Doanh thu Q1/2023 tiếp tục giảm, ngành phân bón đã qua giai đoạn khó khăn?

05/05/2023 - 23:25
(Bankviet.com) Hai doanh nghiệp đầu ngành phân bón vừa công bố báo cáo tài chính Q1/2023 với điểm chung là sự sụt giảm về doanh thu cũng như lợi nhuận so với cùng kì.

Tổng Công ty Phân bón và Hoá chất Dầu khí (HOSE: DPM) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2023. Đáng chú ý, doanh thu thuần đạt 3.265 tỷ đồng, giảm 44% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, doanh thu trong nước chiếm tỷ trọng lớn tới 80% tương đương 2.619 tỷ đồng.

DPM lãi gộp 523 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ, biên lợi nhuận gộp giảm xuống còn 16% trrong khi quý 1/2022, biên lợi nhuận gộp của DPM là 48,4%. Doanh thu tài chính tăng 50% lên hơn 70 tỷ đồng. Tất cả các chi phí tài chính, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp đều giảm so với cùng kỳ.

Doanh thu Q1/2023 tiếp tục giảm, ngành phân bón đã qua giai đoạn khó khăn?
BCTC Q1/2023 Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí.

Kết quả, DPM lãi trước thuế 301 tỷ đồng, lãi sau thuế 262 tỷ đồng, giảm 88% so với mức lãi kỷ lục của cùng kỳ năm 2022, đồng thời là mức lãi thấp nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.

Tính đến ngày 31/3/2022, tổng tài sản của DPM ở mức 15.772 tỷ đồng, giảm 11% so với thời điểm đầu năm. Về phía nguồn vốn, nợ phải trả giảm gần 584 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm, ở mức 3.098 tỷ đồng, tổng nợ vay giảm 70 tỷ còn 637 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ở mức 12.674 tỷ đồng.

Cùng thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HOSE: DCM) cũng báo lãi sau thuế quý 1/2023 giảm 85% so với cùng kỳ 2022.

Sau khi loại bỏ các khoản giảm trừ doanh thu, doanh thu thuần hợp nhất của DCM đạt 2.734 tỷ đồng, giảm 32% so với mức 4.074 tỷ đồng ghi nhận tại quý 1/2022, chủ yếu do giá bán sản phẩm ure trong quý của công ty mẹ giảm mạnh.

DCM lãi gộp giảm còn 568,7 tỷ đồng, giảm 71% so với mức 1.977 tỷ đồng trong quý I/2022. Biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 48,5% xuống còn 20,7%. Doanh thu hoạt động tài chính của DCM tăng 71% so với quý 1/2022, đạt 118 tỷ đồng. Chi phí tài chính lại giảm từ 19,7 tỷ đồng xuống còn 8,9 tỷ đồng, tương ứng giảm 54%. Chi phí bán hàng trong quý của DCM tăng 55% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 276 tỷ đồng…

Khấu trừ các khoản chi phí, lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp đạt 229,6 tỷ đồng, giảm 84% so với cùng kỳ 2022. Đây là mức lãi thấp nhất theo quý của Đạm Cà Mau trong vòng 2 năm qua, kể từ quý I/2021.

Điểm chung dẫn tới sự sụt giảm thu của hai doanh nghiệp chính sự sụt giảm mạnh của giá phân URE. Theo DCM, giá bán bình quân sản phẩm ure trong quý I/2023 giảm hơn 32% so với cùng kỳ. Chi phí giá vốn và chi phí bán hàng tăng cũng ảnh hưởng đến lợi nhuận sau thuế doanh nghiệp. Còn theo DPM, giá bán và sản lượng kinh doanh mặt hàng phân bón quý 1/2023 giảm so với cùng kỳ năm trước (đặc biệt giá bán ure giảm 44%) đồng thời giá khí tăng so với cùng kỳ dẫn đến lợi nhuận quý 1 giảm.

Doanh thu Q1/2023 tiếp tục giảm, ngành phân bón đã qua giai đoạn khó khăn?
Diễn biến giá URE.

Nhận định về triển vọng kinh doanh của ngành phân bón trong thời gian tới, Công ty CP Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng:

Tình hình thời tiết trong nửa đầu năm 2023 được dự báo sẽ thuận lợi cho việc canh tác nông nghiệp. Hiện tượng La Nina, dù đang có xu hướng yếu đi, sẽ tiếp tục kéo dài trong vài tháng tới trước khi bước vào giai đoạn trung tính và giúp cho lượng mưa tại khu vực đồng bằng Bắc Bộ cao hơn từ 5-10% và khu vực Nam Bộ cao hơn từ 10-20% so với trung bình nhiều năm. Mặc dù vậy, trước những biến động do tình hình chính trị bất ổn trên thế giới cộng với nhu cầu tiêu thụ suy yếu do tác động của chính sách tiền tệ thắt chặt, việc kinh doanh và xuất khẩu các mặt hàng nông sản được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo dự phóng của Bloomberg, giá ngô, đậu nành và gạo được dự báo giảm lần lượt 6.8%, 11.8% và 8.7% trong năm nay trước khi tiếp tục xu hướng giảm trong giai đoạn 2024-2026. Trong khi đó, giá lúa mỳ sẽ vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao trước dự báo thu hoạch lúa mỳ tiếp tục giảm trên 50% so với 2022 do ảnh hưởng của cuộc xung đột.

Việc kinh doanh phân bón theo đó cũng sẽ gặp rất nhiều trở ngại do giá các loại vật tư nông nghiệp hiện vẫn đang duy trì ở mức cao so với thời điểm trước Covid-19 trong bối cảnh cầu tiêu thụ suy yếu. Mặc dù giá ure và DAP đã giảm lần lượt 65% và 38% từ vùng đỉnh thiết lập hồi tháng 4/2022, giá các mặt hàng phân bón hiện vẫn đang cao hơn từ 30-60% so với mặt bằng giá giai đoạn 2018- 2019. Trong bối cảnh nguồn cung có xu hướng gia tăng trở lại sau khi Trung Quốc bãi bỏ lệnh cấm xuất khẩu, giá các phân bón được dự báo sẽ tiếp tục xu hướng giảm trong năm 2023 trước khi thiết lập một mặt bằng giá cân bằng hơn.

Tính đến thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu DCM và DPM đồng loạt giảm mạnh trên 50% so với vùng giá đỉnh hồi tháng 4/2022. Xét trên góc độ phân tích kĩ thuật, cổ phiếu DCM và DPM đều đang có tín hiệu tạo đáy ở trên hỗ trợ mạnh và chưa có dấu hiệu giảm thêm.

Doanh thu Q1/2023 tiếp tục giảm, ngành phân bón đã qua giai đoạn khó khăn?
Diễn biến giá cổ phiếu DCM.
VNDirect gợi ý 6 cổ phiếu mang đến cơ hội đầu tư cho tháng 5

Trong báo cáo chiến lược tháng 5 của Công ty CP Chứng khoán VNDirect, thị trường điều chỉnh mở ra cơ hội tốt để mua ...

DIC Corp (DIG): Cổ phiếu hồi phục tốt, người thân Chủ tịch thoái bớt vốn công ty

Mới đây, DIC Corp cũng vừa thông qua ngày 24/5 sẽ chốt danh sách cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên ...

Kinh doanh khởi sắc, cổ phiếu ACB được dự báo có lãi 21% sau 12 tháng

Ngân hàng TMCP Á Châu (HOSE: ACB) ghi nhận kết quả kinh doanh tăng trưởng khả quan trong quý 1/2023 đến từ sự tăng trưởng ...

Thành An

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán