Hoàng Anh Gia Lai, Đạt Phương, Minh Phú và Hoàng Anh Gia Lai là những cái tên “chiếm sóng” truyền thông tuần qua |
Theo loạt nghị quyết được công bố ngày 23/11, Hoàng Anh Gia Lai sẽ chào bán 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ với mệnh giá 10.000 đồng/cp, qua đó huy động 1.300 tỷ đồng để trả nợ trái phiếu, cơ cấu lại nợ và bổ sung nguồn vốn lưu động cho công ty con. Thời gian dự kiến triển khai là trong năm 2023 và/hoặc 2024, sau khi được UBCKNN chấp thuận.
Danh sách nhà đầu tư tham gia vào đợt phát hành cổ phiếu này gồm có hai tổ chức là Công ty CP Quản lý Quỹ Việt Cát, Công ty CP Chứng khoán LPBank và một nhà đầu tư cá nhân là ông Nguyễn Đức Quân Tùng. Cả ba nhà đầu tư nói trên đều không sở hữu cổ phiếu HAG nào trước đợt chào bán.
Trong đó, Công ty CP Quản lý quỹ Việt Cát – công ty quản lý quỹ chuẩn bị về tay Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank, HOSE: TPB) của đại gia Đỗ Minh Phú là nhà đầu tư tham gia nhiều nhất vào đợt phát hành cổ phiếu sắp tới của Hoàng Anh Gia Lai khi dự kiến mua vào 60 triệu cổ phiếu, tương ứng góp 600 tỷ đồng. Theo sau là Công ty CP Chứng khoán LP Bank - một thành viên thuộc hệ sinh thái Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank, HOSE: LPB) của “bầu” Thuỵ dự kiến mua 50 triệu cổ phiếu, tương ứng góp 500 tỷ đồng. Cuối cùng, ông Nguyễn Đức Quân Tùng dự kiến chi 200 tỷ đồng cho 20 triệu cổ phiếu HAG.
Ngày 21/11/2023, Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương (HOSE: DPG) đã thông qua kế hoạch cho công ty con là Công CP Thủy điện Đạt Phương Sơn Trà vay số tiền tối đa 500 tỷ đồng trong thời hạn 1 tháng nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh. Hai ngày sau, ngày 23/11/2023, Đạt Phương tiếp tục thông qua thế chấp cổ phiếu và toàn bộ các quyền lợi phát sinh từ số lượng cổ phiếu mà Tập đoàn nắm giữ tại Công ty CP Thuỷ điện Đạt Phương Sơn Trà để đảm bảo khoản vay trung dài hạn dự án Thuỷ điện Sơn Trà của chính công ty con này tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – Chi nhánh Thăng Long.
Cần biết, Thủy điện Đạt Phương Sơn Trà là doanh nghiệp chuyên về sản xuất và kinh doanh điện năng, được thành lập năm 2010, tại Quảng Ngãi, do Tập đoàn Đạt Phương nắm 68,3% vốn điều lệ. Đây cũng là chủ đầu tư của ba Nhà máy Thuỷ điện Sơn Trà 1A-1B-1C đình đám tại Quảng Ngãi. Báo cáo thường niên 2022 của Tập đoàn Đạt Phương ghi nhận, năm ngoái, Thủy điện Đạt Phương Sơn Trà mang về 503,17 tỷ đồng doanh thu và 236,75 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế - mức lợi nhuận cao nhất trong số các công ty con của Tập đoàn.
Trong khi đó, một doanh nghiệp khác thuộc hệ sinh thái Đạt Phương là Công ty CP Đạt Phương Hội An đã đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị phía Nam phường Phú Hải, TP. Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình. Dự án này có diện tích gần 29,7ha (không bao gồm phạm vi tuyến đường Phú Hải – Lương Ninh), đáp ứng quy mô dân số khoảng 3.165 người. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án là 1.866 tỷ đồng, ngoài ra chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 78 tỷ đồng.
Về Đạt Phương Hội An, doanh nghiệp được thành lập năm 2017 tại TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam, hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, hiện đang do Công ty CP Tập đoàn Đạt Phương (HOSE: DPG) nắm giữ 88,89% vốn điều lệ. Đây là chủ thương hiệu Casamia tại Khu đô thị dịch vụ Đồng Nà và Khu đô thị Võng Nhi. Theo báo cáo thường niên năm 2022 của Tập đoàn Đạt Phương, năm ngoái Đạt Phương Hội An ghi nhận doanh thu đạt 604,81 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 138,02 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao thứ trong số các công ty con của Tập đoàn Đạt Phương, chỉ sau Thủy điện Đạt Phương Sơn Trà.
Ngày 22/11/2023, chuyên trang thông tin và dữ liệu kinh doanh thuỷ sản Undercurrent News tiết lộ, Công ty CP Công nghệ Otanics - đơn vị thành viên của Công ty CP Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú (UPCoM: MPC) đang đàm phán với các nhà đầu tư để huy động 10 triệu USD cho kế hoạch mở rộng hoạt động tại thị trường quốc tế. Doanh nghiệp này dự định kết thúc đợt huy động vốn trong quý I/2024.
Sản phẩm mà Otanics sử dụng để “tiến công” thị trường quốc tế là Tomota - ứng dụng trí tuệ nhân tạo và internet kết nối vạn vật để giám sát hoạt động của ao nuôi. Trước đó, hệ thống này đã hiện diện tại các trang trại giống của nước ngoài như Thái Lan, Indonesia, Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ecuador...
Hai ngày sau đó, “vua tôm” Minh Phú (UPCoM: MPC) lại tiếp tục thu hút sự quan tâm của dư luận khi phê duyệt chủ trương dự án Đầu tư xây dựng Nhà ở xã hội ở xã Khánh An, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau.
Dự án nhà ở xã hội của Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú có diện tích 17,67 ha, đáp ứng quy mô dân số 3.200 – 3.800 người. Tổng vốn đầu tư dự án là gần 633 tỷ đồng. Trong đó, chi phí thực hiện dự án là hơn 619 tỷ đồng chi phí thực hiện dự án, còn lại là chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.
Đáng chú ý, trước khi Thuỷ sản Minh Phú công bố kế hoạch làm dự án nhà ở xã hội tại Cà Mau, đầu tháng 11/2023, Tập đoàn đã thông báo tổ chức ĐHĐCĐ bất thường nhằm thông qua việc bổ sung ngành nghề kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê.
Liên quan đến vấn đề này, Tổng giám đốc Thuỷ sản Minh Phú Lê Văn Quang cho hay, doanh nghiệp dự kiến làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân chứ không kinh doanh bất động sản.
Ngày 20/11/2023, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland, HOSE: NVL) có động thái đầu tiên đối với Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley - chủ đầu tư dự án Aqua Waterfront City thuộc tổng thể Khu đô thị sinh thái thông minh Aqua City của Tập đoàn này.
Theo đó, Novaland điều chỉnh giá trị vốn hợp tác kinh doanh với Đà Lạt Valley từ 6.608 tỷ đồng xuống còn 5.608 tỷ đồng; điều chỉnh khoản bảo đảm từ 5.423 tỷ đồng xuống còn 4.423 tỷ đồng.
Ba ngày sau đó, ngày 23/11/2023, Novaland quyết định thông qua việc sử dụng toàn bộ phần vốn góp 2.000 tỷ đồng của Tập đoàn tại Đà Lạt Valley để đảm bảo cho nghĩa vụ khoản cấp tín dụng tối đa 3.600 tỷ đồng của chính công này tại VPBank. Mục đích vay là để tài trợ bù đắp chi phí phát triển Dự án Khu đô thị Aqua Waterfront City.
Ngoài ra, trong tuần này, Novaland cũng đón một loạt tin vui liên quan đến các dự án tại Đồng Nai và Lâm Đồng. Chiều ngày 22/11/2023, Tập đoàn này đã có cuộc họp với Thường trực Chính phủ về 3 vấn đề tại tỉnh Đồng Nai, trong đó có nội dung tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong triển khai các dự án tại phân khu C4, thuộc xã Long Hưng và một phần phường Tam Phước, TP. Biên Hòa liên quan tới Novaland và một số doanh nghiệp.
Còn tại Lâm Đồng, UBND tỉnh này cũng đã có văn bản gửi Sở Xây dựng, UBND TP. Bảo Lộc, UBND huyện Bảo Lâm kiểm tra, giải quyết kiến nghị của Novaland liên quan đến dự án Khu đô thị phức hợp du lịch nghỉ dưỡng kết hợp vui chơi giải trí Cao Nguyên Lâm Viên trị giá 10 tỷ USD của Tập đoàn này.
"Ông trùm" của Vinamilk và REE mạnh tay đầu tư 350 triệu USD vào trái phiếu của THACO Tập đoàn Jardine Cycle & Carriage hiện đang là cổ đông lớn tại Công ty CP Cơ điện lạnh (tỷ lệ sở hữu 34,5%), THACO ... |
Kinh doanh gặp khó, một doanh nghiệp thép phải cắt giảm nhân sự, cổ phiếu liên tục lao dốc Để có thể duy trì hoạt động sau thời gian dài làm ăn thua lỗ, Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (HOSE: SMC) ... |
Vinaconex (VCG) mua hết số cổ phiếu “ế”, Vinaconex 25 (VCC) hoàn tất tăng vốn gấp đôi Vinaconex đã mua hết 1,15 triệu cổ phiếu chưa chào bán hết trong đợt phát hành trước đó của Vinaconex 25, qua đó giúp công ... |
Thái Hà