Theo báo cáo ngành bất động sản nhà ở do VIS Rating công bố, doanh số bán hàng bất động sản tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh trong quý III/2024 đã đạt mức tăng ấn tượng 48% so với quý trước. Đây là mức tăng cao nhất trong 4 quý qua, đánh dấu sự phục hồi rõ nét của thị trường. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi nhu cầu nhà ở mạnh mẽ, tỷ lệ hấp thụ cao, cùng mức tăng trưởng cho vay mua nhà đạt 7%, vượt xa mức 1% của năm 2023.
Hình minh họa |
Tuy nhiên, mặc dù doanh số bán hàng phục hồi từ đầu năm 2024, hầu hết các chủ đầu tư vẫn đối mặt với nhiều khó khăn trong việc đạt mục tiêu lợi nhuận. VIS Rating nhận định rằng, hơn 60% chủ đầu tư có nguy cơ không hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2024. Nguyên nhân chính đến từ lượng bàn giao thấp, hệ quả từ doanh số bán hàng yếu của năm 2023. Doanh thu và lợi nhuận trong 9 tháng đầu năm 2024 của các chủ đầu tư được theo dõi bởi VIS Rating lần lượt giảm 20% và 43% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều chủ đầu tư lớn như VHM, NLG, KDH, AGG và HDC đã ghi nhận sự tăng trưởng doanh số bán hàng, đặc biệt ở phân khúc cao cấp. Tuy nhiên, lợi nhuận vẫn chịu áp lực lớn bởi chi phí phát triển dự án và tỷ lệ bàn giao thấp. Kỳ vọng giá nhà tăng, kết hợp với việc giảm mức thanh toán trước khi mua nhà, đã thúc đẩy tâm lý tích cực của người mua, nhưng vẫn chưa đủ để cải thiện toàn diện tình hình tài chính của các chủ đầu tư.
Một điểm sáng khác của thị trường đến từ việc Chính phủ tăng cường hỗ trợ pháp lý cho các dự án bất động sản. Trong quý III/2024, hơn 20 nghị định và thông tư được ban hành nhằm hướng dẫn thực hiện các Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi. Các quy định mới này không chỉ giúp các chủ đầu tư có hướng dẫn rõ ràng hơn trong việc triển khai dự án mà còn thúc đẩy việc phát triển và bán hàng từ năm 2025. Nỗ lực đẩy nhanh phê duyệt pháp lý từ đầu năm 2024 đã dẫn đến sự gia tăng các dự án được cấp phép và đủ điều kiện bán hàng trong quý III/2024.
Về khả năng thanh toán nợ, VIS Rating cho rằng dù vẫn ở mức yếu, nhưng dòng tiền của các chủ đầu tư có thể được cải thiện nhờ doanh số bán hàng tăng. Hiện tại, hơn một nửa các chủ đầu tư được theo dõi có hồ sơ đòn bẩy cao, khả năng trả nợ yếu. Tăng trưởng nợ vay dự báo sẽ tiếp tục chậm lại, từ mức cao 15%/năm trong giai đoạn 2022-2023, giúp kiểm soát mức đòn bẩy của ngành. Với triển vọng tích cực về doanh số bán hàng và dòng tiền, tỷ số bao phủ nợ của các chủ đầu tư được kỳ vọng sẽ dần cải thiện.
VIS Rating nhấn mạnh rằng, những nỗ lực của Chính phủ trong việc hoàn thiện khung pháp lý cùng nhu cầu nhà ở ổn định sẽ là yếu tố then chốt giúp thị trường bất ađộng sản duy trì đà phục hồi trong năm 2025 và những năm tiếp theo. Các chủ đầu tư cần tận dụng các chính sách hỗ trợ và xu hướng tích cực để cải thiện doanh số, dòng tiền, và khả năng thanh toán nợ, từ đó củng cố niềm tin của nhà đầu tư vào thị trường.
Kinh doanh khởi sắc, Xây dựng CDC lập công ty mới Xây dựng CDC vừa công bố đầu tư 57,25 tỷ đồng thành lập Công ty CP Đầu tư CDCLEASING, có trụ sở tại Bắc Ninh. ... |
Chứng khoán phiên sáng đầu tuần khởi sắc, cổ phiếu POW bất ngờ tăng kịch trần Thị trường chứng khoán phiên sáng đầu tuần tăng tương đối tích cực, với động lực chính tới từ nhóm VN30 nói chung và cổ ... |
Phạm Hường