Tại thời điểm cuối năm 2021, DST có khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn 107 tỷ đồng, gấp đôi so với đầu năm. Danh mục đầu tư của DST có thể kể đến như 1,8 triệu cổ phiếu CTCP Xăng dầu khí Thái Bình và hơn 230.000 cổ phiếu CTCP Xăng dầu dầu khí Nam Định – trong khi đầu năm không có khoản này.
Đáng chú ý, mới đây, HĐQT DST cũng dự trình ĐHĐCĐ thường niên 2022 thông qua nhiều nội dung quan trọng, bao gồm kế hoạch kinh doanh năm 2022, chuyển sàn niêm yết qua HoSE cũng như phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, DST đặt kế hoạch 1.100 tỷ đồng doanh thu và 130 tỷ đồng lãi sau thuế trong năm 2022, gấp 29 lần và gấp gần 3 lần thực hiện năm 2021.
Đồng thời, DST kiến phát hành riêng lẻ 125 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn đáng kể so với thị giá trên sàn hiện nay 15.800 đồng/cổ phiếu. Lượng cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Thời gian phát hành dự kiến trong năm 2022. Nếu thành công, vốn điều lệ của DST sẽ tăng từ 323 tỷ đồng lên 1.573 tỷ đồng, gấp gần 5 lần.
Toàn bộ số tiền thu được từ đợt chào bán là 1.250 tỷ đồng sẽ được DST sử dụng để mua lại cổ phần của các cổ đông tại CTCP Du lịch Sinh thái Kim Lan. Sau khi thực hiện xong thương vụ, tỷ lệ sở hữu của DST tại đơn vị này sẽ là 99,2%.
Và HĐQT DST cũng dự kiến trình cổ đông thông qua việc chuyển cổ phiếu niêm yết tại HNX sang niêm yết tại HoSE. Thời điểm thực hiện dự kiến trong năm 2022.
Trên thị trường chứng khoán, giá cổ phiếu DST ghi nhận tăng mạnh trong khoảng 1 quý qua, từ mức 8.600 đồng/cổ phần lên 15.800 đồng/cổ phần, tương ứng tăng 85%.
DST tiền thân là Công ty cổ phần Sách và Thiết bị Giáo dục Nam Định, thành lập năm 2004, niêm yết trên sàn chứng khoán Hà nội (HNX) năm 2007. Công ty được tái cấu trúc và đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thăng Long tháng 1/2018, hoạt động theo mô hình tập đoàn với các công ty thành viên, liên kết. Vốn điều lệ của công ty hiện nay là 323 tỷ đồng (khoảng 15 triệu USD).
Công ty DST được định hướng hoạt động chính trong các lĩnh vực đầu tư tài chính và tư vấn mua bán, sáp nhập (M&A), các công ty thành viên liên kết sẽ hoạt động trong nhiều lĩnh vực từ sản xuất cho đến thương mại.
Về tình hình kinh doanh, doanh thu và lợi nhuận công ty trồi sụt, thậm chí có các năm lỗ đan xen (năm 2017 và năm 2019) và đa phần lợi nhuận ghi nhận không đáng kể (dưới 8 tỷ đồng), ngoại trừ năm 2021 lãi ròng 45 tỷ đồng là mức cao nhất từ khi niêm yết đến nay.
Phan Hằng/Báo Đầu tư
Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam