Đồng Yên trượt xuống mức 150 Yên/USD, làm phức tạp thêm quyết định về thời điểm tăng lãi suất của Nhật Bản

17/02/2024 - 04:25
(Bankviet.com) Đồng Yên suy yếu qua ngưỡng 150 Yên/USD lần đầu tiên kể từ tháng 11 năm ngoái, khiến các quan chức Nhật Bản phải có những phản ứng mạnh mẽ nhất trong nhiều tháng tới, do lạm phát ở Mỹ nóng hơn dự kiến ​​đã làm tiêu tan những kỳ vọng vào việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ sớm cắt giảm lãi suất.

Đồng tiền của Nhật Bản tăng khoảng 0,2% lên 150,53 so với đồng USD lúc 3 giờ chiều thứ Tư (14/2) tại Tokyo sau khi giảm 1% qua đêm, mức trượt giá lớn nhất trong 10 loại tiền tệ của nhóm G10 so với đồng USD. Giá cả ở Mỹ tiếp tục mạnh lên làm dấy lên suy đoán rằng FED sẽ cần giữ lãi suất ở mức cao nhất trong hai thập kỷ trong vài tháng nữa, thúc đẩy sự hấp dẫn tương đối của việc nắm giữ đồng USD có lãi suất cao.

Động thái về tỷ giá hối đoái này đã khiến các quan chức tiền tệ cấp cao nhất của Tokyo đã đưa ra một loạt cảnh báo bằng lời nói.

“Một số động thái nhanh gần đây phù hợp với các nguyên tắc cơ bản, nhưng một số rõ ràng là mang tính suy đoán, đầu cơ. Tôi nghĩ yếu tố thứ hai là điều không mong muốn”, Thứ trưởng Tài chính phụ trách các vấn đề quốc tế Masato Kanda phát biểu.

“Các nhà chức trách sẵn sàng phản hồi 24 giờ một ngày, 365 ngày một năm,” ông nói thêm, trong phát biểu mạnh mẽ nhất về tiền tệ kể từ tháng 11 năm ngoái. Ông nói thêm rằng mức dao động 10 yên trong một tháng được coi là nhanh.

Bình luận của ông đã được Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki củng cố ngay sau đó. Lợi suất trái phiếu 10 năm của Nhật Bản nhanh chóng chạm mức 0,765%, mức cao nhất kể từ giữa tháng 12, cho thấy các nhà đầu tư nhìn thấy nhiều cơ hội về động thái sớm tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).

Trong khi đồng Yên yếu hơn đã giúp thúc đẩy lạm phát và mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu, các nhà hoạch định chính sách Nhật Bản đang cảnh giác trước những động thái giảm giá mạnh, có thể phá vỡ nền kinh tếthị trường.

Không vội vàng

Đồng Yên chịu áp lực mới sau khi Phó Thống đốc BOJ Shinichi Uchida tuần trước cho biết rằng sẽ khó có thể thấy ngân hàng trung ương này tăng lãi suất chính sách nhanh và liên tục. Đồng tiền của Nhật Bản đã giảm hơn 23% trong hai năm qua, nhiều hơn bất kỳ loại tiền tệ chủ chốt nào đã được Bloomberg theo dõi.

Phó Thống đốc Uchida cũng nói rằng các điều kiện tài chính sẽ duy trì tính hỗ trợ – quan điểm này cũng được Thống đốc Kazuo Ueda bày tỏ – ngay cả sau khi BOJ chấm dứt chính sách lãi suất âm, dựa trên triển vọng hiện tại của nền kinh tế và lạm phát.

Keiichi Iguchi, chiến lược gia cấp cao tại Resona Holdings Inc., cho biết: “Mặc dù các nhà chức trách đã sử dụng giọng điệu khá mạnh mẽ nhưng thị trường lại nhận thấy phản ứng tương đối im lặng, điều này cho thấy chỉ có hành động thực sự mới có thể ngăn chặn động thái giảm giá này. Khi đồng Yên giảm xuống qua ngưỡng 150 Yên/USD sẽ có những cảnh báo bằng lời nói, còn hành động thực sự có thể được nhìn thấy khi và nếu đồng Yên suy yếu qua ngưỡng 152 Yên/USD.”

Đồng Yên đã giảm hơn 6% so với đồng USD từ đầu năm 2024 đến nay, trở thành đồng tiền mất giá nhiều nhất trong số các đồng tiền trong nhóm G10. Đồng tiền của Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất là 150,89 vào ngày 13/2, giảm 3,5% so với đồng Euro, cũng là thành tích tệ nhất trong số các quốc gia phát triển.

Các cơ quan quản lý Nhật Bản đã can thiệp thị trường ngoại hối vào tháng 9 và tháng 10/2022, trong nỗ lực đầu tiên nhằm hỗ trợ đồng Yên kể từ năm 1998 và đã chi khoảng 9 nghìn tỷ Yên (60 tỷ USD).

Thị trường thực sự chuẩn bị cho sự tăng giá của đồng Yên do kỳ vọng Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ rời bỏ chính sách lãi suất âm, nhưng cơ quan này sẽ không vội làm điều đó và sẽ không lao vào một chu kỳ bình thường hóa kéo dài.” Tom Nakamura, nhà quản lý danh mục đầu tư tại AGF Investments Inc., cho biết thêm rằng những kỳ vọng về sức mạnh của đồng Yên dựa trên hành động của ngân hàng trung ương nước này sẽ bắt đầu không còn nữa.

Các quan chức Nhật Bản thường đưa ra cảnh báo bằng lời nói khi biến động tiền tệ biến động, trước khi thực sự can thiệp vào thị trường ngoại hối để khắc phục những thay đổi nhanh chóng được coi là không phản ánh các nguyên tắc kinh tế cơ bản.

Nhật Bản đã vài lần can thiệp thị trường bằng cách mua vào đồng Yên trong năm 2022 nhưng kể từ đó chưa thấy thêm động thái nào nữa.

Đồng Yên yếu đã giáng một đòn mạnh vào Nhật Bản vốn đang khan hiếm tài nguyên thông qua đẩy giá năng lượng và nguyên liệu thô nhập khẩu, từ đó đẩy nhanh lạm phát.

Điểm yếu mới của đồng Yên xuất hiện khi thị trường tài chính đang kỳ vọng BOJ, vốn đã cam kết sâu sắc về việc nới lỏng tiền tệ, sẽ rời bỏ chính sách lãi suất âm trong những tháng tới.

Thống đốc BOJ Kazuo Ueda cho biết, các điều kiện tiền tệ sẽ vẫn ở trạng thái hỗ trợ ngay cả khi lãi suất âm kết thúc, một lập trường rõ ràng đã hỗ trợ cho thị trường chứng khoán Nhật Bản và sự suy yếu của đồng Yên.

Hầu hết những người theo dõi BOJ đều kỳ vọng Thống đốc Kazuo Ueda sẽ quyết định tăng lãi suất chính sách vào tháng 3 hoặc tháng 4 tới. Việc tăng lãi suất sớm hơn có thể mang lại sự hỗ trợ nhanh hơn cho đồng Yên, nhưng các nhà kinh tế chỉ ra rằng ngân hàng trung ương sẽ không muốn tạo ấn tượng rằng họ chỉ đơn giản là phản ứng trước những biến động của thị trường.

Yuichi Kodama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Meiji Yasuda, cho biết: “Không còn nghi ngờ gì nữa, đồng Yên đã trở thành một yếu tố quan trọng hơn để chấm dứt chính sách lãi suất âm”. “Tôi không loại trừ khả năng dỡ bỏ chính sách lãi suất âm vào tháng 3, nhưng kịch bản cơ sở của tôi vẫn là tháng 4 miễn là đồng Yên vẫn ở quanh mức này.”

Đồng Yên đã giảm khoảng 6,4% trong năm nay so với đồng USD, mức giảm mạnh nhất trong số các loại tiền tệ chính.

Takeshi Minami, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin, dự kiến ​​xu hướng tiền tệ sẽ đổi hướng vào một thời điểm nào đó vào cuối năm nay khi FED tiến tới cắt giảm lãi suất và BOJ tăng lãi suất.

Ông Minami nói: “Tôi không mong đợi đồng Yên sẽ giảm nhiều như vậy kể từ đây, vì vậy khó có khả năng BOJ sẽ vội vàng bỏ lãi suất âm chỉ vì đồng Yên”.

BOJ đã giảm bớt hạn chế lợi suất trái phiếu bằng ba lần điều chỉnh đối với chương trình kiểm soát đường cong lợi suất kể từ tháng 12/2022, những động thái được những người theo dõi BOJ coi là nỗ lực nhằm giảm áp lực lên đồng Yên.

V.A

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ