Đồng Yên vẫn chịu áp lực ngay cả khi mà quan chức hàng đầu ngành tài chính Nhật Bản khẳng định giới chức nước này sẵn sàng can thiệp vào thị trường tiền tệ 24 giờ mỗi ngày nếu cần thiết, theo nội dung bài báo mới được Bloomberg đăng tải.
Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản, ông Masato Kanda, khẳng định: “Nếu thị trường tiền tệ có quá nhiều biến động, sẽ gây ra nhiều tác động lên nền kinh tế, trong trường hợp đồng Yên biến động quá mạnh bởi đầu cơ, chúng tôi sẵn sàng có những hành động phù hợp”.
Dù quan chức hàng đầu của Nhật đưa ra tuyên bố mạnh mẽ vậy, đồng Yên vẫn ở ngưỡng thấp và dao động trong biên độ hẹp, đồng Yên ở sát ngưỡng tâm lý 160 Yên/USD, không cách biệt mấy so với ngưỡng thấp nhất trong khoảng 34 năm.
Khi mà lãi suất cơ bản đồng Yên hiện vẫn chỉ ở trên ngưỡng 0%, còn lãi suất đồng USD ở Mỹ chưa cắt giảm, chênh lệch lợi suất của đồng tiền hai nước đồng nghĩa đồng Yên đương đầu với rủi ro sẽ mất giá sâu hơn.
Chuyên gia thuộc ngân hàng Bank of America, ông Shusuke Yamada, dự báo đồng Yên sẽ hạ giá xuống mức 163 Yên/USD vào tháng 9/2024. Nếu đồng Yên chạm mốc 165 Yên/USD, chắc chắn giới chức Nhật sẽ buộc phải can thiệp để nâng giá đồng Yên.
Giới chức Nhật mới đây đã thừa nhận đã chi 9,8 nghìn tỷ Yên tương đương 61,3 tỷ USD để can thiệp vào thị trường tiền tệ trong giai đoạn từ ngày 26/4 đến ngày 29/5. Giới chức Nhật chưa nói rõ ngày nào Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ hành động, tuy nhiên các thống kê cho thấy đã có những đợt can thiệp vào thị trường tiền tệ từ ngày 29/4 đến ngày 1/5/2024.
Tony Sycamore, Chuyên viên phân tích thị trường tại IG Australia, cho biết đợt can thiệp tiếp theo của BOJ có thể xảy ra khi USD/JPY vượt qua mức 160,20. Ông cho biết sự suy giảm của đồng Yên so với USD vào tuần trước do dữ liệu chỉ số PMI của Mỹ mạnh hơn dự kiến và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) do dự trong việc cung cấp kế hoạch chi tiết về việc giảm mua trái phiếu.
Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản cho biết, các cơ quan chức năng toàn cầu liên lạc với nhau hàng ngày về nhiều vấn đề, bao gồm cả tiền tệ. Thị trường đang chú ý đến các mức tỷ giá và có cảm giác cảnh giác mạnh mẽ về việc can thiệp ngoại hối.
Ông Kanda khẳng định rằng các đối tác của ông ở Washington không gặp vấn đề gì với việc can thiệp của Nhật Bản, "điều quan trọng nhất đối với họ là tính minh bạch," ông nói. Quyết định của Mỹ đưa Nhật Bản vào danh sách theo dõi tiền tệ không ảnh hưởng đến chiến lược tiền tệ của Nhật Bản, ông Kanda nói thêm.
Đăng Tuấn