Doanh nghiệp xuất khẩu bội thu đơn hàng từ hội chợ Đồng hành và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu |
Hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các địa phương đóng góp kim ngạch xuất khẩu lớn đang đối mặt đà sụt giảm mạnh. 7 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 195,42 tỷ USD, giảm 10,3% so với cùng kỳ 2022. Dữ liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, riêng tại khu vực phía Nam, nhiều địa phương có kim ngạch xuất khẩu chục tỷ USD là TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, đều bị sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh giảm tới hơn 5 tỷ USD so với cùng kỳ 2022 (đạt 19,95 tỷ USD).
Tổng cầu thế giới giảm, doanh nghiệp gặp khó trong tìm kiếm đơn hàng, tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, những tháng cuối năm 2023 xuất khẩu vẫn có những cơ hội để lấy lại đà tăng trưởng.
Ông Nguyễn Đặng Hiến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, những tháng đầu năm, tình hình kinh tế trong nước và quốc tế gặp nhiều khó khăn khiến các doanh nghiệp cũng gặp khó. Nhiều doanh nghiệp gỗ, thủy sản, dệt may, da giày… đơn hàng sụt giảm mạnh.
Với các doanh nghiệp trong ngành lương thực thực phẩm 6 tháng đầu năm mặc dù tăng trưởng hơn 20%. Tuy nhiên, các doanh nghiệp gặp thách thức khăn do giá thành nguyên liệu đầu vào tăng cao hơn giá bán. Giá nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, song giá bán ra chỉ tăng 3-5% khiến doanh nghiệp gặp khó.
Dự báo những tháng cuối năm, tình hình kinh tế trong nước và thế giới vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức do kinh tế thế giới suy thoái, lãi suất tăng cao… khiến đơn hàng sụt giảm.
Doanh nghiệp kỳ vọng vào đà tăng trưởng cuối năm |
Trong bối cảnh đó, doanh nghiệp phải tìm lối đi riêng. Điển hình như với Birdico, những tháng đầu năm, hoạt động kinh doanh vẫn tăng trưởng hơn 26%. Kết quả này bên cạnh sản xuất hàng hóa doanh nghiệp còn gia công sản phẩm. Trung bình 1 tháng doanh nghiệp gia công khoảng 3 triệu sản phẩm. Đến tháng 9 sẽ gia công khoảng 9 triệu sản phẩm. Việc này giúp doanh nghiệp ổn định được hoạt động sản xuất, duy trì việc làm cho người lao động.
Cùng với đó, mặc dù thị trường trong nước có tín hiệu tích cực, song thực tế lại đang đi xuống. Do đó doanh nghiệp phải đẩy mạnh xuất khẩu. Dù vậy hiện nay thị trường châu Âu vẫn rất khó khăn, người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu do tác động từ lạm phát và xung đột Nga - Ukraine. Do đó, doanh nghiệp, các đơn vị xúc tiến thương mại cần nhắm đến các thị trường đang bình yên, ít bị ảnh hưởng bởi xung đột như Trung Quốc, Ấn Độ… các nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong khi đó, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, nửa đầu năm, rau quả là một trong những mặt hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng cao. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, nửa đầu tháng 7/2023, xuất khẩu rau quả cả nước đạt gần 240 triệu USD, ước cả tháng 7/2023 khoảng 475,5 triệu USD, giảm 28,2% với tháng trước và tăng 90,7% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 3,16 tỷ USD, tăng gần 70% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, rau quả là mặt hàng có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất của ngành nông, lâm, thủy sản.
Tuy nhiên, để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này, Bộ Công Thương cần tăng cường công tác xúc tiến thương mại để các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam có dịp được tiếp xúc trực tiếp với các công ty, tập đoàn mua ra quả lớn trên thế giới để tiến hành các hợp đồng mua bán rau quả tươi cũng như chế biến.
Bên cạnh đó, phát huy tối đa vai trò của hệ thống các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài - một kênh trao đổi thông tin trực tiếp, thống nhất và nhanh nhất với các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương cùng các cơ quan bộ, ngành Trung ương khác, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên cả nước trong việc nghiên cứu, đánh giá thị trường, các cơ chế chính sách mới về kinh tế, thương mại, đầu tư của nước sở tại, hỗ trợ xuất khẩu nhanh chóng, hiệu quả những mặt hàng nông sản khi vào vụ thu hoạch.
Đồng thời, kết hợp với các đơn vị, cơ quan hữu quan để dự báo thị trường, giúp doanh nghiệp có nhiều kiến thức trong lĩnh vực ngoại thương. Tuyên truyền chủ trương, đường lối chính sách của Nhà nước để Hiệp hội, doanh nghiệp nắm vững.
Với thị trường trong nước, nhiều mặt hàng trái cây mùa vụ như xoài, bơ, thanh long… chủ yếu xuất khẩu qua Trung Quốc. Như mặt hàng thanh long, do mang tính mùa vụ nên từ tháng 6 đến 12 hằng năm, Trung Quốc có thanh long nội địa nên nhu cầu nhập khẩu ít. Do đó, phải kích cầu tiêu dùng nội địa, tăng niềm tin của người tiêu dùng Việt để làm bệ đỡ cho thị trường, tránh rớt giá quá sâu khi xuất khẩu gặp trục trặc.
Cùng với những nỗ lực của doanh nghiệp, Bộ Công Thương cũng đang rốt ráo tổ chức chuỗi sự kiện “Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế” (Viet Nam International Sourcing 2023) tại TP. Hồ Chí Minh vào tháng 9/2023.
Sự kiện dự kiến thu hút 8.000 lượt khách tham quan, giao dịch với 150 đoàn quốc tế đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ban tổ chức cũng phối hợp với các địa phương để đưa các đoàn thu mua về khảo sát doanh nghiệp tại một số địa phương.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, sự kiện kỳ vọng hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp trong nỗ lực tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu, xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài; đầu tư bài bản để đổi mới quá trình sản xuất từ nguồn nguyên liệu đầu vào tới máy móc thiết bị, thông qua đó sản xuất ra các sản phẩm có nhiều giá trị gia tăng với chất lượng tốt.
Hà Duyên