Theo Tờ trình Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), sau hơn 8 năm tổ chức thi hành Luật Nhà ở năm 2014, công tác phát triển và quản lý nhà ở đã đạt được những kết quả quan trọng về sở hữu nhà ở; về xây dựng, phê duyệt chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương; về phát triển nhà ở thương mại; về phát triển nhà ở để phục vụ tái định cư; về phát triển nhà ở công vụ; về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; về phát triển nhà ở xã hội (NƠXH)…
Cụ thể, các quy định về quyền sở hữu nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 cơ bản phù hợp với quy định của Hiến pháp, Bộ Luật dân sự, tạo cơ sở pháp lý quan trọng giúp các cá nhân, tổ chức và các chủ thể có liên quan thực hiện thuận lợi các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với tài sản là nhà ở, đồng thời giúp cơ quan nhà nước có cơ sở xử lý giải quyết nhằm giảm bớt các tranh chấp liên quan đến sở hữu nhà ở.
Luật Nhà ở năm 2014 có nhiều sự đổi mới trong tư duy chính sách (bổ sung quy định về các Chương trình mục tiêu về nhà ở cho các đối tượng là người có công với cách mạng, người nghèo khu vực nông thôn…); mở rộng thêm hình thức và đối tượng thụ hưởng chính sách NƠXH, trong đó người dân có thu nhập thấp được mua NƠXH, các chủ đầu tư dự án NƠXH được đầu tư xây dựng NƠXH để bán với nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư…
Điều này góp phần khuyến khích, thu hút sự tham gia của các thành phần kinh tế trong xã hội vào đầu tư xây dựng NƠXH, góp phần giảm gánh nặng ngân sách cho Nhà nước; đồng thời đa dạng hóa nguồn cung NƠXH, giúp cho hàng triệu người dân có khó khăn về nhà ở, đặc biệt là người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị tự tạo lập được chỗ ở hợp pháp và ổn định, bảo đảm thực hiện chính sách an sinh-xã hội của đất nước
Tuy nhiên, sau hơn 8 năm thi hành, do các mối quan hệ kinh tế, xã hội có nhiều thay đổi, bên cạnh đó nhà nước đã ban hành nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai nên Luật Nhà ở năm 2014 đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế.
Trên cơ sở các quan điểm chỉ đạo của Đảng tại các Nghị quyết và tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Luật Nhà ở năm 2014 đã nêu trên, theo Bộ Xây dựng, việc bổ sung các chính sách mới để điều chỉnh, giải quyết một số vấn đề phát sinh trong thực tiễn là cần thiết, nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển nhà ở trong thời gian tới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là chính sách NƠXH nhằm đảm bảo chính sách an sinh xã hội của đất nước, đáp ứng nhu cầu nhà ở cho nhân dân.
Mục đích của việc xây dựng Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) là sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 để phù hợp tình hình thực tế hiện nay, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế của Luật Nhà ở năm 2014 bảo đảm hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở với các luật khác có liên quan.
Tại cuộc họp, các thành viên tham dự đa số nhất trí với Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đồng thời đóng góp thêm một số ý kiến để hoàn thiện Dự thảo Luật để trình Chính phủ.
Cụ thể, Dự thảo Luật cần lưu ý đảm bảo nguyên tắc nhất quán trên cơ sở kế thừa các quy định mang tính ổn định của pháp luật về nhà ở qua các thời kỳ và sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi hơn, đảm bảo tính tổng thể, tính chiến lược lâu dài; cần phải xác định rõ phạm vi điều chỉnh của luật này nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ giữa Luật Nhà ở và các Luật khác; về điều khoản áp dụng, cần rà soát thật kỹ các luật khác cũng có quy định về điều khoản áp dụng pháp luật để tránh chồng chéo; cần lược bớt các quy định không phản ánh đặc thù về quy định nhà ở, không nên quy định một số nội dung quá cụ thể, dễ lạc hậu, dễ phải sửa…
Bùi Trang