừa tạo sự cạnh tranh, vừa giúp giá được tính đúng, đủ, kịp thời.
Giá xăng dầu hôm nay ngày 14/7/2024: Giá dầu thế giới “đứt mạch” 4 tuần tăng tốc liên tiếp Kỳ vọng lớn ở Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu Doanh nghiệp tự tính toán, công bố giá xăng dầu: Bước đệm quan trọng cho mục tiêu thị trường hóa

Đó là nhận định của PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) trong cuộc trao đổi với Báo Công Thương về những điểm mới trong dự thảo Nghị định quản lý kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương xây dựng gửi Bộ Tư pháp thẩm định.

Dự thảo nghị định kinh doanh xăng dầu hiện đang được dư luận rất quan tâm. Trong đó cơ quan soạn thảo đã đưa ra nhiều quy định mới như cho phép doanh nghiệp tự tính toán và công bố giá bán lẻ, dựa trên các chi phí cố định đã được nhà nước công bố. Đây được cho là giải pháp quan trọng giúp giải nút thắt của cuộc khủng hoảng xăng dầu năm 2022 khi doanh nghiệp phản ánh nhà nước tính giá không sát nên doanh nghiệp bị lỗ. Quan điểm của ông về vấn đề này là gì?

Bộ Công Thương đang chủ trì xây dựng dự thảo nghị định về kinh doanh xăng dầu. Trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định này, bản thân tôi cũng nhiều lần được mời tham gia, đóng góp ý kiến để xây dựng dự thảo phù hợp với thực tế của thị trường xăng dầu hiện nay.

PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)
PGS.TS Ngô Trí Long - Chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính)

Về dự thảo lần này, cơ quan soạn thảo đã đưa ra nhiều điểm mới trong đó có phần công thức tính giá. Trước đây, Nhà nước quy định giá cơ sở (hay còn gọi là giá trần), giá này được Nhà nước tính đúng, tính đủ, nhưng chưa kịp thời nên đã gây bức xúc cho các thương nhân kinh doanh xăng dầu nhất là ở thời điểm năm 2022. Vì chưa được tính kịp thời nên không đảm bảo chi phí cho họ, dẫn đến tình trạng kinh doanh thua lỗ, cũng bởi lỗ nên thương nhân không nhập xăng dầu dẫn đến nguồn cung thiếu và gây ra tình trạng khủng hoảng xăng dầu thời điểm đó.

Do đó, một trong những điểm mới của dự thảo lần này là phép doanh nghiệp tự tính toán và công bố giá bán lẻ, dựa trên các chi phí cố định đã được Nhà nước công bố và sẽ phải kê khai giá, thông báo với cơ quan quản lý để giám sát. Vì sao vẫn phải dựa trên chi phí cố định của Nhà nước? Bởi vì hiện nay thị trường xăng dầu vẫn còn độc quyền về nhóm, có nghĩa là vẫn còn có những doanh nghiệp lớn - giữ vị trí thống lĩnh thị trường. Thế nên buộc Nhà nước vẫn phải quy định giá, nhưng đã khác với trước là Nhà nước không quy định mức cụ thể. Mà giờ, trong công thức tính giá, những chi phí có tính chất cố định thì Nhà nước quy định, còn những chi phí khác thì để cho doanh nghiệp tự quyết định nhưng vẫn trong khuôn khổ, mức độ mà Nhà nước cho phép.

Điều này sẽ là một mũi tên trúng hai đích, vừa tạo ra sự cạnh tranh thực sự, đồng thời tháo gỡ nút thắt quan trọng là việc tính giá sẽ được tính đúng, tính đủ, tính kịp thời cho doanh nghiệp.

Đối với với thương nhân phân phối, Bộ Công Thương tiếp tục đề xuất nhóm này chỉ được mua xăng dầu từ đầu mối, không được mua bán xăng dầu lẫn nhau nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng nguồn hàng, bảo vệ cho người tiêu dùng và bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Hiện nay, hệ thống kinh doanh xăng dầu của chúng ta đang được chia thành 3 cấp là thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối và thương nhân bán lẻ. Theo quy định của Nhà nước, thì thương nhân đầu mối tuyệt đối không được mua, bán lẫn nhau. Đây là quy định hoàn toàn đúng, bởi đây là những doanh nghiệp tạo nguồn, được phép nhập khẩu để cung ứng xăng dầu cho nền kinh tế nên không được phép mua lại lẫn nhau vì như vậy sẽ tạo ra nguồn cung ảo ảnh hưởng lớn đến thị trường.

Doanh nghiệp tự tính toán và công bố giá xăng dầu: Một mũi tiên trúng hai đích!
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, để doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu là một mũi tiên trúng hai đích (Ảnh minh hoạ)

Tương tự, thì dự thảo mới cũng quy định điều này đối với thương nhân phân phối. Mới đây, tôi tham gia cuộc họp về vấn đề ngày tại VCCI, nhiều thương nhân phân phối đã phản ứng gay gắt. Họ cho rằng, thương nhân phân phối mua lại của nhau không ảnh hưởng đến thị trường và phù hợp với luật pháp về tự do kinh doanh…

Tuy nhiên, tôi cho rằng, phản ứng của các thương nhân phân phối là không đúng, bởi xăng dầu là ngành hàng đặc biệt, có ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia, hoạt động kinh doanh xăng dầu là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Và trong hệ thống kinh doanh xăng dầu 3 cấp hiện nay, thì mỗi cấp có những chức năng, nhiệm vụ cũng như điều kiện kinh doanh riêng biệt, các doanh nghiệp cần phải đáp ứng đủ điều kiện và phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, tránh tình trạng mua đi bán lại lẫn nhau tạo ra nguồn cung ảo. Hơn nữa là khó kiểm soát nguồn gốc, chất lượng xăng dầu, gây thiệt hại cho thị trường cũng như nền kinh tế.

Ngoài những vấn đề nêu trên, ông có góp ý gì thêm đối với dự thảo nghị định này?

Được tham gia đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng dự thảo kinh doanh xăng dầu lần này, tôi thấy rằng, các cơ quan Nhà nước - đầu mối là Bộ Công Thương đã có rất nhiều cố gắng, cởi mở hơn trong việc tham vấn các ý kiến của giới chuyên gia. Dự thảo cũng được công bố rộng rãi và nội dung của dự thảo đã khá sát với tình hình kinh doanh xăng dầu hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Ngân Thương (thực hiện)

Theo: Báo Công Thương